Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/9 thông báo nước này đã đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định CPTPP gồm 11 nước thành viên, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam đã ký kết năm 2018 tại Chile
Thị trường CPTPP có 495 triệu dân và đóng góp 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD. Nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.
Trước đó, sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan và Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Singapore (ngày 13/9), Bộ Ngoại giao nước chủ nhà tuyên bố hoan nghênh sự quan tâm của Trung Quốc đối với CPTPP.
Trang Đa chiều có bài bình luận cho rằng, Tuyên bố sau chuyến thăm Singapore của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có nghĩa là 10 tháng sau khi Bắc Kinh tuyên bố ý định tham gia CPTPP, Singapore là một trong số 11 quốc gia ký kết hiệp định này đã chấp nhận việc Bắc Kinh gia nhập. Ngoài ra, từ tháng 2-5/2021, các nước CPTPP bao gồm Australia, Malaysia và New Zealand cũng lần lượt thảo luận với Bắc Kinh liên quan vấn đề này.
CPTPP là một cơ chế ban đầu được đưa ra để kiềm chế Trung Quốc. Dù là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn dắt hay CPTPP mà Mỹ đã lựa chọn rút khỏi, hiệp định thương mại này đều có nội dung cốt lõi là tạo ra đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Mục tiêu này không chỉ liên quan đến những trở ngại địa chính trị được thúc đẩy bởi các nước CPTPP lớn như Nhật Bản, Australia và Canada. Sự khác biệt giữa việc trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ và mức độ tiếp cận ngành dịch vụ của Trung Quốc với các tiêu chuẩn phương Tây cũng trở thành nguyên nhân quan trọng khiến các nước TPP, CPTPP từ chối Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi Mỹ rút khỏi TPP, Chile, Peru và các nước khác bắt đầu chú ý đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) từ tháng 11/2016 và Australia năm 2017 thậm chí còn đề xuất ý tưởng khuyến khích Trung Quốc tham gia TPP. Điều này khiến các nước trong CPTPP có cơ sở nhất định để chấp nhận Trung Quốc gia nhập.
Từ quan điểm kinh tế hiện nay, việc Trung Quốc tham gia CPTPP có thể đem lại những lợi ích cho các nước thành viên. Một số nhà kinh tế đã tiến hành phân tích dựa trên dữ liệu năm thương mại bình thường (khi chưa có đại dịch) và rút ra kết luận rằng, sau khi Trung Quốc gia nhập CPTPP, hầu hết các quốc gia thành viên đều có thể được hưởng lợi.
Cụ thể, về tác động của thương mại xuất nhập khẩu, các nước phụ thuộc nhiều vào ngoại thương như Brunei, Malaysia, Việt Nam, Mexico và Peru được hưởng lợi rõ ràng hơn, tiếp theo là Nhật Bản, Australia, New Zealand và Chile, trong khi Canada và Singapore có mức tăng nhỏ hơn. Thứ hai, về GDP, các nước thành viên có thể tăng tối đa 1%, trừ Australia do mức tăng nhập khẩu lớn hơn mức tăng xuất khẩu. Thứ ba, liên quan đến lĩnh vực sản xuất, trừ Brunei, tất cả các quốc gia khác có thể ghi nhận mức tăng trưởng tích cực nhất định. Phân tích này khiến cho việc tiếp nhận Trung Quốc vào CPTPP có cơ sở lý luận lớn hơn.
Tương tự, New Zealand, nước đã nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do với Trung Quốc vào tháng 1/2021, cũng có ý tưởng tương tự. Hiện tại, New Zealand đã dành cho Trung Quốc một số ưu đãi trong lĩnh vực nhất định, tương tự như với các nước thành viên CPTPP, ví dụ như các sản phẩm gỗ, giấy với kim ngạch thương mại gần 2,16 tỷ USD sẽ được miễn thuế 99%. Nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, dự kiến xuất khẩu có thể tăng trưởng ít nhất 2%, việc thúc đẩy Trung Quốc tham gia CPTPP cũng sẽ đem lại lợi ích cho New Zealand.
Xét bối cảnh hiện nay, kế hoạch mở rộng của CPTPP trong tương lai có thể cần nhiều thời gian hơn. Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với một vài trở ngại, chẳng hạn, trong quy chế xem xét các quốc gia bên ngoài gia nhập, có một yêu cầu về việc quốc gia đó sẽ phải tham vấn song phương nếu một trong bảy nước thành viên “toàn phần” (Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Việt Nam) không đồng ý. Trong 7 nước này thì Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada có quan hệ mật thiết với Mỹ. Australia có thể là một ẩn số đối với Trung Quốc do quan hệ căng thẳng giữa hai bên và việc Australia vừa cùng Mỹ và Anh nâng cấp quan hệ hợp tác quốc phòng và công nghiệp thông qua sáng kiến AUKUS.