Trung Quốc đẩy mạnh phát triển kinh tế số

0
103
(Internet)
(Internet)

Ban Quản trị NGKT trực tuyến trân trọng gửi tới quý độc giả một số nội dung tóm tắt bài viết của ông Lưu Ngọc Thư, Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu vĩ mô, Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương (Đại học Nhân dân Trung Quốc) và ông Lý Hải Hạm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế số, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, về phát triển kinh tế số và trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc:

Hiện nay, phát triển kinh tế số đã trở thành sự lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời là công cụ hiệu quả hỗ trợ tái định hình phương thức phát triển kinh tế quốc gia. Báo cáo “Triển vọng kinh tế số toàn cầu 2019” của Viện Nghiên cứu thông tin và truyền thông Trung Quốc cho thấy, Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về phát triển kinh tế số. Quy mô kinh tế số của Mỹ năm 2018 là 12,34 nghìn tỷ USD, đứng đầu thế giới, chiếm 60,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); của Trung Quốc là 4,73 nghìn tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới, chiếm 34,8% GDP. Quy mô kinh tế số và GDP của Trung Quốc lần lượt bằng 38,3% và 66,3% so với Mỹ.

Mới đây, Thượng Hải chính thức thành lập “Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) huy động vốn qua sàn giao dịch công nghệ (STAR Market)”, công bố kế hoạch đầu tư quy mô lớn vào các lĩnh vực AI hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới AI toàn cầu. Kế hoạch có tên “Phòng tiếp tân AI Thượng Hải”, là một tổ hợp các dự án AI về học thuật, đầu tư, công nghệ, công nghiệp nhằm thúc đẩy lĩnh vực AI phát triển. Thành phố sẽ lập hội đồng chuyên gia dưới sự bảo trợ của Quỹ đầu tư công nghiệp AI Thượng Hải, cung cấp thông tin chuyên sâu cho các doanh nghiệp công nghệ, triển khai chương trình đào tạo cho các công ty khởi nghiệp, thành lập câu lạc bộ đầu tư kết nối các công ty AI. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, đầu tư vào AI, dữ liệu lớn và 5G sẽ trở thành động lực giúp Trung Quốc phục hồi nền kinh tế với 3 điểm sáng:

(i) Ngành bán lẻ trực tuyến: 5G thúc đẩy phát triển kinh tế theo hình thức “không tiếp xúc”. Sự kết hợp giữa 5G, dữ liệu lớn, AI và công nghệ thông tin truyền thông thế hệ mới sẽ tạo hiệu ứng cộng hưởng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu Covid-19. Đặc biệt, ngành bán lẻ trực tuyến được hưởng lợi từ 5G và có nhiều cơ hội phát triển. Trong nửa đầu năm 2020, doanh số bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc đạt 5.150,1 tỷ NDT (khoảng 735,7 tỷ USD), tăng 7,3% so với cùng kỳ.

(ii) Các doanh nghiệp mới nổi: Thời gian tới, các doanh nghiệp công nghệ sẽ là chủ thể triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kiểu mới. Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung hỗ trợ các nền tảng kỹ thuật số như Toutiao, Xiaomi và Didi và nhiều công ty công nghệ khác; bồi dưỡng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia cơ sở hạ tầng kiểu mới, từng bước trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương. Trong nửa đầu năm 2020, các công ty công nghệ mới nổi của Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ cao, tổng giá trị đầu tư tăng 6,3% so với cùng kỳ, trong đó đầu tư cho sản xuất công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao lần lượt tăng 5,8% và 7,2%.

(iii) Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ AI: Trong nửa đầu năm 2020, sản lượng robot công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 10,3% so với cùng kỳ; hệ thống quản trị dữ liệu lớn nông nghiệp được quy chuẩn hóa, cơ cấu cây trồng nông nghiệp tiếp tục được tối ưu hóa. Trong thời gian tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực AI, Trung Quốc sẽ tập trung triển khai 2 trọng tâm là phát triển chip thông minh và phát triển máy tính hệ hệ mới.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here