Trong báo cáo mới công bố hôm 4/6 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc đã lắp đặt gần 350 gigawatt (GW) công suất tái tạo mới vào năm 2023, hơn một nửa tổng công suất toàn cầu và nếu duy trì tốc độ này, con số đó có thể sẽ vượt mục tiêu năm 2030 trong năm 2024. Mục tiêu chính thức của Trung Quốc là đạt công suất lắp đặt năng lượng gió và mặt trời ở mức 1.200 GW vào năm 2030. IEA cho biết tính đến tháng 4/2024, con số này đã ở mức 1.130 GW.
Báo cáo của IEA cho biết, dựa trên tham vọng khử cacbon của Trung Quốc, công suất lắp đặt mục tiêu của nước này có thể là hơn 3.000 GW đối với tất cả các loại năng lượng tái tạo, bao gồm cả thủy điện, vào cuối thập kỷ này. Điều này thể hiện việc tăng gấp đôi công suất lắp đặt hiện tại và có nghĩa là Trung Quốc sẽ vẫn dẫn đầu trong việc triển khai năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, IEA cũng cho biết các cơ hội chính nằm ở các nước khác ở châu Á, đặc biệt khi nhiều quốc gia trong khu vực đang bắt đầu hành trình sử dụng năng lượng tái tạo. Một trong những chủ đề chính của báo cáo là cơ hội để các quốc gia như Ấn Độ và các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines tăng cường năng lực năng lượng tái tạo.
Ngoại trừ Trung Quốc, dựa trên mục tiêu của nhiều quốc gia khác nhau, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có kế hoạch sản xuất gần 1.200 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030, tức là gấp đôi mức hiện tại.
Báo cáo của IEA cho biết con số này chiếm khoảng 15% tổng công suất năng lượng tái tạo theo kế hoạch trên toàn cầu, thấp hơn mức 22% của khu vực về phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện và sản xuất nhiệt vào năm 2022.
Ấn Độ dẫn đầu về kế hoạch bổ sung năng lượng tái tạo với 500 GW công suất nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2030, con số này bao gồm khoảng 15 GW hạt nhân trong khi phần lớn là 293 GW năng lượng mặt trời và 100 GW năng lượng gió.
Các thành viên ASEAN có tham vọng đạt 225 GW năng lượng tái tạo mới vào năm 2030, dẫn đầu là Việt Nam với 84 GW, Indonesia ở 44 GW và Philippines ở 30 GW.
Tuy nhiên, báo cáo của IEA cho thấy có dư địa đáng kể để triển khai năng lượng tái tạo tích cực hơn do năng lượng tái tạo biến đổi (VRE) của 15 trong 18 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương được phân tích vẫn dưới 10% tổng sản lượng. Cụ thể, IEA cho biết công nghệ quang điện và gió chi phí thấp có thể nhanh chóng mang lại nhiều lợi ích kinh tế bằng cách giảm tổng chi phí cung cấp điện, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu và cắt giảm khí thải nhà kính. Mặc dù vậy, 12 trong số 15 quốc gia có tỷ trọng VRE thấp có kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo chưa đến ba lần vào năm 2030 và 07 quốc gia chưa đến hai lần, khiến tiềm năng đáng kể chưa được khai thác.
Một phần của vấn đề là nhiều nước châu Á bị dư thừa công suất trong các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch và một số nhà máy mới được xây dựng gần đây nên sẽ phải vận hành trong nhiều năm để hoàn vốn đầu tư.
Điều này có nghĩa là để năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn hơn trong sản xuất điện ở châu Á, có khả năng chính phủ cần phải can thiệp và thay đổi chính sách để giảm bớt các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch khỏi cơ cấu năng lượng.
Tuy nhiên, việc đưa ra khung chính sách đúng đắn là một trong những thách thức chính ở nhiều nước châu Á vì các chính phủ có xu hướng ưu tiên an ninh năng lượng, tính sẵn có và chi phí hơn là lượng khí thải carbon.
Hơn nữa, việc loại bỏ than cũng vô cùng khó khăn, đặc biệt khi chỉ có ba quốc gia ở châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia chịu trách nhiệm cho gần 75% tổng lượng than toàn cầu bị đốt cháy. Điều này càng trở nên khó khăn hơn vì ba quốc gia châu Á này đều có nguồn dự trữ than khổng lồ, dân số đông và các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng.