Trung Quốc đã đối phó với khủng hoảng tài chính như thế nào?

0
292
Hiện đã là thời điểm để Bắc Kinh cân nhắc nghiêm túc về việc đưa đồng NDT vào lưu thông nhiều hơn trong thương mại quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Trung Quốc.

Bắc Kinh cho rằng đại dịch đã minh chứng cho tính ưu việt trong cách tiếp cận của họ đối với ổn định tài chính.

Các công ty được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn rất hiếm khi phá sản, vì họ được hưởng đặc quyền tiếp cận tín dụng nhà nước. Do đó, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các doanh nghiệp nhà nước (SOE) sắp vỡ nợ, hay các ngân hàng nhà nước có nguy cơ phá sản, đều có xu hướng đẩy thị trường tài chính Trung Quốc đến bờ vực khủng hoảng.

Sự hội tụ của các diễn biến trên trong cùng một thời điểm nói lên nhiều điều về con đường đầy rủi ro mà Bắc Kinh đã lựa chọn để trì hoãn một cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy Bắc Kinh nghĩ rằng họ đã tìm ra một mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước mà cho phép họ vừa duy trì quyền kiểm soát của nhà nước vừa có được một hệ thống tài chính năng động.

Các vấn đề đặt ra
Năm 2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu chú trọng tới ổn định tài chính như một ưu tiên liên quan đến an ninh quốc gia. Trung Quốc có lý do chính đáng cho mối quan tâm đặc biệt này. Theo Ngân hàng Thế giới, không quốc gia nào trong lịch sử tích lũy nhiều nợ trong một thời gian ngắn như Trung Quốc mà không trở thành nạn nhân của một cuộc khủng hoảng tài chính. Chừng nào nền kinh tế Trung Quốc còn phát triển phi mã với tốc độ tăng trưởng hai con số, và khu vực doanh nghiệp vẫn còn dễ dàng thu được lợi nhuận để vá víu cho tình trạng kém hiệu quả và sự non nớt của hệ thống trong việc định giá rủi ro, thì khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính không thể kiểm soát vẫn ở mức thấp.

Nhưng khi động lực thúc đẩy mô hình tăng trưởng của Trung Quốc chuyển từ xuất khẩu và tự do hóa chính sách đất đai sang đầu tư, và khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bước vào giai đoạn giảm tốc dài dù không đột ngột, thì dự trù rủi ro bắt đầu thu hẹp đáng kể. Tình hình trở nên đặc biệt đáng báo động sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi Bắc Kinh tung ra gói kích thích với quy mô gây choáng váng, trên thực tế cho phép các chính quyền địa phương tiêu xài bao nhiêu tùy thích, và sau đó nhận thấy mình không thể thu hẹp gói kích thích này mà không đẩy toàn bộ hệ thống vào thế hỗn loạn.

Kể từ năm 2017, Chính quyền Tập Cận Bình đã cố gắng thực hiện một loạt cải cách tham vọng nhằm giảm thiểu rủi ro. Những cải cách này bao gồm đại tu bộ máy quản lý, giao cho cơ quan chống tham nhũng điều tra các quan chức và nhà tài phiệt ương ngạnh, buộc chính quyền và ngân hàng cấp tỉnh và địa phương chỉnh đốn sổ sách tài chính đồng thời tránh xa các hoạt động “cho vay không chính thức”. Chính quyền cũng cho phép ngân hàng trung ương tự do điều chỉnh hệ thống không giới hạn nhằm tìm kiếm sự cân bằng không dễ gì đạt được giữa tính thanh khoản và khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị phá hoại bởi hai vấn đề kinh niên, cả hai đều là kết quả của việc Bắc Kinh kiên quyết duy trì hệ thống lấy nhà nước làm trung tâm.

Vấn đề thứ nhất là một hệ thống ngân hàng méo mó, được khuyến khích tập trung vào nhu cầu của hơn 150.000 SOE của Trung Quốc (phần lớn thuộc sở hữu của chính quyền cấp tỉnh và địa phương) và các dự án mà các ngân hàng cho là sẽ được đảng ưu tiên – và do đó được đảm bảo sẽ không phá sản – hơn tất cả các khách hàng khác. Kết quả là, hệ thống không thông thạo trong việc định giá rủi ro hoặc phân phối tín dụng cho các khu vực kinh tế không được nhà nước hỗ trợ ngầm. Hệ thống này cũng rất yếu kém trong việc đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn thường có lịch sử tín dụng ngắn ngủi hoặc ít tài sản có sẵn để thế chấp nhưng hiện chiếm tỷ trọng rất lớn trong việc làm ở Trung Quốc.

Điều này buộc các doanh nghiệp và chính quyền địa phương thiếu tiền mặt phải tìm kiếm nguồn vốn thông qua các nền tảng cho vay không chính thức (sự thiếu minh bạch của hoạt động này khiến Bắc Kinh lo lắng), còn các hộ gia đình phải dựa vào các nền tảng cho vay ngang hàng (sự biến động của chúng tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn trong xã hội khiến Bắc Kinh lo sợ). Tình trạng này cũng tạo cơ hội cho các công ty công nghệ tài chính như Ant Group lấp đầy khoảng trống trong lĩnh vực tài chính hướng tới người tiêu dùng.

Tất cả những điều này buộc các cơ quan quản lý phải thận trọng khi thực hiện các biện pháp mới để giảm thiểu rủi ro. Hành động quá mạnh tay có thể đẩy khu vực tư nhân rơi vào tình trạng khủng hoảng tín dụng do các ngân hàng thắt chặt cho vay – như đã từng xảy ra trước đại dịch trong năm 2018 và 2019 – và tăng trưởng kinh tế, điều luôn được Trung Quốc ưu tiên, có thể chững lại. Ngược lại, hành động quá chậm có thể khiến tiết kiệm hộ gia đình – nhân tố bình ổn lớn đóng vai trò “lưới an toàn” cho nền kinh tế Trung Quốc – giảm đi, bong bóng bất động sản đầu cơ có thể vỡ và các rạn nứt đan xen có thể bùng nổ cùng một lúc.

Vấn đề cốt lõi thứ hai là rủi ro đạo đức. Nói một cách đơn giản, vì Bắc Kinh lo sợ rằng tình trạng thất nghiệp và bất ổn xã hội sẽ đe dọa sự tồn tại của chế độ, nên các bên cho vay và các nhà đầu tư cho rằng nhà nước nhiều khả năng sẽ ra tay giải cứu nếu tình hình xấu đi và gây rủi ro cho toàn hệ thống ở bất kỳ mức độ nào. Bắc Kinh cũng hiểu rằng nếu người dân tin rằng nhà nước sẽ bảo đảm các khoản tiền gửi hoặc đầu tư của họ, nhưng nhà nước lại không thực hiện được các cam kết (dù ngầm hiểu hay công khai), thì người dân nhiều khả năng sẽ hướng sự giận dữ không phải vào các ngân hàng hoặc công ty hoạt động kém cỏi, mà là vào chính nhà nước. Đương nhiên, điều này khuyến khích đủ mọi loại hình đầu tư và cho vay nhiều rủi ro. Điều này đặc biệt đúng với các SOE và ngân hàng nhà nước.

Bắc Kinh coi đây là những công cụ vô giá để tạo việc làm cho nhân lực dư thừa, tài trợ hoặc thực hiện các dự án được ưu tiên vì các mục tiêu phát triển xã hội hoặc ngoại giao, cũng như làm trung gian hòa giải giữa các phe phái và làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc vào thiện chí của đảng. Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận kém và sự thiếu hiệu quả trong khu vực nhà nước vì những mục tiêu không công khai này. Trong khi đó, các chính quyền địa phương dựa vào các doanh nghiệp nhà nước mà họ kiểm soát để “lách luật” và đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng và việc làm do cấp cao hơn đặt ra.

Các cơ quan quản lý có thể phàn nàn về những sự lãng phí trong khu vực nhà nước, nhưng họ nhìn chung không muốn phó mặc khu vực này cho các lực lượng thị trường và nhất là không muốn đẩy các ngân hàng nhà nước rơi vào tình trạng thua lỗ. Số ít lần họ cố gắng làm như vậy đều dẫn tới những kết quả tồi tệ. Một ví dụ là vào tháng 6/2013, khi thời khắc Lehman Brothers suýt chút nữa đã xảy ra với Trung Quốc. Khi đó, Bắc Kinh đã chọn cách không can thiệp, dù chỉ trong một thời gian ngắn, sau một vụ vỡ nợ kỹ thuật liên quan đến hai ngân hàng nhỏ (Vỡ nợ kĩ thuật là thiếu sót trong hợp đồng cho vay phát sinh từ việc không tuân thủ một số điều khoản cho vay, ngoài các khoản thanh toán định kì). Diễn biến này đẩy lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng vọt, khiến hoạt động cho vay bị đình trệ và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng thanh khoản có dấu hiệu lan sang phần còn lại của nền kinh tế. Bắc Kinh đã nhanh chóng thay đổi cách đối phó, và hệ thống méo mó này lại tiếp tục vận hành.

Và các giải pháp có thể sử dụng?

Các sự kiện trong tháng 11/2020 chỉ là sự tái diễn của trò “đẩy đi kéo lại” giữa thị trường và nhà nước. Tuy nhiên, như trong các vấn đề khác liên quan tới Trung Quốc, khó có thể phân biệt liệu những diễn biến bất thường trên là dấu hiệu của sự yếu kém hay sức mạnh của Bắc Kinh. Phải chăng cuộc đàn áp các tập đoàn công nghệ cho thấy nỗi sợ hãi ngày một lớn ở Bắc Kinh rằng sự giàu có và quyền kiểm soát dữ liệu thông tin ngày càng tăng của những tập đoàn này (những thứ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn nắm độc quyền) sẽ giúp họ có được quyền lực chính trị và làm bùng nổ những rạn nứt kinh tế xã hội và khu vực mang tính lịch sử của Trung Quốc?

Hay Bắc Kinh chỉ đơn thuần đang theo đuổi một chính sách thận trọng? (Xét cho cùng, Ant Group đã nhanh chóng nhượng bộ). Phải chăng việc để mặc các SOE vỡ nợ cho thấy gánh nặng đang vượt quá khả năng ứng phó của Bắc Kinh, hay điều đó cho thấy chiến dịch giảm thiểu rủi ro tài chính của Bắc Kinh đã thành công đến mức họ cho rằng đã đến lúc phải dạy cho các doanh nghiệp nhà nước hay lãng phí một bài học về trách nhiệm giải trình?

Hầu hết các trường hợp có cả hai yếu tố trên. Cảm giác thường trực về sự đan xen giữa khủng hoảng và cơ hội là động cơ hàng đầu thúc đẩy hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm khác biệt lần này là Bắc Kinh dường như thực sự cảm thấy rằng các biện pháp của họ đang phát huy tác dụng. Đại dịch COVID-19 là bài kiểm tra khó nhất về khả năng chống chịu sức ép của hệ thống Trung Quốc.

Và hệ thống nhìn chung đã vượt qua bài kiểm tra mà không hề hấn gì – thậm chí đủ ổn định để chấp nhận rủi ro gây rối loạn thị trường khi để các SOE phá sản, hoặc nguy cơ về một cuộc khủng hoảng thanh khoản khi áp đặt các quy định mới đối với các sản phẩm công nghệ tài chính. Bắc Kinh tiến hành các biện pháp này mà không cần viện tới gói kích thích như vào năm 2008 trong khi đang trấn áp Hong Kong bất chấp nguy cơ khiến đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc, và khi Mỹ đã chuyển trọng tâm gây sức ép kinh tế với Trung Quốc từ thương mại sang tài chính.

Quả thật, Bắc Kinh cho rằng, giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đại dịch COVID-19 theo nhiều cách đã chứng minh tính ưu việt trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với ổn định tài chính – hay ít nhất là hình dung về hệ thống tài chính Trung Quốc trong hy vọng của Bắc Kinh, với một số điều chỉnh bổ sung theo hướng kỹ trị, một số vụ thanh trừng tham nhũng và việc thường xuyên đưa những tư tưởng của đảng vào hệ thống tài chính để vạch ra một hướng đi chung. Bắc Kinh thực sự đáng được khen ngợi vì đã trao quyền cho các cơ quan quản lý tiến hành những cải cách đau đớn trước khi khủng hoảng xảy ra và áp dụng một hệ thống quản lý phản chu kỳ được thiết kế để điều chỉnh linh hoạt, thắt chặt hoặc nới lỏng kiểm soát tùy theo tình hình.

Bắc Kinh đã đạt được những thành công thực sự khi hạn chế hoạt động cho vay không chính thức và đóng cửa các doanh nghiệp “thây ma” theo cách tương đối có kiểm soát (đây là kiểu doanh nghiệp cần tiền cứu trợ để hoạt động, hoặc chỉ có khả năng trả lãi cho các khoản nợ của mình mà không trả được nợ gốc). Điều mà hệ thống này thiếu là các động cơ thị trường thúc đẩy hành động thận trọng, nhưng Bắc Kinh đã có thể bù đắp phần nào bằng cách lấy Tập Cận Bình ra hù dọa. Có lẽ đây là một trong những lợi ích của việc sống trong nỗi sợ hãi thường trực rằng một cuộc khủng hoảng đang cận kề: Nỗi lo sợ ấy khiến Trung Quốc ít khi bị rơi vào thế bị động.

Tuy nhiên, những mâu thuẫn cốt lõi trong mô hình của Trung Quốc vẫn tồn tại. Nước này có lẽ sẽ không bao giờ chấp nhận thanh lọc hệ thống bằng một cuộc suy thoái có khả năng gây bất ổn. Vấn đề không nằm ở việc giảm bớt vai trò của các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Sẽ rất khó có thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro đạo đức cũng như thuyết phục các tổ chức tài chính hành động đi ngược lại lợi ích của họ, chừng nào Trung Quốc còn coi nền kinh tế lấy nhà nước làm trung tâm là điều cần thiết cho sự tồn tại của đảng. Sự đánh đổi giữa tính năng động và sự kiểm soát là điều không thể tránh khỏi.

Ngay cả khi ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng kinh hoàng, thì mô hình này cũng khó có thể tránh được một đợt giảm tốc kéo dài. Nói cách khác, Trung Quốc không thể cứ mãi né tránh khủng hoảng tài chính, nhưng tình hình nhiều khả năng sẽ giống với thập kỷ mất mát của Nhật Bản, chứ không giống như những gì Hàn Quốc và phần lớn khu vực Đông Nam Á phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Khi hình dung một cuộc khủng hoảng giống như vào năm 1997 sẽ kéo theo những hậu quả gì ở Trung Quốc, Bắc Kinh hẳn sẽ vui lòng chấp nhận sự đánh đổi đó.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here