Ngày 09/12/2019, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, là tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội hàng đầu Trung Quốc và được tạp chí Foreign Policy mô tả là think tank hàng đầu ở châu Á), đã tổ chức Hội nghị công bố “Sách xanh kinh tế” năm 2020 và báo cáo tình hình kinh tế Trung Quốc. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghiệp và kinh tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Lý Tuyết Tùng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu hiện nay đang chậm lại, các nhân tố không ổn định, không xác định bên ngoài gia tăng, các mâu thuẫn chu kỳ và kết cấu chồng chất lên nhau, kinh tế của Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức.
Lý Tuyết Tùng nhận định, với việc tăng cường điều tiết chu kỳ và đẩy mạnh cải cách mở cửa, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 của Trung Quốc dự kiến tăng trưởng đạt khoảng 6%. Nếu như Trung-Mỹ có thể sớm đoạt được thỏa thuận giai đoạn 1, đặc biệt là nếu như có thể dỡ bỏ các thuế quan bổ sung thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ trên mức 6%.
“Sách xanh kinh tế” dự đoán, tốc độ tăng trưởng của đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư ngành chế tạo trong năm 2020 của Trung Quốc sẽ tăng nhẹ, lần lượt đạt mức 5,5% và 4,0%, tốc độ tăng trưởng của đầu tư bất động sản sẽ giảm nhẹ, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ; tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội giảm xuống còn 7,8% so với cùng kỳ, xuất nhập khẩu dự kiến sẽ thực hiện tăng trưởng dương, thặng dư thương mại hàng hóa sẽ thu hẹp.
Để tăng trưởng kinh tế và việc làm duy trì trong phạm vi hợp lý, “Sách xanh kinh tế” cho rằng trong năm 2020 cần thực hiện kết hợp chính sách: điều tiết ngược chu kỳ + cải cách, mở cửa, sáng tạo + kiểm soát rủi ro bên trong và bên ngoài.
Về phương diện tăng cường điều tiết ngược chu kỳ, trước tiên cần tăng cường hiệu quả của chính sách tài chính tích cực, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế, hạ phí, tối ưu hóa cơ chế truyền tải của chính sách giảm thuế, hạ phí, tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách một cách phù hợp (khoảng 3%), tập trung hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già và trị liệu, cũng như môi trường sinh thái. Đồng thời, cần tăng hạn mức trái phiếu thông thường và trái phiếu chuyên biệt, nâng hạn mức trái phiếu chuyên biệt từ 2,15 nghìn tỷ NDT năm 2019 lên 3 nghìn tỷ NDT năm 2020, phát huy hiệu ứng đòn bẩy để duy trì tốc độ tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng.
Về chính sách tiền tệ, “Sách xanh kinh tế” kiến nghị, cần kết hợp hài hòa giữa thắt chặt và nới lỏng, duy trì thanh khoản ở mức hợp lý, tăng cường cải cách lãi suất theo hướng thị trường hóa, định hướng để lãi suất thị trường giảm xuống vừa phải.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên việc làm, tối ưu hóa môi trường kinh doanh của khu vực miền Trung-Tây và khu vực Đông-Bắc, tăng cường đào tạo kỹ năng, ổn định và tăng việc làm.
Về phương diện thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, “Sách xanh kinh tế” kiến nghị, tăng cường cải cách doanh nghiệp nhà nước, tài sản nhà nước và tiếp cận thị trường, cải cách hệ thống tài chính và thuế, cải cách cơ cấu cung ứng tài chính.
Về phương diện hóa giải các rủi ro lớn, “Sách xanh kinh tế” kiến nghị, cần xây dựng cơ chế xử lý theo hướng thị trường hóa cho các tổ chức tài chính trong lĩnh vực tài chính, đẩy nhanh công tác bổ sung vốn cho ngành ngân hàng; cần nắm chắc tiết tấu và cường độ xử lý rủi ro bất động sản, ngăn ngừa giá bất động sản tăng hoặc giảm mạnh, ngăn ngừa bong bóng bất động sản bị vỡ dẫn đến rủi ro tài chính; về lĩnh vực tài chính công, cần thực hiện nhiều biện pháp để giảm bớt áp lực cân bằng thu chi tài chính của chính quyền địa phương.
(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)