Trung Quốc có thể kiểm soát được tác động của cọ sát thương mại Trung-Mỹ đối với ngoại thương và thu hút đầu tư nước ngoài

0
64

Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết, việc tăng thuế quan của Mỹ có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến ngoại thương của Trung Quốc, nhưng nhìn chung có thể kiểm soát được.

Thứ nhất, mặc dù Mỹ vẫn là một thị trường xuất khẩu quan trọng đối với Trung Quốc, nhưng tầm quan trọng đang giảm dần. Theo đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ hiện tại chỉ chiếm khoảng 16% trong tổng lượng xuất khẩu của Trung Quốc, con số này năm 1999 là 22%. Đồng thời thị phần nhập khẩu toàn cầu của Mỹ cũng giảm từ 18,3% năm 2000 xuống còn 12,8% năm 2018.

Thứ hai, thị trường xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng đa dạng. Tỷ lệ xuất khẩu sang các quốc gia dọc tuyến “Vành đai và Đường” tăng từ 25,8% năm 2013 lên 28,3% năm 2018; tỷ lệ xuất khẩu sang các đối tác thương mại tăng lên 35,5%, tỷ lệ xuất khẩu sang các thị trường mới nổi tăng từ 23% năm 1991 lên 46% năm 2018. Trong số hơn 230 đối tác thương mại hiện nay, Trung Quốc đang là nguồn nhập khẩu lớn nhất của 61 đối tác thương mại, và nằm trong Top 3 nguồn nhập khẩu lớn nhất của 130 đối tác thương mại khác.

Thứ ba, quy mô ngoại thương của Trung Quốc lớn và có tính dẻo dai. Trung Quốc có gần 400 nghìn doanh nghiệp xuất khẩu. Tỷ lệ xuất khẩu của các doanh nghiệp tư nhân đã tăng từ 0,1% trong giai đoạn đầu cải cách và mở cửa lên tới 50% hiện nay. Các doanh nghiệp tư nhân đã trở thành lực lượng chính và sức sống mới của ngoại thương Trung Quốc. Tỷ lệ xuất khẩu thương mại thông thường tăng từ 48,2% năm 2012 lên 56,3% năm 2018, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt 30%.

Gần đây, Trung ương Đảng và Quốc Vụ viện đã ban hành một loạt các biện pháp chính sách mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp ngoại thương như giảm thuế, hạ phí quy mô lớn, cải thiện thuận tiện hóa thương mại, giảm thuế quan. Trong năm 2019, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng khu mậu dịch tự do, tích cực phát huy tác dụng Hiệp định Thương mại tự do, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường đa dạng và tăng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên quy mô lớn hơn.

Về tác động của cọ sát thương mại Trung-Mỹ đối với thu hút đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết có thể kiểm soát được được điều này.

Thứ nhất, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc chiếm tỷ lệ tương đối thấp trong đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2018, đầu tư thực tế của Mỹ vào Trung Quốc là 85,19 tỷ USD, chỉ chiếm 4,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Năm 2018, Trung Quốc đã thu hút đầu tư nước ngoài là 138,3 tỷ USD, trong đó đến từ Mỹ là khoảng 3,45 tỷ USD.

Thứ hai, Trung Quốc có sức hút thị trường lớn với gần 1,4 tỷ dân, có nhóm thu nhập trung bình đang phát triển, tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng trong nước lớn. Năm 2018, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội tại Trung Quốc là khoảng 5,8 nghìn tỷ USD, của Mỹ là khoảng 6 nghìn tỷ đô la Mỹ. Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2019, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội ở Trung Quốc là 1,91 nghìn tỷ đô la Mỹ và ở Mỹ là 1,93 nghìn tỷ đô la Mỹ, khoảng cách này là rất nhỏ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng coi trọng thị trường TQ. Các dự án lớn như Tesla, Exxon Mobil, BASF và BMW đều đã vào TQ,  bởi vì đánh giá cao tiềm năng về các cơ hội phát triển do thị trường tăng trưởng bền vững của Trung Quốc mang lại.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Vương Thụ Văn cũng khẳng định hiện này có hiện tượng một số doanh nghiệp đang dịch chuyển cơ sở sản xuất ra nước khác, nhưng chiếm tỷ lệ không lớn. Việc chuyển cơ sở sản xuất ra nước khác có thể tiết kiệm một số chi phí, nhưng cũng phải đối mặt với những rủi ro bất ổn khác như môi trường phát triển kinh tế, chất lượng lao động, bao gồm cả rủi ro Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với nơi doanh nghiệp đến đầu tư.

Tin từ ĐSQVN tại Trung Quốc (theo Thương báo Quốc tế, ngày 3/6)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here