Ngày 11/3/2020, Tạp chí “Thanh niên Trung Quốc” đăng bài phỏng vấn Giáo sư Vương Văn[1], Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trùng Dương (thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc), nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu tài chính Phòng tham mưu Quốc Vụ Viện Trung Quốc về tình hình kinh tế thế giới. Xin tóm lược nội dung cuộc phỏng vấn như sau:
– Về sự thay đổi lớn trên trường quốc tế hiện nay, trong vài năm gần đây, giới học giả thảo luận nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên vào cuối năm 2012, ngay sau Đại hội Đảng Cộng sản 18, Tổng Bí thư Tập Cận Bình lần đầu tiên chỉ ra rằng “thế giới đang xảy ra những thay đổi lớn chưa từng thấy” và nhắc lại rất nhiều lần. Tháng 10/2017, báo cáo tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 19 cũng viết rằng thế giới ngày nay đang phải đối mặt với những thay đổi lớn chưa từng có và Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước sang thời kỳ mới. Có thể thấy sự quan tâm của dư luận cũng như thảo luận của giới học thuật đều tụt hậu hơn so với Trung ương. Trước “sự thay đổi lớn”, Trung Quốc cần kiên trì chính sách và kiên nhẫn chiến lược, không tự mãn, cần tự kiểm điểm, nhìn lại thiếu sót và khắc phục bất lợi. Trong thời gian dài, Trung Quốc tiếp tục ở trong giai đoạn đầu của Chủ nghĩa xã hội, cần liên tục học hỏi từ thế giới. Nếu xử lý đúng đắn sẽ tạo cơ hội lớn trong cuộc đại khủng hoảng này.
– Về tác động của dịch bệnh đối với Trung Quốc và thế giới, kể từ cuối tháng 02/2020, dịch bệnh đã được kiểm soát tạm thời ở Trung Quốc, nhưng bắt đầu hoành hành khắp thế giới: thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm mức kỷ lục chưa từng thấy trong vòng 100 năm qua, chỉ số khủng hoảng thị trường tăng vọt; Nhật Bản, Hàn Quốc rơi vào tình trạng mất kiểm soát; châu Âu bắt đầu phong tỏa thành phố, khả năng khủng hoảng địa chính trị toàn cầu gia tăng. Giáo sư Vương Văn đưa ra 3 kịch bản:
(1) Kịch bản tồi tệ: khủng hoảng toàn cầu. Giáo sư Vương Văn cho rằng, dịch bệnh lan rộng trên thế giới do thiếu kiểm soát hiệu quả có thể dẫn đến khủng hoảng toàn cầu, toàn cầu hóa bị suy thoái và chuỗi công nghiệp sụp đổ. Đây là viễn cảnh đáng báo động, Trung Quốc và các nước cần lên kế hoạch trước để chuẩn bị.
(2) Kịch bản tương đối tồi tệ: khủng hoảng mang tính khu vực. Tốc độ tăng trưởng trung bình của kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế 2008; tiến trình nhất thể hóa Đông Á bị cản trở, Trung Quốc-Mỹ xảy ra tách rời cục bộ, chủ nghĩa dân túy các nước tăng lên.
(3) Kịch bản lạc quan: rủi ro trung ngắn hạn. Dịch bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả ở Trung Quốc, Đông Á và thế giới, vào đầu hè về cơ bản xử lý ổn thỏa. Trong nửa cuối năm 2020, nền kinh tế các nước sẽ phục hồi, về tổng thể đây là rủi ro trung ngắn hạn. Trung Quốc vẫn có thể hoàn thành đúng tiến độ mục tiêu chiến lược là thực hiện xóa đói giảm nghèo và xây dựng xã hội khá giả toàn diện trong năm 2020.
– Với Trung Quốc, sự lây lan của dịch bệnh làm nổi bật lên tầm quan trọng và tính cấp bách của quản trị toàn cầu. Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ trở thành chủ đề chính từ năm 2018 nhưng nay giảm dần. Kinh nghiệm của cả hệ thống chính trị trong chống đại dịch và phát triển kinh tế xã hội đất nước được cả thế giới ngưỡng mộ. Do đó tại thời điểm này, Trung Quốc nên làm ít nhất 4 việc sau:
(1) Trung Quốc đã làm 3 việc song song: phòng dịch, phát triển kinh tế và tăng cường quan hệ quốc tế; cho thế giới thấy hình ảnh nước lớn toàn cầu ứng phó thành công khủng khoảng. Trung Quốc có thể tiếp tục tăng cường hợp tác sâu rộng với các tổ chức đa phương, giành thêm sự ủng hộ quốc tế. Điểm khởi đầu mới để Trung Quốc tạo cơ sở nâng cao ảnh hưởng quốc tế trong lĩnh vực quản trị y tế công cộng toàn cầu.
(2) Lãnh đạo quá trình quản trị toàn cầu mới với chủ đề phòng chống dịch bệnh. Trung Quốc có thể chủ động hướng dẫn cách thức phòng chống bệnh và cách xử lý thời kỳ hậu dịch bệnh bằng cách chia sẻ kịp thời kinh nghiệm, tăng cường hợp tác với các nước trong nghiên cứu và phát triển vắcxin. Mục đích là giảm đối đầu và phát triển quan niệm giá trị hợp tác cùng thắng của Trung Quốc.
(3) Tuyên truyền về phòng dịch và định hướng dư luận quốc tế bảo vệ lợi ích người dân, làm xoay chuyển dư luận tiêu cực về Trung Quốc.
(4) Duy trì vị thế của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trước khả năng dịch bệnh có thể làm sụp đổ chuỗi giá trị toàn cầu, Trung Quốc cần tăng cường phối hợp quốc tế nhằm khôi phục nền kinh tế và bảo vệ chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Nhìn chung, nhiều tổ chức quốc tế bày tỏ lạc quan về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 3/2020, tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi. Nếu Trung Quốc có thể duy trì vị trí hàng đầu trong chuỗi giá trị toàn cầu, như vậy sẽ áp lực nền kinh tế tăng trưởng giảm tốc, niềm tin thị trường và nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên, Trung Quốc tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới, tiến trình phục hưng dân tộc sẽ được đẩy nhanh.
Chú thích:
[1] Giáo sư Vương Văn là tác giả của trên 40 đầu sách, trong đó có những cuốn best seller tại Trung Quốc như “Lạc quan về Trung Quốc”, “Con đường Trường Chinh trỗi dậy thành cường quốc”. Năm 2014, GS Vương Văn được bình chọn là một trong 10 “nhà nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc”, được TBT, CT Tập Cận Bình tiếp và nói chuyện.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)