Trung Quốc cần sẵn sàng cho những điều không biết trước hậu đại dịch

0
122
(BBC.com)
(BBC.com)

Ban Quản tr Trang Ngoại giao Kinh têế Xin gửi tới các thành viên một số nội dung chính trong bài viết của ông Zhang Yansheng, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc như sau:

Đại dịch gây ra cuộc khủng hoảng y tế có một không hai trong 100 năm qua và có khả năng sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài. Thế giới hậu dịch sẽ không còn giống như trước; trật tự thế giới đang được tạo hình lại.

Phân tách cấu trúc chiến lược đang trở thành mối đe dọa lớn. Rủi ro có tính hệ thống của toàn cầu hóa đang tăng lên. “Phản toàn cầu hóa” (deglobalization) và “tái toàn cầu hóa” (reglobalization) đang trở thành hai xu thế cùng tồn tại. Năng suất toàn cầu tiếp tục đi xuống trong khi các công nghệ mới và kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra cần có thời gian và chưa thể ngay lập tức trở thành các động lực tăng trưởng. Các lo ngại an ninh thái quá ngày càng cản trở các mối liên kết trọng yếu trong chuỗi cung và chuỗi công nghiệp toàn cầu, thúc đẩy các quốc gia áp dụng chiến lược khu vực hóa, địa phương hóa và đa dạng hóa sản xuất trong tương lai. Địa chính trị sẽ trở nên bất ổn và phức tạp hơn; dầu mỏ, tài chính, an ninh lương thực sẽ trở thành các điểm xung đột mấu chốt giữa các cường quốc. Sự cạnh tranh giữa các hệ thống chính trị ngày càng gia tăng. Mỹ và Liên bang Xô Viết bước vào chiến tranh lạnh ngay sau khi cùng nhau hợp tác đánh bại chủ nghĩa phát-xít. Nếu Mỹ xem việc kêu gọi chỉ bằng hợp tác với Trung Quốc mới chiến thắng dịch bệnh là một thủ đoạn, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy sự tranh cãi về kinh tế, chính trị giữa các cường quốc sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn giai đoạn hậu dịch.

 Đại dịch tác động mạnh đến 03 mạng lưới sản xuất chính trên thế giới là Đông Á, Châu Âu và Bắc Mỹ; có tác động lớn và khó có khả năng dự đoán đối với kinh tế thế giới ở cả mặt cung và cầu; làm lung lay niềm tin của cả người sản xuất và người tiêu dùng, thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ; làm leo thang các xung đột thương mại – kinh tế quốc tế, đẩy nhanh sự thoái lui của toàn cầu hóa. Các lĩnh vực tham gia sâu vào phân công công nghiệp quốc tế, có độ phức tạp cao hơn về công nghiệp và công nghệ, có chuỗi cung giá trị dài hơn và lệ thuộc lớn hơn vào mạng lưới vận tải liên hợp toàn cầu là các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch. Do đó, địa phương hóa việc sản xuất các cấu phần lõi được dự báo sẽ là xu thế mới sau khi đại dịch kết thúc; phản toàn cầu hóa về khoa học công nghệ sẽ được mở rộng sang nhiều lĩnh vực hơn nữa.

Chuỗi giá trị truyền thống sẽ đẩy nhanh tốc độ điều chỉnh. Sự đứt gãy nguồn cung ứng các linh kiện và sản phẩm bộ phận thành phần chủ chốt có thể dẫn đến việc bố trí lại các chuỗi cung và khuyến khích quá trình “tái công nghiệp hóa” (reindustrialisation) – một chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhất là thông qua trợ cấp của chính phủ nhằm làm sống lại và hiện đại hóa các ngành công nghiệp cũ và khuyến khích sự phát triển các ngành công nghiệp mới trong nỗ lực kích thích nền kinh tế thực. Đông Á từ lâu cung ứng cho thế giới năng lực chế tạo và lực lượng lao động. Dịch bệnh càng làm nổi bật vai trò quan trọng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á trong việc tăng cường hợp tác, mở rộng nhu cầu trên tinh thần có sự phối hợp và cùng nhau hành động làm bình ổn các chuỗi cung khu vực, phục hồi các chuỗi công nghiệp và nâng cấp chuỗi giá trị. Là khu vực sớm kiểm soát được dịch bệnh, Đông Á góp phần đẩy mạnh xu thế chuyển hướng về phía Đông các lĩnh vực chế tạo cao cấp, dịch vụ công nghiệp và khách hàng cao cấp, các nhân tố sản xuất chất lượng cao như công nghệ, dữ liệu và vốn. Điều này từ đó dẫn đến những thay đổi trong các mô hình sản xuất giúp Đông Á trở thành một cỗ máy tăng trưởng toàn cầu quan trọng. Trung Đông và các quốc gia đang phát triển là nguồn cung năng lượng và các tài nguyên khác được dự báo sẽ góp phần thúc đẩy quá trình địa phương hóa chuỗi cung công nghiệp trong tương lai.

Sau đại dịch, các tập đoàn đa quốc gia sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân bổ lại hoạt động toàn cầu để phòng ngừa rủi ro gây ra bởi chuỗi cung dài, toàn cầu hóa quá mức của chuỗi giá trị và sự co cụm của các chuỗi công nghiệp. Khu vực hóa chuỗi cung cũng có thể sẽ là xu hướng nổi bật. Các thỏa thuận thương mại tự do khu vực quan trọng như RCEP, CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế EU – Nhật Bản sẽ tạo hình lại các chuỗi công nhiệp và chuỗi cung toàn cầu. Trong các thỏa thuận này, RCEP là bao trùm, mở và đa dạng nhất, có khả năng thu hút nhiều vốn quốc tế và các công ty đa quốc gia hơn tham gia vào quá trình thực thi thỏa thuận. Sáng kiến “Vành đai, Con đường” sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới; hòa nhập, bổ trợ với các chương trình y tế công, xóa đói nghèo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái của các nước tham gia sáng kiến; đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy thương mại, đầu tư, mở rộng phối hợp giữa các chuỗi công nghiệp, chuỗi cung và tạo thêm công ăn việc làm cho sở tại.

Trung Quốc cần cởi mở hơn trong hợp tác về khoa học và công nghệ; tích cực, chủ động điều chỉnh để tiến gần tới các chuẩn mực, quy chuẩn quốc tế hiện hành; đẩy mạnh xây dựng một nền kinh tế mở với tiêu chuẩn cao hơn; tiến hành hợp tác quốc tế không chỉ trong các lĩnh vực y tế công, chống khủng bố quốc tế mà mở rộng sang các lĩnh vực thúc đẩy tự do hóa và tạo thuận lợi thương mại và đầu tư toàn cầu, mở rộng nhập khẩu và đầu tư ra nước ngoài và cải thiện môi trường kinh doanh.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here