Ngày 09/12/2024, Bộ Chính trị Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” trong năm 2025, kết hợp với chính sách tài khóa chủ động, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 14 năm Trung Quốc đưa ra lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo tin của Tân Hoa Xã, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh các điều chỉnh chính sách, tập trung vào kích thích nhu cầu trong nước và đẩy mạnh tiêu dùng. Tuyên bố này được đưa ra trước thềm Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương thường niên dự kiến diễn ra trong vài ngày tới. Hội nghị này sẽ thiết lập các mục tiêu và dự trù các kế hoạch kinh tế quan trọng cho năm tới.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã có phản ứng tích cực với tuyên bố của Bộ Chính trị nước này trong phiên ngày thứ Hai. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông chốt phiên với mức tăng 2,8%, đạt mức cao nhất trong 1 tháng.
Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc: Năm 2025, các cơ quan chức năng phải tuân thủ “nguyên tắc theo đuổi tiến bộ nhưng duy trì sự ổn định”, “Một chính sách tài khóa chủ động hơn và một chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải cần được triển khai, qua đó cải thiện và tinh luyện bộ công cụ chính sách, tăng cường các điều chỉnh chống chu kỳ bất thường”. Bộ Chính trị Trung Quốc cũng tuyên bố thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán nước này phải được bình ổn, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.
Nếu dựa trên các tuyên bố chính thức từ các cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, cách diễn đạt mới về chính sách tiền tệ đánh dấu sự nới lỏng lập trường đầu tiên của nước này kể từ cuối năm 2010 – thời điểm Bắc Kinh tìm cách vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Cho đến nay, Ngân hàng Trung ướng Trung Quốc (PBOC) đã đề ra 5 lập trường chính sách tiền tệ gồm “nới lỏng”, “nới lỏng vừa phải”, “thận trọng”, “thắt chặt vừa phải” và “thắt chặt”, và mỗi lập trường này đều đi kèm với sự linh hoạt nhất định. Trung Quốc áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trước khi chuyển sang chính sách “thận trọng” vào cuối năm 2010.
Nền kinh tế Trung Quốc đã đương đầu nhiều khó khăn trong năm nay, buộc các nhà hoạch định chính sách nước này phải hành động vào tháng 9. Trong đó, PBOC đưa ra gói nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ đại dịch, gồm cắt giảm lãi suất và bơm 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) vào hệ thống tài chính, bên cạnh nhiều biện pháp khác. Hồi tháng 11, Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,4 nghìn tỷ USD, nhằm giảm bớt tình trạng căng thẳng ngân sách của chính quyền các địa phương và ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế đang trên đà suy yếu. Tuy nhiên, các biện pháp tài khóa này chủ yếu nhằm mục đích dài hạn là cải thiện bảng cân đối kế toán của các địa phương, hơn là bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế.
Giới phân tích nhận định Trung Quốc vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Tuy nhiên, việc duy trì tốc độ tăng trưởng đó vào năm 2025 – khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, mang theo lời đe dọa áp thuế từ 60% trở lên đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc – sẽ là một việc không dễ dàng./.