Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc chính thức áp dụng Lệnh 248 (Quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm) và Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu).
Theo đó, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc và cơ quan này cũng yêu cầu các mặt hàng thực phẩm, trong đó có nông sản, nhập khẩu vào nước này sẽ phải đáp ứng quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn.
Cuối tháng 10 vừa qua, các quan chức ngoại giao từ nhiều nền kinh tế, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sỹ đã gửi thư cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong bày tỏ quan ngại và phản đối quy định này. Yêu cầu được đưa ra là Trung Quốc trì hoãn áp dụng biện pháp trên trong ít nhất 18 tháng để tránh gây thêm gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang rất căng thẳng do tác động của đại dịch.
Các nhà ngoại giao này cho rằng Trung Quốc không đưa ra những hướng dẫn rõ ràng về cách thực hiện quy định mới. Họ lo ngại nguy cơ hàng hóa bị ùn ứ, đình trệ vào phút chót, làm trầm trọng hơn tình trạng tắc nghẽn nguồn cung hàng hóa toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết động thái này sẽ giúp tạo ra một “hệ thống quản lý vệ sinh và an toàn thực phẩm hiệu quả” và đảm bảo rằng thực phẩm nhập khẩu đáp ứng các quy định quốc gia và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Thực thi Lệnh 248.249 – tiêu chuẩn nhập khẩu vào Trung Quốc tăng thêm
Thông tin về những tiêu chuẩn kỹ thuật mà Lệnh 248, 249 của Trung Quốc sẽ áp dụng ngay từ ngày đầu tiên của năm 2022, Bộ Công Thương phân tích, theo Lệnh 248, toàn bộ DN nước ngoài sản xuất thực phẩm XK sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc. Trong đó, nhóm 1 gồm 18 nhóm mặt hàng phải đăng ký thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhóm 2 là thực phẩm ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1 đăng ký trực tiếp với Hải quan Trung Quốc thông qua website singlewindow.cn.
Tại Lệnh 249, Hải quan Trung Quốc yêu cầu đánh giá sự phù hợp, đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu (NK) với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia; đưa ra nguyên tắc quản lý NK với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn; cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm mình sản xuất; lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến…
Như vậy, giao dịch hàng hóa, nông sản vào thị trường đông dân nhất thế giới đang có rất nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, không còn “dễ tính” như trước. Đặc biệt, cánh cửa XK tiểu ngạch qua đường biên mậu sẽ khép lại, các DN phải xây dựng tiêu chuẩn, thay đổi cách thức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu mới có thể tiếp tục XK ổn định sang thị trường này.
Ngay sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký DN sản xuất thực phẩm nước ngoài NK” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”, để đáp ứng với các nội dung quy định trong 2 lệnh này, trong thời gian qua, các đơn vị chuyên môn của Bộ NNPTNT đã tích cực hỗ trợ để các DN kịp đăng ký trước ngày 1.11. Tính đến thời điểm này, đã đăng ký cho 156 DN XK nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc.
Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2022, nếu DN chưa hoàn thành đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã, lô hàng XK sẽ không được thông quan. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đề nghị các bên hoàn thiện việc đăng ký DN đến trước ngày 31.12.2021 để hoạt động thương mại giữa hai nước không bị gián đoạn. Như vậy, thời gian không còn nhiều và các DN phải đẩy nhanh tiến độ mới kịp thời gian.
320 mã sản phẩm của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc
Sáng 24/12, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang cập nhật, công bố kết quả phê duyệt doanh nghiệp được phép nhập khẩu sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và mã số sản phẩm để doanh nghiệp để in bao bì, nhãn mác…
Theo đó, các doanh nghiệp đã gửi hồ sơ đăng ký thì có thể truy cập vào website: https://ciferquery.singlewindow.cn/ để kiểm tra thông tin. Tính đến 11h ngày 24/12/2021 đã có 320 mã sản phẩm của các doanh nghiệp của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang tiếp tục cập nhật danh sách này nên các doanh nghiệp cần chú ý theo dõi.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, những doanh nghiệp chưa gửi hồ sơ đăng ký với cơ quan thẩm quyền để xuất khẩu sản phẩm thực phẩm sang Trung Quốc thì tiếp tục gửi hồ sơ với cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc trên hệ thống bao gồm: website: http://cifer.singlewindow.cn/ hoặc Cổng thương mại quốc tế một cửa Trung Quốc là http://singlewindow.cn/.
Kể từ ngày 1/1/2022, các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc đã đăng ký sẽ phải in mã số (bên trong và bên ngoài của bao bì sản phẩm) được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp hoặc mã số do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi, cập nhật thông tin về mã số để tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.
Chu Văn