Ngày 03/8/2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tổ chức Hội nghị trực tuyến để phân tích tình hình kinh tế, tài chính và bố trí công tác 6 tháng cuối năm 2020. Hội nghị nhấn mạnh một số trọng tâm sau:
– Về chính sách tiền tệ: thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp và định hướng chính xác hơn; tiếp tục triển khai các chính sách ổn định doanh nghiệp và bảo đảm việc làm đã ban hành; vận dụng tổng hợp các công cụ chính sách tiền tệ, định hướng tăng quy mô cung ứng tiền tệ và tài chính xã hội; tăng quy mô các khoản vay đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các khoản vay trung hạn và dài hạn đối với ngành sản xuất; triển khai giải ngân gói hỗ trợ tài chính cho vay lại, tái chiết khấu trị giá 1.000 tỷ NDT; kiên trì nguyên tắc thị trường hóa, tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của ngân hàng thương mại; tăng cường cơ chế giám sát và đánh giá, thúc đẩy giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
– Về phòng ngừa và hóa giải rủi ro tài chính: kiên trì giới hạn đáy; khắc phục thiếu sót trong hệ thống xử lý rủi ro tài chính, kiện toàn cơ chế ứng phó khẩn cấp đối với rủi ro tài chính lớn; bảo vệ quyền và lợi ích tiêu dùng tài chính; tăng cường giám sát và đánh giá rủi ro tài chính, chú ý đến thay đổi cận biên rủi ro tài chính.
– Về mở cửa ngành tài chính: thực hiện các biện pháp mở cửa ngành tài chính đã ban hành; thúc đẩy triển khai chế độ đối xử quốc gia tiền tiếp cận thị trường và danh sách hạn chế trên toàn quốc; thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và chuyển đổi tài khoản vốn, thống nhất chính sách quản lý ngoại hối đối với thị trường trái phiếu; tích cực tham gia vào quản trị tài chính toàn cầu, bảo vệ chủ nghĩa đa phương.
– Về cải cách thể chế, cơ chế trong lĩnh vực tài chính: thực hiện các biện pháp, chính sách cải cách đã ban hành; hỗ trợ chính quyền địa phương hóa giải các rủi ro tài chính mang tính khu vực, tăng cường cải cách các tổ chức tài chính nông thôn theo hướng thị trường hóa; hỗ trợ các ngân hàng vừa và nhỏ bổ sung vốn thông qua phát hành trái phiếu; tiếp tục cải cách “phân quyền, quản lý, phục vụ”.
– Về công tác quản lý tài chính và dịch vụ tài chính: triển khai soạn thảo “Kế hoạch cải cách và phát triển tài chính 5 năm lần thứ 14”; tăng cường thí điểm đổi mới tài chính xanh, tài chính toàn diện; hoàn thiện hệ thống thống kê của các tổ chức tài chính địa phương; thí điểm hợp nhất đồng nội tệ và ngoại tệ trong tài khoản ngân hàng; nâng cao chất lượng kế toán của kho bạc nhà nước; tăng cường công tác chống rửa tiền; tích cực nghiên cứu và phát triển tiền kỹ thuật số; xây dựng hệ thống và cơ sở dữ liệu về báo cáo giao dịch.
Các chuyên gia nhận định, POBC nhấn mạnh “định hướng chính xác” trong điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm 2020, cho thấy giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ đã qua. Nhiều khả năng, Trung Quốc chỉ tập trung triển khai các chính sách hiện có và hạn chế ban hành các biện pháp kích thích mới.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)