Tập đoàn Trina Solar được thành lập năm 1997 với hoạt động chủ yếu nghiên cứu và phát triển, sản xuất và kinh doanh các mô-đun năng lượng mặt trời, trạm điện năng lượng mặt trời và các sản phẩm hệ thống cũng như dịch vụ vận hành, bảo trì.
Tại Thái Nguyên, Tập đoàn này đã đầu tư 2 dự án trong Khu công nghiệp Yên Bình với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 478 triệu USD. Cụ thể, gồm: Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar thành lập năm 2020 thực hiện Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar với mục tiêu sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời), tấm mô-đun năng lượng mặt trời; có vốn đầu tư đăng ký là 203 triệu USD. Công ty TNHH Trina Solar Wafer (Viet Nam) thành lập năm 2022 thực hiện Dự án Công ty TNHH Trina Solar Wafer, sản xuất thanh Silic và tấm Silic đơn tinh thể; có vốn đầu tư đăng ký 275 triệu USD.
Triển khai giai đoạn 3 của Dự án, Tập đoàn Trina Solar đề xuất đầu tư thêm 420 triệu USD vào Thái Nguyên. Tập đoàn Trina Solar mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tập đoàn nghiên cứu và đầu tư Dự án điện mặt trời áp mái tại Thái Nguyên.
Hồi tháng 8, Mỹ đã hoàn tất quyết định áp thuế nhập khẩu nhằm vào các nhà sản xuất pin mặt trời Trung Quốc có sản phẩm được hoàn thiện ở Đông Nam Á.
Quyết định trên được đưa ra sau khi cơ quan này có một phát hiện sơ bộ vào tháng 12 năm ngoái rằng các công ty năng lượng mặt trời đã tìm cách hoàn thiện sản phẩm ở Đông Nam Á để né tránh thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Quyết định đã vấp phải sự phản đối của những đơn vị nhập khẩu tấm pin mặt trời vốn dựa vào các sản phẩm giá rẻ được sản xuất ở nước ngoài để giúp dự án của họ có tính cạnh tranh.
Trina Solar đã chỉ trích quyết định trên của Bộ Thương mại Mỹ khi cho rằng họ đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào sản xuất pin và mô-đun ở Thái Lan và Việt Nam.
Trina Solar cho rằng, động thái này sẽ làm tăng chi phí tổng thể của hầu hết các sản phẩm năng lượng mặt trời của Mỹ bởi nó sẽ hạn chế nguồn cung vào thời điểm nhu cầu về năng lượng mặt trời đang tăng vọt.
Trong khi đó, đối với ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ sau khi phải vật lộn để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc trong nhiều năm qua thì đây là tin vui.
Kết quả điều tra của Bộ Thương mại Mỹ phát hiện, đơn vị thành viên của các công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc như BYD, Trina Solar, Vina Solar và Canadian Solar đang lách thuế mà Mỹ áp dụng đối với các tấm và pin mặt trời của Trung Quốc bằng cách thực hiện những hạng mục gia công nhỏ để hoàn thiện sản phẩm tại Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Do đó, những quốc gia này chiếm khoảng 80% nguồn cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời cho Mỹ.
Các công ty khác đang hoạt động tại Đông Nam Á có thể theo đuổi quy trình chứng nhận để khẳng định họ không lách thuế của Mỹ. Điều kiện để được chứng nhận là pin và tấm pin mặt trời phải chứa các tấm bán dẫn không phải của Trung Quốc cùng với ba thành phần quan trọng khác.
Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá trong một thập kỷ đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời do Trung Quốc sản xuất sau khi Bộ Thương mại Mỹ điều tra và phát hiện ra các công ty Trung Quốc nhận khoản trợ cấp không công bằng của chính phủ nước mình nên giá cả hàng hóa của họ xuống thấp ở mức “ảo”.
Các công ty năng lượng mặt trời hoàn thiện sản phẩm ở Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với mức thuế tương tự mà Mỹ đã áp lên các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.
Tuy nhiên, việc áp thuế sẽ không có hiệu lực cho đến tháng 6/2024 do Tổng thống Mỹ Biden đã miễn trừ áp dụng hai năm nhằm đảm bảo nguồn cung tấm pin năng lượng mặt trời dồi dào để Mỹ có thời gian tăng tốc sản xuất trong nước.
(Anh Hoa/baodautu)