Triển vọng kinh tế Trung Quốc và Đông Nam Á

0
74
Kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh năm 2023 ước đạt hơn 2,4 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. (Nguồn: Báo Hà Tĩnh)
(Báo Hà Tĩnh)

Theo một số đánh giá quốc tế, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đến ngành chế tạo toàn cầu, nhất là hoạt động sản xuất điện thoại thông minh, bán dẫn, máy móc và thiết bị. Lợi nhuận của 13.000 công ty niêm yết hàng đầu tại Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và một số nước đã  giảm khoảng 9% trong quý III/2023, đánh dấu sự sụt giảm liên tiếp trong 4 quý gần đây. Có 9/16 phân ngành chế tạo chứng kiến sự sụt giảm lợi nhuận kinh doanh, nhất là ngành hóa chất giảm 43%, ngành điện tử giảm 12%, chế tạo máy giảm 10%. Thu nhập ròng của 240 doanh nghiệp chế tạo có sản lượng bán hàng đến Trung Quốc chiếm ít nhất 30% tổng doanh thu đã giảm 30% trong 3 tháng qua.[1]

Bên cạnh tác động của kinh tế Trung Quốc, có những quan ngại chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài sẽ khiến kinh tế Mỹ suy giảm. Lòng tin của các doanh nghiệp phi sản xuất tại Mỹ trong tháng 10/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng gần đây. Kịch bản kinh tế Mỹ giảm tăng trưởng xảy ra sẽ tác động tới nhiều nền kinh tế và nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh toàn cầu.

Mặt khác theo chuyên gia Priyanka Kishore của Asia Decoded có trụ sở tại Singapore, kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế Đông Nam Á nếu các nước trong khu vực tận dụng được các cơ hội mới và xu hướng sắp xếp lại các chuỗi cung ứng[2].

Theo Kishore, từ khi Chính phủ Trung Quốc theo đuổi chính sách tái cân bằng tăng trưởng dựa trên tiêu dùng vào năm 2007, kinh tế nước này đã tránh được những bất ổn quy mô lớn nhờ nền tảng thể chế vững chắc. Tuy nhiên, tiến trình tái cân bằng đối mặt thách thức khi đầu tư vẫn chiếm hơn 40% tổng GDP. Tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm một nửa trong giai đoạn 2007 – 2009 và có thể giảm xuống mức 3,5% vào cuối thập niên.

Thương mại hai chiều Trung Quốc – Đông Nam Á gần đây tiếp tục tăng trưởng bất chấp xu hướng giảm phụ thuộc vào nhập khẩu của Trung Quốc. Việc ưu tiên các ngành công nghệ cao có thể khiến Trung Quốc tăng nhập  khẩu các mặt hàng tiêu dùng từ Đông Nam Á. Vai trò ngày càng tăng của ngành dịch vụ tại Trung Quốc cũng có thể tạo cơ hội cho các nước trong khu vực, trong đó du lịch là lĩnh vực nhiều tiềm năng.

Xu hướng sắp xếp lại các chuỗi cung ứng đang đem lại cơ hội đẩy mạnh thu hút đầu tư, xuất khẩu và tăng cường hội nhập quốc tế tại Đông Nam Á mặc dù sự cạnh tranh từ các nền kinh tế đang nổi khác như Ấn Độ và Mexico rất lớn. Đông Nam Á có những lợi thế để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng như nguồn lao động, năng lực sản xuất, nền tảng giáo dục tốt và nguồn cung các nguyên liệu chiến lược như nickel, đồng, thiếc, đất hiếm.

Sự biến đổi của kinh tế Trung Quốc trước mắt có thể tác động lớn hơn đến một số nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc song không đồng nghĩa với triển vọng tăng trưởng tiêu cực của toàn khu vực. Việc tận dụng các cơ hội mới, tăng cường hội nhập thương mại theo chiều dọc, đa dạng hóa mạng lưới cung ứng và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị sẽ tạo ra những lực đẩy mới cho kinh tế Đông Nam Á.

Kinh tế số Đông Nam Á và Việt Nam tăng trưởng tích cực

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu gặp nhiều khó khăn, kinh tế số Đông Nam Á được dự báo đạt quy mô 218 tỷ USD năm 2023, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2022.Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2023 công bố ngày 01/11, Đông Nam Á đã vượt qua những cơn gió ngược của kinh tế vĩ mô toàn cầu tốt hơn các khu vực khác trên thế giới với một trong những nguyên nhân từ việc các doanh nghiệp chuyển trọng tâm từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang kinh doanh bền vững và đẩy mạnh ứng dụng số .

Theo Sapna Chadha, Phó chủ tịch Google Đông Nam Á, việc tập trung giải quyết vấn đề khoảng cách số và tạo thuận lợi cho người dân sử dụng các sản phẩm và dịch vụ số sẽ giúp kinh tế số khu vực tăng trưởng hơn nữa. Các doanh nghiệp trực tuyến tại khu vực đang chuyển từ việc thu hút người dùng với chi phí cao sang tăng cường tương tác với khách hàng, tăng quy mô giao dịch cũng như tăng doanh thu từ quảng cáo và giao hàng để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Tổng giá trị giao dịch của lĩnh vực này ước tính đạt 186 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ mức 139 tỷ USD vào năm 2023.

Các dịch vụ tài chính và dịch vụ số cũng cho thấy triển vọng lạc quan. Nhu cầu của người tiêu dùng tham gia vào kinh tế số thúc đẩy hoạt động cho vay số, chiếm phần lớn doanh thu 30 tỷ USD từ các dịch vụ tài chính số. Dự kiến Singapore sẽ là thị trường cho vay số lớn nhất khu vực đến năm 2030. “Dân số trực tuyến” của Đông Nam Á đạt 460 triệu người vào năm 2022, trong đó, 370 triệu người sử dụng dịch vụ mua hàng trực tuyến. Theo dự báo của Euromonitor, đến năm 2025, khoảng 138 tỷ USD sẽ được giao dịch qua các tài khoản số tại khu vực. Đây là tín hiệu tốt cho Đông Nam Á, nơi gần một nửa số người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng hoặc không có khả năng tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tài chính. Các lĩnh vực du lịch và vận tải trực tuyến đang trên đà phục hồi đạt mức trước đại dịch vào năm 2024. Tại Thái Lan, du lịch trực tuyến là động lực tăng trưởng chính vào năm 2023, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong các nước Đông Nam Á, kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025, cao nhất tại khu vực, và dự kiến đạt quy mô 45 tỷ USD vào năm 2025. Thanh toán kỹ thuật số tiếp tục phát triển ở Việt Nam nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, đầu tư từ các ngân hàng thương mại và sự phổ biến rộng rãi của mã QR. Xu hướng này sẽ tăng tốc khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh của kinh tế số Đông Nam Á cũng đứng trước những thách thức như an ninh mạng. Theo công ty an ninh mạng Darktrace, số lượng các cuộc tấn công email tinh vi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã tăng 135% trong 2 tháng đầu năm 2023. Theo IBM, 31% tổng số sự cố mạng toàn cầu diễn ra tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2022.

Theo đó, các nước cần có cách tiếp cận thống nhất về vấn đề an ninh mạng để xây dựng phương án bảo vệ, bao gồm các chiến dịch nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người tiêu dùng số. Tại Trung tâm An ninh mạng ASEAN- Singapore, Cơ quan an ninh mạng Singapore đã cùng các quốc gia thành viên mời chuyên gia mạng từ khu vực tư nhân đến làm việc. Sự hợp tác giữa các Chính phủ và khu vực tư nhân sẽ là xu hướng mới trong đảm bảo an ninh mạng thời gian tới.

[1] Nguồn: https://asia.nikkei.com/Business/Companies/China-s-slow-economy-takes-9-off-global-manufacturers-profits

[2] Nguồn: https://asia.nikkei.com/Opinion/China-s-slowdown-will-not-stop-growth-in-Southeast-Asia

(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here