Năm 2018 được đánh dấu bằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa như giảm thuế và tăng chi tiêu, dẫn đến việc Cục Dự trữ Liên Bang (FED) bước vào chiến dịch tăng lãi suất ngắn hạn. Hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ suy giảm trong năm 2019, một phần vì nguồn kích cầu tài khóa sẽ suy giảm, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận sụt giảm và FED ngừng tăng lãi suất. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đang chạm ngưỡng thấp nhất trong 50 năm, là một dấu hiệu nền kinh tế đang sử dụng hết nguồn lực.
Kinh tế Mỹ năm 2019 dự kiến sẽ có biến động với 2 nguy cơ hiển hiện.
Thứ nhất là chính sách tài khóa. Khó có thể mong đợi chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Trump sẽ được duy trì với một Quốc hội Mỹ mà Đảng Cộng hòa không giữ quyền kiểm soát đa số. Triển vọng chi tiêu chính phủ cũng chưa rõ ràng. Liệu Nhà Trắng có sẵn sàng hợp tác với Đảng Dân chủ để thúc đẩy chi tiêu hay không? Câu trả lời sẽ còn phụ thuộc vào cuộc chiến giữa hai Đảng Dân Chủ và Cộng hòa về các vấn đề như nhập cư và an ninh biên giới.
Thứ hai là đầu tư doanh nghiệp. Tổng thống Trump đã giảm thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tăng đầu tư vào Mỹ và cắt giảm đầu tư tại các khu vực khác trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả đến nay còn chưa rõ ràng. Đầu tư doanh nghiệp tăng 11,5%/năm trong quí I/2018 nhưng sụt giảm còn 2,5% trong quí III/2018. Một trong những lý do là giá dầu giảm, dẫn đến đầu tư cho hạ tầng dầu khí giảm theo, gây ảnh hưởng đến ngành năng lượng của Mỹ. Tuy cắt giảm thuế và các quy định điều tiết nhằm mục đích làm cho đầu tư vào Mỹ hấp dẫn hơn, nhưng những chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump khiến cho đầu tư trở nên kém hấp dẫn hơn, ngay cả trên đất Mỹ.
Quan điểm thương mại theo kiểu đối đầu của Washington có tác động toàn diện đến kinh tế thế giới. Trận chiến thương mại của Tổng thống Trump diễn ra trên nhiều mặt trận, như áp thuế thép nhập khẩu, đe dọa đánh thuế ô tô, những xung đột với Trung Quốc, trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ, hay tương lai không chắc chắn của Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Tác động tới kinh tế thế giới dự kiến là rất lớn. Lưu lượng thương mại thế giới đã suy giảm. Tại Đức, sản lượng xuất khẩu đã giảm trong quý III, dẫn đến sụt giảm lớn của sản lượng kinh tế. Nhật Bản lo ngại về tác động của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế đối với lượng hàng xuất khẩu của mình. Ngay cả các doanh nghiệp Mỹ cũng đang phải chống chọi với việc giá cả các đầu vào nhập khẩu gia tăng do áp thuế, sự thiếu chắc chắn về cách Hoa Kỳ quản lý chuỗi sản xuất toàn cầu gắn họ với các nền kinh tế khác và gây ảnh hướng tới thị trường xuất khẩu.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 30/11 vừa qua, Tổng thống Trump đã tạm ngừng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Triển vọng kinh tế Mỹ 2019 và chương trình nghị sự đầu tư và tăng trưởng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào liệu xung đột thương mại Mỹ – Trung có được giải quyết hay leo thang thành một cuộc chiến lớn hơn.
Tin từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Houston (theo Wall Street Journal)