Triển vọng Hợp tác đầu tư Việt Nam – Ấn Độ

0
212
Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt.

Sau 20 năm kể từ khi có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên tại Việt Nam (1996), đến nay, Ấn Độ đã vươn lên vị trí thứ 28 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 134 dự án và tổng vốn đăng ký đạt trên 700 triệu USD. Các doanh nghiệp của Ấn Độ đầu tư nhiều nhất vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin, truyền thông; khai khoáng… ở 24 tỉnh của Việt Nam, và nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên và Bắc Ninh.

FDI của Ấn Độ đã đóng góp tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Điển hình là các dự án của: Công ty TNHH Arena Thiết kế Trí tuệ; Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Hưng tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà máy đường Sơn Hòa; Nhà máy điện sinh khối KCP Phú Yên… Bên cạnh việc góp chung vào tổng vốn đầu tư phát triển của Việt Nam, các dự án FDI của Ấn Độ không chỉ tạo thêm công ăn việc làm mà còn góp phần chuyển giao công nghệ tiên tiến của Ấn Độ, đặc biệt là các dự án ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào mục đích phát triển ngành sản xuất, năng lượng tái tạo, tạo nguồn nguyên liệu sinh học, bảo vệ môi trường.

Tuy vậy, mặc dù có nhiều tiềm năng, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn. Ở chiều ngược lại, đến nay, Việt Nam mới chỉ có 5 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đầu tư 1,81 triệu USD. Kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng thực tế và mong muốn của hai nước. Có nhiều lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu nhưng chưa được các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư do một số nguyên nhân như: khoảng cách địa lý; các doanh nghiệp của Ấn Độ còn thiếu thông tin về môi trường, chính sách khuyến khích đầu tư của Việt Nam, chưa thấy hết được tiềm năng thị trường của Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có sự ổn định về an ninh, chính trị với một hệ thống luật pháp ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tiêu chuẩn của hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á này là một thị trường lớn với hơn 92 triệu dân cùng sự phát triển mạnh của tầng lớp trung lưu, cung cấp lực lượng lao động dồi dào có chất lượng và chi phí cạnh tranh; có sự kết nối chặt chẽ với thị trường hơn 600 triệu dân của khu vực và thị trường thế giới. Nhiều tiến trình cải cách, đổi mới đang diễn ra mạnh mẽ như tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, chính sách quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cải cách thủ tục hành chính.

Có thể nói rằng, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Ấn Độ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện cùng với triển vọng kinh tế của Việt Nam và tiềm lực mạnh mẽ của Ấn Độ trong các lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, hàng không, công nghệ sinh học, dược phẩm, y tế, dệt may, da giầy, công nghiệp quốc phòng… sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt để các doanh nghiệp Ấn Độ, nhất là các tập đoàn, công ty lớn tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Để hiện thực hóa các cơ hội, thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước, trong thời gian tới, hai bên cần: 1) Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội tiếp xúc, trao đổi nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư; 2) Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư để cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ hiểu biết hơn về đất nước, con người và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là những thuận lợi cũng như cơ hội mới khi đầu tư vào Việt Nam; 3) Thiết lập các cơ chế đối thoại về chính sách và cơ hội đầu tư giữa các cơ quan nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp hai Bên.

Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đều  là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Ấn Độ (AIFTA). Trong khuôn khổ Hiệp định này, hai Bên đã tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do về dịch vụ và đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước sang đầu tư. Bên cạnh đó, hai nước cũng đang tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, chúng ta tin tưởng triển vọng hợp tác đầu tư song phương thời gian tới là rất lớn.

Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here