Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Hoa Kỳ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm 31,9% đạt 5.089 tấn. Tiếp theo là các thị trường UAE, Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan và Hàn Quốc.
Theo số liệu vừa công bố của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu được 15.948 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 13.606 tấn, tiêu trắng đạt 2.342 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 106,5 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 87,5 triệu USD, tiêu trắng đạt 19,0 triệu USD. So với tháng 10, lượng xuất khẩu giảm 13,8% và so với cùng kỳ năm 2023 xuất khẩu giảm 21,4%.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 11 đạt 6.513 USD/tấn, tiêu trắng đạt 8.286 USD/tấn, tăng lần lượt 229 USD đối với tiêu đen và 57 USD đối với tiêu trắng so với tháng 10/2024. Olam vẫn là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong tháng 11 đạt 2.089 tấn, so với tháng trước xuất khẩu giảm 19,5%.
Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Hoa Kỳ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm 31,9% đạt 5.089 tấn. Tiếp theo là các thị trường UAE đạt 927 tấn, Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 895 tấn, Hà Lan đạt 760 tấn và Hàn Quốc đạt 600 tấn.
Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 235.335 tấn với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2176 tỷ USD, trong đó, tiêu đen đạt 1,361 tỷ USD, tiêu trắng đạt 181,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng xuất khẩu giảm 3,5%, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 46,9%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 11 tháng đạt 5.073 USD/tấn, tăng 47,3% và tiêu trắng đạt 6.772 USD/tấn, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam đạt 67.802 tấn, tăng 41,1% và chiếm 28,8% tổng lượng xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam. Tiếp theo là các thị trường Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đạt 15.495 tấn, tăng 42,7%, chiếm 6,6%; Đức đạt 14.170 tấn, tăng 67,7%, chiếm 6,0%; xuất khẩu hồ tiêu cũng tăng ở thị trường Hà Lan (41,8%); Hàn Quốc tăng 34,8%; Pakistan tăng 34,5%; Canada tăng 19,7%; Nga tăng 15,5%, Anh tăng 14,0%… Đặc biệt, xuất khẩu hồ tiêu sang Hồng Kông (Trung Quốc) 11 tháng năm 2024 đạt 3.933 tấn so với 129 tấn cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của hồ tiêu Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 và đạt 9.661 tấn, giảm 83,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu hồ tiêu Việt Nam 11 tháng năm 2024 bao gồm Olam Việt Nam đạt 25.249 tấn, tăng 44,9%; Phúc Sinh đạt 21.287 tấn, tăng 49,4%; Nedspice Việt Nam đạt 18.887 tấn, tăng 7,9%; Haprosimex JSC đạt 17.097 tấn, tăng 70,6% và Trân Châu đạt 15.256 tấn, tăng 0,8%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hồ tiêu và cây gia vị đã góp phần không nhỏ vào GDP quốc gia, cải thiện sinh kế nông hộ và định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cụ thể, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua. Hồ tiêu và gia vị của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.
Trong giỏ hàng gia vị thế giới, hạt tiêu chiếm tỉ trọng lớn, có vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực. Đặc biệt, sản phẩm hạt tiêu được đẩy mạnh chế biến trong dược phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe. Quy mô thị trường hồ tiêu được định giá 5,43 tỉ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032. Dự báo nhu cầu hạt tiêu, đặc biệt với sản phẩm cao cấp từ thị trường thế giới, ngày càng tăng. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao.
Ngành hồ tiêu Việt chiếm 40% sản lượng, 60% thị phần thế giới. Dù vậy, trong bối cảnh thế giới hiện nay, ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến động thị trường, bất ổn chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng.
An Hải