Top 3 quốc gia dẫn đầu về dự án FDI cấp phép mới vào TP. Hồ Chí Minh

0
80
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: phumyhung.vn)

Singapore là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh với 184 dự án, tiếp đến là Nhật Bản (95 dự án) và Ấn Độ (40 dự án).

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: phumyhung.vn)

Theo số liệu của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, 11 tháng năm 2023, tính chung cả dự án cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua lại cổ phần góp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố đạt 3,0842 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ.

Cụ thể, về cấp mới có 1.090 dự án cấp phép mới, tăng 35,1% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 573,5 triệu USD tăng 20,1%. Trong số đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 462 dự án, vốn đăng ký là 218,9 triệu USD, chiếm 38,2% vốn đăng ký cấp mới.

Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 269 dự án, vốn đăng ký 134,5 triệu USD, chiếm 23,5%. Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 17 dự án, vốn đăng ký là 67,2 triệu USD, chiếm 11,7%. Hoạt động xây dựng với 8 dự án, vốn đăng ký là 54,5 triệu USD, chiếm 9,5%.

Về quốc gia đầu tư, Singapore là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 184 dự án, vốn đăng ký đạt 170,1 triệu USD, chiếm 29,7% vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản với 95 dự án, vốn đăng ký 81,2 triệu USD, chiếm 14,2%; Ấn Độ với 40 dự án, vốn đăng ký đạt 62,2 triệu USD, chiếm 10,8%.

Đối với điều chỉnh vốn đăng ký có 281 dự án điều chỉnh vốn đăng ký, tăng 71,3% so với cùng kỳ và vốn điều chỉnh đạt 601,7 triệu USD, giảm 61,3%. Hoa Kỳ là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 11 tháng năm 2023 đạt 217,9 triệu USD, chiếm 36,2% vốn đăng ký điều chỉnh.

Liên quan đến hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 2.099 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với góp vốn là 1.909 triệu USD, tăng 26,7% về vốn so với cùng kỳ; trong đó, hoạt kinh doanh bất động sản có số vốn góp đạt 917 triệu USD, chiếm 48%.

Hoạt động bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với vốn góp là 363,3 triệu USD, chiếm 19% tổng vốn góp. Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 330,1 triệu USD, chiếm 17,3%. Singapore, Malaysia là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 43,4% và 21,2%.

Trước đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng đầu năm 2023, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,34 tỷ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,08 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương… Đáng chú ý, nếu xét về số dự án, TP. Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần.

Lũy kế từ ngày 1/1/1988 đến ngày 20/11/2023, trên địa bàn Thành phố có 12.300 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 57,25 tỷ USD; 26.389 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 25,7 tỷ USD. Tính chung giá trị vốn đầu tư nước ngoài cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp vào thành phố đạt hơn 82,95 tỷ USD.

Hoàng Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here