
Vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 80,1% số dự án mới và 72,9% số vốn đầu tư của cả nước.
Tổng vốn FDI cao nhất 9 tháng
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến 30/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2024, có 2.492 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký hơn 13,55 tỷ USD, giảm 4,3% về số dự án và tăng 11,3% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, có 1.027 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 7,64 tỷ USD, tăng 7,3% về số dự án và tăng 48,1% về số vốn. Có 2.471 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,59 tỷ USD, giảm 6,5% về số lượt và giảm 26,2% về số vốn so với cùng kỳ.
Ở khía cạnh khác, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhận định về tình hình thu hút vốn FDI trong tháng 9 và 9 tháng năm 2024, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, riêng tháng 9, tổng lượng vốn đầu tư mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt mức cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, với gần 4,26 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước trong 9 tháng. Vốn đầu tư tăng thêm cũng đạt mức cao nhất từ đầu năm với các dự án được mở rộng vốn lớn.
Vốn FDI đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 80,1% số dự án mới và 72,9% số vốn đầu tư của cả nước.
Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 9 tháng năm đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Tính riêng 5 quốc gia/vùng lãnh thổ dẫn đầu, gồm Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, đã chiếm 73,2% số dự án đầu tư mới và 75,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 15,64 tỷ USD, chiếm gần 63,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư hơn 4,38 tỷ USD, chiếm gần 17,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 2,2 lần cùng kỳ.
Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,12 tỷ USD và hơn 920 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Trong khi đó, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài trong 9 tháng năm 2024 tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Khu vực đầu tư xuất siêu gần 38 tỷ USD (kể cả dầu thô) và xuất siêu hơn 36,5 tỷ USD (không kể dầu thô), bù đắp phần nhập siêu gần 18,2 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, là bệ đỡ giúp cả nước xuất siêu khoảng 19,8 tỷ USD trong 9 tháng.
Như vậy, tính lũy kế đến tháng 9 năm 2024, cả nước có 41.314 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 491,71 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt khoảng 314,5 tỷ USD, bằng gần 64% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Chú trọng chất lượng nguồn vốn
Năm 2024 được xem là thời cơ, bước ngoặt để tăng số lượng và chất lượng thu hút đầu tư FDI. Thay vì chú trọng số lượng, thu hút FDI của Việt Nam đang chú trọng tới chất lượng dự án, thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, đầu tư xanh, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, không chỉ thụ động như giai đoạn trước, đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đón dòng vốn đầy tư chất lượng cao, cũng tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương bám sát tình hình quốc tế, trong nước để chủ động điều chỉnh phù hợp các cơ chế, chính sách thu hút FDI, bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phù hợp tình hình Việt Nam và xu thế thế giới. Đồng thời, tập trung xây dựng và thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự hấp dẫn, công khai, minh bạch, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Cùng với đó, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn, thân thiện môi trường, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và các ngành, lĩnh vực mới nổi như: chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…; tham gia sâu rộng vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực, toàn cầu.
Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp đã được nêu tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030.
Theo đó, các bộ, ngành phối hợp, hỗ trợ các địa phương xúc tiến, đàm phán, tư vấn chính sách, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài trên nguyên tắc các bên cùng có lợi; tuyên truyền quảng bá về sự sẵn sàng của Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới với các lợi thế về tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ, môi trường đầu tư thực sự thuận lợi với sự đồng hành, hỗ trợ tối đa của chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, cơ sở hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư ngoài thuế đối với dự án công nghệ cao khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…
Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh việc ban hành và thực thi chính sách để ngành công nghiệp hỗ trợ có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian sắp tới. Từ đó giúp các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam có thể kết nối và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong làn sóng đầu tư giai đoạn tới; thúc đẩy triển khai các dự án năng lượng theo Quy hoạch Điện VIII và sớm khắc phục tình trạng thiếu điện tại một số địa phương.
An Hải