Tổng thống Trump muốn đàm phán song phương nhưng sẽ không rời hiệp ước NAFTA

0
106

Theo Tờ Bloomberg và nhiều tờ báo Mỹ đưa tin trong hai ngày 5 và 6/6/2018, cố vấn kinh tế Nhà Trắng ông Larry Kudnow đã phát biểu trên chương trình tin tức “Fox and Friends” ngày 5/6 cho biết “Tổng thống Trump đang cân nhắc nghiêm túc các đàm phán thương mại riêng rẽ với Ca-na-đa và Mê-hi-cô nhưng không có ý định rút khỏi NAFTA”.

Tuy nhiên ông Kudnow cũng nói thêm “Tổng thống Trump tin tưởng các hiệp định song phương luôn luôn tốt hơn. Tổng thống ghét các hiệp định lớn. Khi phải thỏa hiệp với nhiều quốc gia, chúng ta sẽ phải chấp nhận những thỏa thuận tồi tệ nhất. Tại sao lại không nỗ lực tìm những thỏa thuận tốt nhất cho người Mỹ, người lao động Mỹ, nền kinh tế Mỹ và cả những nền kinh tế khác?”

Trong khi đó, hầu hết các nhà kinh tế cho rằng các thỏa thuận thương mại rộng lớn sẽ vận hành hiệu quả hơn các thỏa thuận song phương. Một tập hợp các thỏa thuận thương mại song phương chồng chéo sẽ bóp méo các quyết định của doanh nghiệp bởi lúc đó các quyết định sẽ tập trung vào các quốc gia có thuế quan thấp nhất thay vì bán hàng hóa sang thị trường mang lại giá trị về kinh tế cao nhất. Theo Giáo sư kinh tế Mary Lovely tại Trường Đại học Syracuse, “Chiến lược “chia để trị” của Tổng thống Trump không phải là hoàn toàn bất ngờ, đặc biệt khi quá trình đàm phán ba bên đang bế tắc. Tuy nhiên, một hậu quả tất yếu là các tín hiệu thị trường sẽ được thay thế bởi thuế quan và hạn ngạch”.

Cũng trong ngày 5/6, Mê-hi-cô đã thông báo các loại thuế quan trả đũa áp dụng đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như thịt lợn, pho mát, táo, rượu whiskey và thuyền máy. Trước đó, Ca-na-đa cũng thông báo về kế hoạch áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ từ thép cho tới sữa chua với tổng trị giá lên tới 12,8 tỉ USD.

Các nhà phân tích cho rằng, trước tình hình cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra vào tháng 7 tại Mê-hi-cô và nhiều khả năng ứng cử viên cánh tả Andrews Manuel Lopez Obrador dành phần thắng, khả năng Mê-hi-cô giữ quan điểm cứng rắn với Mỹ là hoàn toàn có thể.

Trong khi đó, Giáo sư Lovely cũng không loại trừ khả năng Mỹ và Ca-na-đa đi đến một thỏa thuận riêng. Một mục tiêu tái đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump là đảm bảo phần lớn nhân công trong ngành sản xuất ô tô được trả mức lương 15 USD/giờ. Điều này là không khó đối với Ca-na-đa nhưng lại là vấn đề lớn đối với Mê-hi-cô bởi công nhân nước này đang nhận mức lương thấp hơn 5 USD/giờ.

Trong khi đó, trả lời các phóng viên ngày 4/6 về liệu thời hạn để Quốc hội phê duyệt Hiệp định NAFTA sửa đổi trong năm 2018 đã trôi qua, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa, nhân vật số 2 của Đảng tại Thượng viện, ông John Cornyn phát biểu “Có vẻ việc phê duyệt này sẽ bị lùi sang năm 2019”. Thượng nghị sỹ Cornyn cũng phàn nàn về việc Đại diện Thương mại Hoa kỳ Robert Lighthizer đã không chia sẻ thông tin kịp thời với các nhà làm luật Hoa kỳ về quá trình đàm phán: “Tôi đã nhiều lần nhắc ông ấy về việc cần tham vấn Quốc hội để đảm bảo những nội dung thống nhất sẽ được thông qua. Nhưng gần như ông ấy đã lờ đi lời khuyên đó”.

Khi được yêu cầu bình luận, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã phản bác lại qua nội dung email của Ông Jeff Emerson, phát ngôn viên của Đại diện Thương mại như sau: “Trong quá trình tái đàm phán NAFTA, Đại sứ Lighthizer đã chủ trì 45 cuộc họp với thành viên của Thượng viện và Hạ viện. Bên cạnh đó, nhân viên của Văn phòng USTR đã dành gần 1.158 tiếng để tham vấn Thượng viện và Hạ viện về quá trình tái đàm phán”.

Tin từ TLSQVN tại Houston.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here