Tối ưu hóa lợi ích dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – Bài 2: Lỗ giả, lãi thật và bài toán hiệu quả

0
104
(minh hoạ)
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Xây dựng tiêu chí để đánh giá một cách toàn diện về hiệu quả của khu vực FDI là cách để xác định Việt Nam muốn gì, cần phải làm như thế nào để có được dòng vốn chất lượng.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng thực tế là không phải dự án nào cũng đầu tư, kinh doanh hiệu quả và đóng góp tích cực cho kinh tế – xã hội Việt Nam. Bởi vậy, bài toán hiện nay là làm sao lựa chọn được dự án tốt và tối ưu hóa được lợi ích dòng vốn quý giá này.

Bài 2: Lỗ giả, lãi thật và bài toán hiệu quả

Xây dựng tiêu chí để đánh giá một cách toàn diện về hiệu quả của khu vực FDI là cách để xác định Việt Nam muốn gì, cần phải làm như thế nào để có được dòng vốn chất lượng.

Bức tranh không chỉ có gam màu xám

Chuyện có tới 14.108 doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2020, với số lỗ 151.064 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 56% doanh nghiệp có báo cáo, khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có chuyện lỗ giả, lãi thật hay không? Và câu trả lời được Bộ Tài chính đưa ra trong báo cáo trình Chính phủ là có.

Phân tích về tình hình tài chính của các doanh nghiệp FDI, Bộ Tài chính nhận định, mặc dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế vẫn có sự tăng trưởng qua các năm, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, doanh nghiệp lỗ mất vốn vẫn không có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Điều này cho thấy “vẫn tồn tại hiện tượng chuyển giá, trốn thuế”, gây thất thoát, thiệt hại nguồn thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh.

Trong báo cáo của mình, Bộ Tài chính cũng cho biết, trong năm 2020, Tổng cục Thuế có thanh, kiểm tra 516 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, trong đó có 311 doanh nghiệp FDI. Theo đó, đã truy thu, truy hoàn và phạt với số tiền trên 1.000 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 13.653 tỷ đồng; giảm khấu trừ 29,74 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 6.840 tỷ đồng.

Nhưng cũng có một sự thật khác được đề cập trong báo cáo của Bộ Tài chính. Đó là trong năm 2020, có 10.125 doanh nghiệp có kết quả sản xuất – kinh doanh lãi, chiếm tỷ lệ 40,2% doanh nghiệp có báo cáo.

Các con số về doanh thu – lợi nhuận của khối doanh nghiệp FDI cũng cho thấy, trong bức tranh tổng thể, gam màu sáng vẫn chiếm ưu thế. Cụ thể, quy mô doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt trên 7.523.760 tỷ đồng, tăng thêm 344.765 tỷ đồng, tương đương 4,8% so với năm 2019. “Về tổng thể, khối FDI vẫn có sự tăng trưởng về doanh thu, mặc dù vĩ mô chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19”, chính Bộ Tài chính đã nhận định như vậy.

Và lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp FDI cũng không hề ít, đạt 406.585 tỷ đồng, tăng 37.245 tỷ đồng, tương đương 10,08% so với năm 2019. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 341.786 tỷ đồng, tăng 35.652 tỷ đồng, tương đương 11,65% so với năm 2019 và gấp gần 2,3 lần so với số lỗ mà các doanh nghiệp đã báo.

Thừa nhận rằng, không phải là không “có vấn đề”, song ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, lỗ – lãi của doanh nghiệp là chuyện thường đối với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

“Ở Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp FDI vẫn hoạt động sản xuất – kinh doanh hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đóng góp khoảng 80% tổng ngân sách nhà nước tỉnh”, ông Phương nói.

Dễ hiểu vì sao ông Phương nói như vậy, bởi Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đi đầu trong thu hút FDI. Thậm chí, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tuy số lượng doanh nghiệp và quy mô tài sản của doanh nghiệp FDI tỉnh này có giá trị thấp nhất, nhưng số nộp ngân sách nhà nước đứng thứ 2 cả nước.

“Điều này cho thấy, các doanh nghiệp FDI ở Vĩnh Phúc đạt hiệu quả trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và tỉnh đã có sự chọn lọc trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư”, Bộ Tài chính nhận định.

Tất nhiên, không chỉ có Vĩnh Phúc, nhiều doanh nghiệp FDI cũng đang hoạt động hiệu quả và đóng góp lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam. Samsung là ví dụ điển hình. Năm 2021, bất chấp khó khăn vì đại dịch, doanh thu của Samsung Việt Nam vẫn tăng trưởng 14%, đạt 74,2 tỷ USD; còn lợi nhuận đạt khoảng 4,47 tỷ USD, tăng 17% so với năm ngoái. Cùng với tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, các đóng góp cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy xuất khẩu của Samsung tiếp tục ở quy mô lớn, đứng hàng đầu khối các doanh nghiệp FDI.

Trên thực tế, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, khu vực FDI còn “nhỉnh” hơn khu vực doanh nghiệp trong nước trong tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Cân đong hiệu quả

Bức tranh về thu hút FDI của Việt Nam rõ ràng đâu chỉ có gam màu xám, song vẫn còn không ít băn khoăn về hiệu quả của khu vực này đối với nền kinh tế.

“Chính phủ Việt Nam đã xác định không thu hút FDI bằng mọi giá. Do vậy, vấn đề không phải là số lượng đăng ký hay giải ngân, mà là các doanh nghiệp FDI đóng góp được bao nhiêu cho nền kinh tế. Vì thế, chúng ta cần xây dựng các chỉ tiêu để đánh giá, ví như lao động sử dụng bao nhiêu, xả thải môi trường thế nào, đóng góp cho ngân sách ra sao… Các chỉ tiêu này sẽ hình thành cơ chế khuyến khích FDI theo đúng định hướng đặt ra”, ông Nguyễn Xuân Thành (Trường đại học Fulbright Việt Nam) đã nói như vậy.

Trên thực tế, ngay từ thời điểm Việt Nam tổng kết 30 năm FDI, câu chuyện này đã được đặt ra. Sau này, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, một nhiệm vụ quan trọng đã được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đó là xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả FDI.

“Có bộ tiêu chí áp dụng thống nhất trong toàn quốc thì có thể đo lường chính xác thành quả thu hút và sử dụng vốn FDI”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói.

Vào các năm 2012 và 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài, song thực tế, còn chưa đầy đủ, toàn diện, vẫn đặt nặng về kinh tế, mà chưa chú trọng đúng mức đến các vấn đề xã hội, môi trường. Thậm chí, ngay cả các chỉ tiêu kinh tế cũng chỉ chú trọng các vấn đề liên quan đến hiệu quả, chất lượng tăng trưởng, chưa chú ý đến các vấn đề như ứng dụng và chuyển giao công nghệ, trong khi đây là yếu tố quan trọng trong mục tiêu thu hút FDI…

Và bây giờ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả FDI, bao gồm 26 chỉ tiêu, trong đó có 18 chỉ tiêu về kinh tế, 5 chỉ tiêu về xã hội và 3 chỉ tiêu về môi trường. Chẳng hạn, về kinh tế, có nhóm chỉ tiêu phản ánh quy mô, đóng góp vào sự phát triển của khu vực FDI, như tốc độ tăng trưởng GDP khu vực FDI, tỷ trọng khu vực FDI trong GDP, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong tổng vốn thực hiện… Cũng có nhóm chỉ tiêu về về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, như lợi nhuận trước thuế, giá trị xuất khẩu, đóng góp cho ngân sách nhà nước…

Tất nhiên, bộ tiêu chí bao gồm cả các chỉ tiêu về tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI, như tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu đầu vào trong nước, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có liên kết với doanh nghiệp trong nước…; hay các chỉ tiêu về công nghệ, về xã hội, về môi trường…, như tỷ lệ doanh nghiệp FDI áp dụng công nghệ cao, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, hay tỷ lệ doanh nghiệp FDI đạt tiêu chuẩn về môi trường nước thải, khí thải và chất thải rắn…

Nếu các đề xuất trên được Chính phủ thông qua, lần đầu tiên, Việt Nam sẽ có một bộ tiêu chí đầy đủ và toàn diện để đánh giá về hiệu quả của khu vực FDI.

Và bài toán “muốn gì, cần gì?”

Khi trình Chính phủ bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương áp dụng để đánh giá một cách chính xác, toàn diện về hiệu quả hoạt động và tác động của khu vực kinh tế FDI đối với sự phát triển về kinh tế – xã hội của ngành, địa phương và quốc gia.

Nhưng không chỉ đơn thuần là để đánh giá hiệu quả của khu vực FDI, nhìn vào bộ tiêu chí gồm 26 chỉ tiêu nói trên, không quá khó để nhận ra Việt Nam muốn gì khi thu hút FDI. Không chỉ là số lượng vốn, không chỉ là tốc độ tăng trưởng vốn FDI đăng ký hay giải ngân…, mà còn là chất lượng và hiệu quả của dòng vốn, coi trọng công nghệ, đánh giá cao việc tạo sức lan tỏa với khu vực trong nước, cũng như trong chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường… Rõ ràng, các đòi hỏi đã cao hơn rất nhiều về một dòng vốn FDI thế hệ mới.

“Việc đưa ra các chỉ dẫn chung về hiệu quả dòng vốn FDI sẽ giúp các ngành, địa phương thận trọng hơn trong lựa chọn dự án FDI, nhằm bảo đảm đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao hơn cho ngành và địa phương”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Xuân Phương cũng cho rằng, việc đưa ra bộ tiêu chí như vậy là rất quan trọng và cần thiết để các địa phương có thể cẩn trọng hơn từ khâu thẩm định, lựa chọn dự án và cả sau này, khi “hậu kiểm”.

“Các tiêu chí này dù chỉ để đánh giá hiệu quả đối với các dự án FDI, không hẳn liên quan trực tiếp đến việc hạn chế thua lỗ hay gia tăng hiệu quả hoạt động của các dự án FDI, song có thể tạo ra bộ lọc trong thu hút đầu tư. Bộ lọc tốt thì sẽ thu hút được dự án tốt và rủi ro thua lỗ cũng phần nào được hạn chế”, ông Nguyễn Đình Nam, nhà sáng lập và CEO của IPA Việt Nam nói.

Đích ngắm là hiệu quả và để có được “đầu ra” tốt, thì cũng cần “đầu vào” tốt. Bộ lọc “đầu vào” cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Chính phủ. Có đầy đủ các bộ lọc này, bài toán Việt Nam “muốn gì” và “cần làm gì” để tối ưu hóa lợi ích dòng vốn FDI sẽ có lời giải đáp!

(Nguyên Đức/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here