Theo báo cáo “Triển vọng phát triển Châu Á” của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được công bố vào tháng 7/2017, tốc độ tăng trưởng GDP của Bangladesh trong năm tài chính 2016-2017 do chính phủ Bangladesh dự báo là 7,24% cao hơn so với mức dự báo 6,9% của ADB. Trong Báo cáo, ADB nhấn mạnh tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, thương mại bán buôn, bán ẻ, bất động sản… của Bangladesh vượt ngoài dự đoán.
Về tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á trong năm 2017, ADB đã đưa ra dự báo lạc quan do nhu cầu xuất khẩu tăng cao trong Quý I. ADB đã nâng chỉ số tăng trưởng của khu vực này từ 5,7% lên 5,9% trong năm 2017 và từ 5,7% lên mức 5,8% trong năm 2018. Theo chuyên gia kinh tế của ADB Yasuyuki Sawada, tốc độ phát triển kinh tế của Châu Á tạm chững lại trong những năm trước để chuẩn bị cho bước đột phá vào năm nay do sự tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu. Chuyên gia kinh tế nói thêm mặc dù sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu là chưa chắc chắn, nhưng các nền kinh tế tại Châu Á có đủ tiềm lực để đối phó với thách thức này.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á được dự báo đạt 6,0% trong năm 2017 (mức cũ là 5,8%) và 5,7% vào năm 2018 (mức cũ là 5,6%). Tăng trưởng GDP của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ đạt mức 6,7% trong năm 2017 và 6,4% trong năm 2018 nhờ xuất khẩu ròng và tiêu dùng nội địa gia tăng. Nam Á vẫn duy trì tốc độ phát triển nhanh nhất trong số các tiểu vùng ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương với con số 7,0% vò năm 2017 và 7,2% vào năm 2018. Ấn Độ – nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 7,4% vào năm 2017 và 7,6% năm 2018 chủ yếu do tiêu dùng nội địa tăng cao. Mức tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ duy trì ở mức 4,8% vào năm 2017 và 5,0% vào năm 2018 do sự tăng trưởng của Malaysia, Philippines và Singapore. Theo báo cáo của ADB, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh, đặc biệt là tiêu dùng và đầu tư của khu vực tư nhân tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của các tiểu vùng.
(Nguồn: ĐSQ VN tại Bangladesh)