Toàn cầu hóa đang đứng trước 4 vấn đề nan giải

0
74
(Internet)
(Internet)

Ban Quản trị Trang NGKT trực tuyến trân trọng gửi tới Quý độc giả tóm tắt bài phát biểu của giáo sư Lưu Nguyên Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc tại hội thảo về “Toàn cầu hóa trong kỷ nguyên hậu dịch bệnh” diễn ra tại Bắc Kinh mới đây, sau đây là một số nội dung chính:

Vấn đề thứ nhất: Hiện nay, phi toàn cầu hóa ngày càng đẩy nhanh. Các nước cần nhận thức sâu sắc vấn đề này.

Những con số thống kê đáng để suy ngẫm: xuất khẩu của thế giới chiếm tỷ trọng trong GDP tiếp tục giảm từ 21,6% năm 2019 xuống còn khoảng 15% trong năm 2020, giảm gần 7 điểm phần trăm. Trong 12 năm qua, mặc dù diễn ra quá trình phi toàn cầu hóa, nhưng xuất khẩu của thế giới chiếm tỷ trọng trong GDP chỉ giảm 4 điểm phần trăm. Tức là mức độ sụt giảm xuất khẩu của thế giới trong năm 2020 thậm chí còn lớn hơn sự sụt giảm trong 12 năm qua. Ngoài ra, hai chỉ số quan trọng khác là đầu tư trực tiếp và kim ngạch thương mại dịch vụ toàn cầu cũng giảm mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đầu tư trực tiếp toàn cầu đã giảm 49%, dự kiến ​cả năm 2020 ​sẽ giảm khoảng 30%. Thương mại dịch vụ toàn cầu hiện đang thu hẹp nhanh chóng. Trung tâm Thương mại quốc tế của Liên Hợp quốc ước tính trong năm 2020 thương mại dịch vụ toàn cầu sẽ giảm 23%.

Vấn đề thứ hai: Sau khi dịch Covid-19 “biến mất” hoàn toàn, xu thế chống toàn cầu hóa không những không giảm bớt mà còn tăng tốc.

Nguyên nhân là do các hoạt động trên toàn cầu tiếp tục rơi vào tình trạng ngừng trệ, lợi ích do toàn cầu hóa mang lại sẽ tiếp tục giảm, mô hình phân phối hiện nay gây ra cọ xát thương mại không những không giảm bớt mà còn có thể tăng lên. Dịch bệnh đã làm nảy sinh ra nhiều vấn đề như mâu thuẫn xã hội gia tăng, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập cũng gia tăng; nhân tố không xác định gia tăng, gây nguy cơ xung đột quốc tế, bất ổn địa chính trị.

Vấn đề thứ ba: Nhân loại hiện vẫn chưa tìm ra “đơn thuốc kỳ diệu” để xử lý và quản trị vấn đề phi toàn cầu hóa.

Trong lịch sử hơn trăm năm qua, nhân loại đã trải qua nhiều cuộc chống toàn cầu hóa, giải pháp cho những cuộc đấu tranh chống toàn cầu hóa này không phải là “hạ cánh mềm” mà là cọ xát thương mại.

Vấn đề thứ tư: Có rất nhiều “đơn thuốc” xử lý vấn đề quản trị toàn cầu sau đại dịch, nhưng nhiều “đơn thuốc” không giải quyết được vấn đề. Ví dụ, trong những năm gần đây, xung đột giữa các cường quốc, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ và chiến tranh nhân tài, tưởng chừng có thể giải quyết được vấn đề, nhưng lại trở thành chất xúc tác khiến toàn cầu hóa rơi vào bế tắc.

Giải pháp khắc phục:

Thứ nhất, hợp tác quốc tế để ứng phó với dịch bệnh là bước đầu tiên quan trọng trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa và ngăn chặn phi toàn cầu hóa. Việc hình thành cộng đồng sức khỏe y tế nhân loại và cần đưa ra một kế hoạch toàn cầu để chống lại dịch bệnh là việc làm cấp bách nhất và hiện thực nhất.

Thứ hai, cần tạo ra tâm lý xã hội ổn định, bởi lẽ tâm lý xã hội bất ổn sẽ khiến cho việc thúc đẩy toàn cầu hóa thất bại. Do đó, việc phối hợp chính sách giữa các nước để ứng phó ngăn chặn dịch bệnh là rất quan trọng. Năm 2008, các nước đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong cơ chế điều phối quốc tế để phục hồi kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, chức năng điều phối vĩ mô của G20 là rất quan trọng trong năm nay và năm tới.

Thứ ba, các nước cần xem xét thận trọng lợi ích của nước mình, đồng thời nhìn nhận một cách lý tính các xu hướng tư tưởng hiện tại, từ đó tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu ở các quốc gia.

Mặc dù dịch bệnh không phải là yếu tố gây rối loạn thay đổi hoàn toàn mô hình kinh tế, nhưng là chất xúc tác để đẩy nhanh sự thay đổi mô hình quản trị toàn cầu. Sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, những người theo trường phái bi quan cho rằng, có thể phải mất 5 đến 6 năm kinh tế thế giới mới có thể phục hồi. Nhưng đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn chưa trở lại mức trước khủng hoảng. Đối với nền kinh tế thế giới từ năm 2008 đến năm 2019, giới nghiên cứu kinh tế xem đây là “sự trì trệ dài hạn”: tăng trưởng thấp, thương mại thấp, lãi suất thấp, nợ cao. Điều tương tự như trên vẫn có thể xảy ra trong tương lai./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here