Toàn cảnh đàm phán thương mại Mỹ – Trung tại Hội nghị G20: từ Thất vọng đến Kỳ vọng

0
86
vẫn có thể có một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc mặc dù triển vọng có thể tồi tệ hơn rất nhiều trước khi trở nên tốt đẹp hơn. (Nguồn: Opendemocracy)

Những đường nét phác thảo một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã được vạch ra, nhưng nếu hai bên không trở lại bàn đàm phán, tranh chấp này có thể nhanh chóng leo thang, khuếch đại thiệt hại đối với tăng trưởng thế giới.

Thái độ cứng rắn của Trung Quốc và những đòi hỏi quá nhiều của Mỹ đang làm lung lay nền tảng của tiến trình đàm phán và con đường phía trước sẽ còn nhiều chông gai.

Cơ hội đẩy lùi thảm họa toàn cầu?

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, một số nhà phân tích và nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh tỏ ra bi quan trước triển vọng về một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Nếu nhận định của họ là đúng, thì các thị trường tài chính toàn cầu sẽ trải qua một cú sốc dữ dội hơn nhiều so với bất kỳ điều gì từng được chứng kiến trong cuộc tranh chấp kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy vậy, hoàn toàn có thể có được một thỏa thuận – và hai bên đã nhất trí về phần lớn thỏa thuận đó. Đồng thời, những hậu quả của việc không đạt được thỏa thuận đang trở nên ngày càng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Trung Quốc, triển vọng ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ từng lạc quan nhưng giờ đây đã trở nên ảm đạm. Một nhà phân tích ở Bắc Kinh gần đây đã nói với tác giả bài viết (John Edwards, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Lowy): “Vài tháng trước, tôi nghĩ khả năng có được một thỏa thuận là 80%. Giờ đây, tôi nghĩ khả năng đó là 50%”. Những người khác còn đánh giá khả năng này ở mức thấp hơn nhiều. Một nhà quan sát nước ngoài hiểu rõ vấn đề này nhận định: “Giờ đây tôi ngờ rằng sẽ chẳng thể có thỏa thuận nào cả”. Một số nhà phân tích lo ngại rằng Mỹ có ý định ngăn chặn tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, khiến cho thỏa thuận trở nên bất khả thi. Một người từng tỏ ra lạc quan nói: “Tôi đã hiểu sai. Mỹ không muốn có một thỏa thuận; họ muốn chặn đứng Trung Quốc”.

Trong một tuần họp với các quan chức chính phủ, các nhà phân tích và nhà quan sát nước ngoài, hầu hết mọi người cho rằng tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang lan rộng chứ không hề thu hẹp, khi mà các vấn đề đang trở nên nan giải hơn chứ không hề dễ dàng hơn, và kết quả trở nên kém chắc chắn hơn.

Nếu nhận định của những người bi quan là đúng, thì nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua một cú sốc dữ dội hơn nhiều so với bất kỳ điều gì mà cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung từng gây ra. Nếu không có thỏa thuận nào, thì vào tháng 7/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ quyết định liệu có mở rộng việc áp thuế 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chưa bị áp thuế trừng phạt trị giá 300 tỷ USD hay không. Hành động như vậy sẽ làm tăng gấp đôi giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu thuế trừng phạt. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đáp trả bằng việc tiếp tục đánh thuế, có khả năng mở rộng đến mức đánh thuế toàn bộ hàng nhập khẩu từ Mỹ. Có thể trong một vài tháng nữa, toàn bộ hàng hóa giao thương giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bị mức thuế cao cản trở.

Cũng trong thời gian này, Mỹ sẽ áp đặt những hạn chế đối với việc bán các sản phẩm của Mỹ cho Huawei, trong đó có hệ điều hành Android của Google và vi mạch máy tính do Mỹ sản xuất. Các giao dịch được chỉ định của Mỹ với Huawei gần như chắc chắn sẽ không được Cục Công nghiệp và an ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ cấp phép. Được công bố vào giữa tháng 5 nhưng việc thực thi sau đó đã bị hoãn tới ngày 19/8, những hạn chế đối với Huawei và có lẽ là đối với khoảng 5, 6 doanh nghiệp công nghệ khác của Trung Quốc sẽ đánh dấu một giai đoạn hoàn toàn mới trong cuộc tranh chấp kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tìm kiếm đòn bẩy đàm phán, Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách áp đặt những hạn chế đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc, giới hạn khả năng tiếp cận của họ với cái mà giờ đây là thị trường lớn thứ hai và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Những giới hạn về lượng cũng có thể là một phần trong phản ứng đó. Trung Quốc cung cấp 80% đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ, một sản phẩm cần thiết đối với nhiều sản phẩm công nghệ cao.
Đối với thuế trừng phạt thì chí ít những con số là khá rõ ràng và các tác động ít nhiều có thể dự đoán được. Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tính toán rằng thuế trừng phạt đối với thương mại hàng hóa song phương giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 0,3% sau khi đã giảm 0,2% vào năm 2019. Theo tính toán hiện tại của Phòng Thương mại Mỹ, chỉ riêng việc áp thuế cao đối với tất cả các sản phẩm của Trung Quốc cũng có thể khiến nền kinh tế Mỹ thất thoát 1.000 tỷ USD trong 10 năm.

Với những đòn tấn công ăn miếng trả miếng nhắm vào các công ty kinh doanh lớn, không có cách nào rõ ràng để hạn chế thời gian hay mức độ thiệt hại, hay thậm chí là để tính toán phí tổn của chúng. Tổng thiệt hại của những đòn tấn công rộng lớn và kéo dài hơn của Mỹ và Trung Quốc nhắm vào các tập đoàn kinh doanh của nhau sẽ chỉ được tiết lộ nhờ trải nghiệm và thời gian. Các chi nhánh tại Trung Quốc của các tập đoàn Mỹ thu về hơn 600 tỷ USD/năm nhờ bán sản phẩm, chủ yếu ở Trung Quốc – gấp 3 lần giá trị xuất khẩu trực tiếp của Mỹ sang Trung Quốc. Trong một cuộc xung đột kinh tế rộng lớn hơn, doanh số của họ sẽ bị đe dọa.

Theo tiền lệ Huawei, Mỹ có thể từ chối cung cấp các công nghệ tiên tiến khác cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Huawei dự tính những trở ngại do phía Mỹ gây ra sẽ gây thiệt hại 30 tỷ USD đối với doanh thu trong 2 năm tới. Tuy vậy, Trung Quốc chính là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, làm phức tạp thêm đòn tấn công của Mỹ. Họ hiện là nước sử dụng nhiều người máy công nghiệp nhất. Họ mua 1/3 số người máy được sản xuất trên toàn cầu và sản xuất ra số người máy tương đương. Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nắm giữ 1/3 hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế đối với các công nghệ 5G, tức là hơn gấp đôi tỷ lệ của Mỹ. Chỉ riêng Huawei đã nắm giữ số bằng sáng chế 5G nhiều hơn tổng số bằng sáng chế mà các doanh nghiệp Mỹ nắm giữ. Các công ty Mỹ chiếm một nửa tổng số doanh nghiệp về trí tuệ nhân tạo, và Trung Quốc chiếm 1/3. Công ty công nghệ Foxconn của Đài Loan hiện đang lên kế hoạch cho một dự án sản xuất vi mạch trị giá 9 tỷ USD ở Trung Quốc, tăng cường nguồn cung thiết bị bán dẫn trong nước. Mặc dù vậy, các nhà phân tích ở Bắc Kinh vẫn không tự tin rằng Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế các sản phẩm công nghệ tiên tiến mà Mỹ có thể từ chối cung cấp cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Sẽ phải mất một thời gian để những gián đoạn trong các chuỗi cung ứng trở nên rõ rệt, và nhiều thời gian hơn nữa để những hậu quả của tình trạng kiềm chế công nghệ xuất hiện trong những sản phẩm bị thay đổi và những công nghệ mới. Tuy nhiên, thông qua kênh thị trường tài chính, một số phí tổn có thể nhanh chóng trở nên rõ ràng.

Chẳng hạn, sau một đợt bán tháo đột ngột vào tháng 5/2019, phần lớn là phản ứng trước sự sụp đổ của các cuộc đàm phán Mỹ-Trung vào cuối tháng 4, chỉ số S&P 500 của Mỹ sau đó đã hồi phục. Hiện chỉ số này đang cao hơn cả mức cao kỷ lục đạt được trước đợt suy thoái hồi tháng 5. Sự hồi phục này phần lớn dựa trên hy vọng rằng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2019. Hiện giờ, việc cắt giảm được dự kiến này đã được tính đến. Nhưng một sự suy giảm mạnh trong quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thì chưa.

Sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Hội nghị G20 ở Osaka vào ngày 28-29/6/2019, việc có hay không một loạt biện pháp trừng phạt và đối phó mới, cũng như việc chúng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu một cách nghiêm trọng đến mức nào có lẽ sẽ được làm rõ.

Vẫn có thể có một thỏa thuận thương mại

Bất chấp thái độ bi quan của một số nhà phân tích ở Bắc Kinh, vẫn có thể có một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc mặc dù triển vọng có thể tồi tệ hơn rất nhiều trước khi trở nên tốt đẹp hơn.

Trong khi những nhân vật gây chia rẽ có đường lối cứng rắn trong Nhà Trắng và bộ máy an ninh quốc gia của Mỹ có thể không muốn có một thỏa thuận, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Tổng thống Donald Trump lại hành xử như thể là họ muốn có nó. Mỹ đã áp thuế trừng phạt đối với Trung Quốc trong 1 năm qua nhằm mang lại một thỏa thuận theo các điều khoản của mình. Chính quyền Trump đã tham dự 11 vòng đàm phán với sự tham gia của hàng trăm quan chức đến từ nhiều bộ ngành lớn ở Washington. Họ đã nhiều lần trì hoãn việc áp thêm thuế trừng phạt để có thể tiếp tục các cuộc đàm phán.

vẫn có thể có một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc mặc dù triển vọng có thể tồi tệ hơn rất nhiều trước khi trở nên tốt đẹp hơn. (Nguồn: Opendemocracy)

Về phần mình, Trung Quốc cũng mong muốn một thỏa thuận. Họ không khởi xướng cuộc tranh chấp thương mại này. Kể từ giữa năm 2018, nước này đã thực hiện các bước để mở cửa nền kinh tế của mình hơn nữa và xoa dịu người Mỹ. Họ tuyên bố các kế hoạch cắt giảm thuế và các quy tắc tự do hơn cho phép các doanh nghiệp do nước ngoài sở hữu hoàn toàn trong lĩnh vực sản xuất ô tô và các khu vực tài chính. Họ thay thế những quyết định dựa theo từng trường hợp bằng một danh sách các khoản đầu tư nước ngoài không được phép. Tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tháng 3/2019, Trung Quốc đã công bố dự luật cho phép các chi nhánh nước ngoài được quyền tiếp cận các khoản tiền trợ cấp tương tự như các doanh nghiệp trong nước, mở rộng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cấm ép buộc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Một năm trước, họ đã nhất trí nhập khẩu thêm hàng hóa từ Mỹ, một thỏa thuận sơ bộ được thông qua khi Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau vào cuối Hội nghị G20 ở Argentina vào tháng 12/2018.

Cho đến gần đây, Trung Quốc vẫn tránh né việc duy trì một chiến dịch tuyên truyền công khai chống Mỹ. Giống như Mỹ, họ thường tìm cách ngăn không để tranh chấp thương mại trở thành các cuộc tranh chấp về an ninh. Dù không thông báo nhưng Trung Quốc dường như đã tuân thủ các biện pháp trừng phạt đối với việc mua dầu mỏ từ Iran do Mỹ đơn phương áp đặt. Khi phải đối mặt với các cuộc biểu tình, Trung Quốc hoặc ủng hộ hoặc nhiều khả năng hơn là bắt đầu đình chỉ dự luật dẫn độ ở Hong Kong vào tháng 6/2019. Cũng trong tháng đó, Tập Cận Bình đã đến thăm Triều Tiên nhằm giúp tái khởi động các cuộc đàm phán của nước này với Mỹ. Một quan chức ở Bắc Kinh thừa nhận rằng gần đây đã có “thay đổi trong giọng điệu của giới truyền thông” và “cảm giác rằng cuộc tranh chấp này đang leo thang”. Tuy nhiên, các nhà phân tích ở Bắc Kinh đều nhất trí rằng Trung Quốc muốn có một thỏa thuận.

Hai bên không chỉ muốn có một thỏa thuận. Họ đã nhất trí về các yếu tố chính trong thỏa thuận này. Ở Bắc Kinh, người ta cho rằng chỉ 5 người mỗi bên trong các cuộc đàm phán từng được nhìn thấy văn bản cuối cùng dài 150 trang bằng tiếng Anh do Mỹ đưa ra tại Bắc Kinh trong cuộc gặp đàm phán lần thứ 10 vào cuối tháng 4/2019. Cả 2 bên đều nói rằng văn bản này đã hệ thống hóa kết quả của các cuộc đàm phán từ trước đến nay. Hai bên đều nói rằng sau đó ban lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu có một vài thay đổi khi tiếp nhận bản dự thảo được dịch sang tiếng Trung Quốc.

Không một ai trong số những người tác giả đã nói chuyện ở Bắc Kinh từng nhìn thấy văn bản đàm phán vào cuối tháng 4 vừa qua, hay muốn nói về nó nếu như họ có nhìn thấy đi chăng nữa. Tuy nhiên, dù thỏa thuận dự thảo được giữ kín, nhưng chiều hướng nội dung của nó lại được chia sẻ rộng rãi. Những rào cản ban đầu trong đàm phán không còn được nêu ra như là trở ngại đối với thỏa thuận. Vấn đề tiền trợ cấp cho ngành công nghiệp của Trung Quốc dường như đã được giải quyết. Quyền sở hữu trí tuệ hay cái gọi là “sự chuyển giao công nghệ bị ép buộc”, hầu như không được đề cập trong 1 tuần thảo luận với các nhà phân tích Trung Quốc. Những hạn chế về đầu tư, cơ chế tỷ giá hối đoái hay thuế quan (ngoại trừ các khoản thuế trừng phạt) cũng không được viện dẫn như là những trở ngại. Chúng đều đã được nhất trí hoặc gần đủ để đi đến thỏa thuận.

Nhiều đòi hỏi khó khăn hơn mà Mỹ đã đưa ra trong năm qua cũng không còn được nhấn mạnh nữa. Nếu không thì các cuộc đàm phán sẽ không thể tiến xa như vậy. Một tài liệu bị rò rỉ của Mỹ từ năm 2018 yêu cầu Trung Quốc phải đồng ý không trả đũa nếu Mỹ quyết định áp thuế lại đối với Trung Quốc vì nhận định của Mỹ cho rằng Trung Quốc không hoàn thành các nghĩa vụ theo thỏa thuận. Đòi hỏi đó sẽ là không thể chấp nhận được đối với bất kỳ nước lớn nào và cần phải được dỡ bỏ. Đòi hỏi rằng Mỹ có thể đưa các quan chức vào các cơ quan chính quyền của Trung Quốc để giám sát việc thực thi một thỏa thuận cũng là điều không thể chấp nhận được. Đề nghị đó hẳn phải được rút lại nếu có được đưa ra.

Thay vào đó, dường như có sự nhất trí rằng mỗi bên sẽ duy trì một văn phòng ở thủ đô của nước kia để phối hợp thực thi thỏa thuận. Việc loại bỏ những đòi hỏi gây phá hoại thỏa thuận này là điều đáng nói.

Trong các cuộc đàm phán, đôi khi người ta cho rằng Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc hoạch định kinh tế của nhà nước, và các ngành công nghiệp do nhà nước sở hữu trong nền kinh tế của Trung Quốc. Những vấn đề này không được đề cập đến ở Bắc Kinh. Chúng không thể xuất hiện trong bản dự thảo cuối cùng, vì bất cứ lúc nào các nhà đàm phán Trung Quốc cũng không thể cho phép những thay đổi căn bản như vậy đối với hệ thống kinh tế của Trung Quốc.

Theo phía Trung Quốc, các vấn đề còn lại là những vấn đề đã được nhà đàm phán bên phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, phác thảo trong một cuộc họp báo diễn ra sau khi các cuộc đàm phán tại phiên họp thứ 11 ở Washington thất bại đầu tháng 5/2019. Từ đó suy ra đây là những lý do khiến ban lãnh đạo bác bỏ dự thảo thỏa thuận. Lưu Hạc nói 2 bên “đã đạt được sự đồng thuận quan trọng ở nhiều khía cạnh”, nhưng Trung Quốc có 3 mối lo ngại cần phải được giải quyết. Thứ nhất là phải bãi bỏ tất cả các khoản thuế trừng phạt được áp đặt trong năm qua. Thứ hai là số lượng hàng hóa nhập khẩu mà Trung Quốc cam kết mua thêm từ Mỹ “cần phải có tính thực tế”, khi xét tới việc đã đạt được một thỏa thuận chung về con số cụ thể ở Argentina. Đòi hỏi thứ ba là cần phải có một văn bản cân bằng hơn vì “tất cả các nước đều có phẩm giá của mình”.

Cả 3 vấn đề này thật sự đều là về việc thực thi. Viêc bãi bỏ thuế trừng phạt phải là một phần trong thỏa thuận – như Lưu Hạc nói hồi tháng 5/2019, xét cho cùng chúng là “khởi điểm của cuộc tranh chấp thương mại song phương đang diễn ra”. Nhưng có lẽ không cần loại bỏ tất cả cùng một lúc. Có khả năng Mỹ sẽ chỉ đề xuất dỡ bỏ thuế trừng phạt khi Trung Quốc đưa ra bằng chứng cho thấy họ đã tuân thủ các cam kết của mình. Sự khác biệt trong kế hoạch dỡ bỏ thuế không phải là không thể vượt qua. Chẳng hạn, Mỹ có thể giữ lựa chọn áp thuế lại nếu họ kết luận rằng Trung Quốc chưa thực hiện các cam kết của nước này. Có cơ hội để đàm phán về một kế hoạch dỡ bỏ thuế mà hai bên có thể chấp nhận cho dù cơ hội ấy là mong manh.

Tranh cãi về số lượng hàng hóa mua thêm cũng có thể được giải quyết. Đây không phải là vấn đề về nguyên tắc. Vì lượng hàng hóa mà Trung Quốc nhất trí mua thêm là lợi thế đòn bẩy duy nhất của họ trong cuộc đàm phán này, nên hiện nay Trung Quốc có thể có lập trường cho rằng việc nhất trí mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ phụ thuộc vào toàn bộ thỏa thuận thương mại. Khi Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau tại Buenos Aires vào tháng 12/2018, Trung Quốc đề xuất mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa mỗi năm trong vòng 6 năm. Tại Bắc Kinh, người ta cho rằng Mỹ hiện muốn con số là 300 tỷ USD. Trung Quốc có lẽ phải mua nhiều hơn một chút và Mỹ phải chấp nhận con số nhỏ hơn một chút so với mức họ hy vọng.

Một vấn đề lớn đáng chú ý đang cản trở thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc chính là cách diễn đạt trong các điều khoản về việc thi hành. Đó là nơi lòng tự trọng bị xúc phạm. Trung Quốc cho rằng có quá nhiều điều khoản và chúng quá tiêu cực, quá thẳng thừng, quá bất công và quá nhục nhã. Chúng cho thấy rõ rằng đây không phải một thỏa thuận giữa các bên bình đẳng với nhau, với sự nhượng bộ từ cả hai phía. Quan điểm ở Bắc Kinh là nhiều quyết định về việc Trung Quốc thực thi thỏa thuận chỉ do Mỹ đưa ra, và đây chính là vấn đề đối với Trung Quốc. Đề cập đến văn bản quy định việc thi hành thỏa thuận, một nhà phân tích có quan điểm gần với tư tưởng chính thức cho rằng Trung Quốc “không thể ký kết một thỏa thuận gây hại cho Đảng, cho chính phủ và ban lãnh đạo”.

Xét tới những gì hiện đang bị đe dọa, việc Mỹ và Trung Quốc đã tiến xa đến đâu và tiến gần thỏa thuận đến mức độ nào, hai bên đều chịu sức ép buộc phải thỏa hiệp về việc thi hành. Như Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói với cánh phóng viên vào tháng 5 vừa qua, “các thỏa thuận đã nhiều lần quay trở lại mốc ban đầu, nhiều tình tiết rắc rối đã xuất hiện, điều này hoàn toàn bình thường”.

Các rắc rối liên quan đến Huawei

Hành động của Mỹ chống lại Huawei chắc chắn đã bổ sung một khía cạnh không chắc chắn hoàn toàn mới cho các cuộc đàm phán thương mại. Nó làm dấy lên sự ngờ vực của Trung Quốc đối với các quan chức trong Nhà Trắng và bộ máy an ninh quốc gia Mỹ, những người muốn tách rời nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, làm tiền đề cho việc cô lập Trung Quốc với các thị trường khác và gây tổn hại tới sức mạnh kinh tế của nước này.

Một nhà phân tích ở Bắc Kinh cho rằng Mỹ đã quyết định “để kiềm chế Trung Quốc, phải bắt đầu từ mạng 5G”. Tuy nhiên, nếu những người ủng hộ việc chia rẽ có tầm ảnh hưởng chi phối ở Washington, thì một cuộc đàm phán hẳn sẽ không diễn ra. Nếu họ cố gắng phá hoại một cuộc đàm phán, thì Trung Quốc có lý khi không đáp trả sự khiêu khích.

Một mình cuộc tranh cãi về vấn đề Huawei không thể ngăn cản thỏa thuận về các vấn đề thương mại và đầu tư. (Nguồn: Nayadaur)

Vẫn chưa rõ liệu Chính quyền Trump có đang lợi dụng mối đe dọa Huawei để gây thêm sức ép cho Trung Quốc hay không, hay đó là một phần của đòn công kích riêng rẽ nhằm vào Trung Quốc mà cho thấy Mỹ không hề có ý định đàm phán. Trump đã nhiều lần chỉ ra rằng vấn đề Huawei có thể được đưa ra đàm phán và được giải quyết trong quá trình đàm phán, cho thấy đây không phải một đòn tấn công riêng rẽ. Điều quan trọng là các nhà phân tích và các quan chức Trung Quốc mà tác giả bài viết từng trao đổi đã tỏ ra miễn cưỡng khi liên hệ vấn đề Huawei với việc đàm phán thương mại.

Kết luận rút ra là Trung Quốc không khăng khăng yêu cầu Mỹ ngừng gây áp lực cho Huawei như là một điều kiện để đạt được thỏa thuận về thương mại. Cách tiếp cận của Trung Quốc có vẻ như là giải quyết từng vấn đề một. Dù nghiêm trọng và tai hại đến mức nào, một mình cuộc tranh cãi về vấn đề Huawei không thể ngăn cản thỏa thuận về các vấn đề thương mại và đầu tư.

Sức ép buộc phải tiếp tục đàm phán sau hội nghị G20

Mặc dù Trung Quốc nóng lòng muốn đạt được thỏa thuận cuối cùng, nhưng cùng lúc đó Mỹ cũng chịu nhiều sức ép buộc phải đàm phán. Hứa hẹn trong thời gian tới sẽ quyết định xem liệu có nên mở rộng việc áp thuế trừng phạt đối với số hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc sang Mỹ hay không, Trump đã đặt ra một hạn chót để thúc đẩy Mỹ cũng như Trung Quốc đi đến một thỏa thuận. Số hàng nhập khẩu này bao gồm nhiều mặt hàng gia dụng do Trung Quốc sản xuất. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà kinh tế thuộc chi nhánh Ngân hàng dự trữ liên bang tại New York ước tính mức thuế bổ sung tính đến nay sẽ khiến mỗi hộ gia đình Mỹ phải tiêu tốn 831 USD. Trump đề xuất tăng hơn 2 lần giá trị hàng hóa bị đánh thuế 25%, có khả năng khiến phí tổn đối với người tiêu dùng Mỹ cũng tăng hơn 2 lần. Trung Quốc sẽ đáp trả hành động mở rộng thuế quan của Mỹ bằng cách cắt giảm một lần nữa lượng nhập khẩu đối với đậu nành và các nông sản khác.

Trump đã chính thức khởi động cuộc chạy đua của chính mình cho vị trí ứng viên đảng Cộng hòa và cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Nếu không có một thỏa thuận, ông sẽ phải đối mặt với năm 2020 trong tình trạng giá hàng hóa từ Trung Quốc gia tăng, số lượng hàng hóa Trung Quốc nhập từ Mỹ chững lại, thị trường chứng khoán đáng báo động và rắc rối xảy ra tại các bang nông nghiệp. Nó có lẽ không khiến ông thất bại trong cuộc chạy đua, nhưng đó là gánh nặng mà ông không muốn đảm nhận. Một thỏa thuận “tuyệt vời” thì sẽ tốt hơn.

Một thỏa thuận có thể sớm được hoàn thành, hoặc mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều trước khi trở nên khả quan hơn. Mặc dù Trump và Tập Cận Bình sẽ hội ý tại Hội nghị các nhà lãnh đạo G20 sắp diễn ra tại Osaka, nhưng Tập Cận Bình rõ ràng rất thận trọng trước nguy cơ bị Trump từ chối. Dù vậy, vẫn có thể tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận, trì hoãn quyết định mở rộng việc áp thuế trừng phạt và trì hoãn thời hạn thực thi lệnh cấm bán hàng hóa của Mỹ cho Huawei. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp lại nhau tại Hội nghị cấp cao APEC tại Chile vào tháng 11/2019. Khi năm 2019 trôi qua, một thỏa thuận sẽ là vật đảm bảo cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2020. Nếu các cuộc thăm dò ý kiến mang lại kết quả bất lợi cho Trump, thì phía Mỹ biết rằng Trung Quốc chỉ việc ngồi im chờ đợi.

Ngay cả nếu đạt được một thỏa thuận, thì nó sẽ chỉ liên quan đến thuế quan, việc Trung Quốc mua hàng hóa của Mỹ, mở rộng tự do trong hoạt động đầu tư và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Hiện còn nhiều vấn đề khác trong mối quan hệ kinh tế đang xuống cấp giữa Mỹ và Trung Quốc. Cách nghĩ của giới doanh nghiệp Mỹ về thị trường Trung Quốc, khả năng của Trung Quốc trong việc bắt kịp một số công nghệ chủ chốt của Mỹ trong một khoảng thời gian phù hợp, và thái độ của các bên tham gia lớn khác như châu Âu và Nhật Bản sẽ ảnh hưởng đến kết cục của những xung đột khác này. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận đầu tiên đó, sẽ rất khó có thể tìm ra cách đàm phán các tranh chấp kinh tế khác, hay ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa kinh tế toàn cầu.

Trần Quyên (theo Lowy Institute)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here