Tọa đàm “Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua năng lực công nghệ thông tin tại Việt Nam”

0
87

Ngày 24/9/2020, trong khuôn khổ Chương trình Asia Berlin Summit 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức Đại sứ Nguyễn Minh Vũ đã phối hợp với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt – Đức (VGI Network e.V.) tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua năng lực công nghệ thông tin tại Việt Nam”

Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả bao gồm TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Doanh nghiệp Khoa học công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông; Bà Caroline King, Trưởng Bộ phận Quan hệ Chính phủ – Tập đoàn SAP (Đức); Ông Lê Hải – Tổng giám đốc FPT Germany; cùng các startup Việt Nam và Đức. Khoảng 100 người đã tham dự trực tiếp trên nền tảng zoom, cùng hàng ngàn lượt xem và chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ khẳng định thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được Việt Nam coi là một trong những trụ cột nhằm phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế. Việt Nam có những ưu thế lớn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là năng lực công nghệ thông tin, với trên 3000 startup, 24 vườn ươm doanh nghiệp và đầu tư cho startup liên tục tăng trong những năm gần đây. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng là một điểm mạnh của Việt Nam, với trên 400.000 người được đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, và thêm 50.000 sinh viên, học viên tốt nghiệp mỗi năm. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đã hoặc đang có kế hoạch phát triển kinh doanh tại Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh quan hệ Việt Nam – Đức đã trải qua quá trình phát triển lâu dài và ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được hai bên xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong thời gian tới. Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã đi vào hiệu lực và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU đang chờ phê chuẩn, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đức/EU được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại diện Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Thông tin – Truyền thông đã cung cấp bức tranh toàn cảnh và những thông tin cập nhật về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam, những lợi thế cạnh tranh cùng các chính sách, chương trình hỗ trợ của Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển năng lực công nghệ thông tin, tăng cường hợp tác với các đối tác quan trọng, trong đó có Đức và châu Âu, nhằm đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu ở châu Á.

Đại diện Tập đoàn SAP (Đức) và FPT tại Đức chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh doanh và hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đức, các hoạt động hỗ trợ startup và doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị đối với các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng như nhiều lời khuyên hữu ích cho các doanh nghiệp và startup Việt Nam mong muốn hợp tác với với các doanh nghiệp của Đức và châu Âu. Các startup của Việt Nam và Đức như Wechselgott, Horami, VNSE và Edubao đã chia sẻ mô hình khởi nghiệp của mình, và cùng các diễn giả thảo luận, trả lời các câu hỏi được gửi đến cho Ban Tổ chức.

Embassy Day là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Chương trình Asia Berlin Summit 2020 (trước đây có tên gọi Diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương Berlin – Asia Pacific Forum Berlin) do Bộ Kinh tế bang Berlin chủ trì tổ chức nhằm kết nối giữa Berlin/Đức và các nước châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Năm 2020, chương trình được tổ chức dưới hình thức kết hợp các hoạt động trực tiếp và trực tuyến, trong đó các hoạt động trực tuyến là chủ yếu. Chương trình thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng khởi nghiệp cùng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Đức.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here