Chiều ngày 21/6/20223, tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã đến dự và phát biểu khai mạc Tọa đàm tăng cường quan hệ kinh tế Việt Nam và châu Âu. Tọa đàm do Bộ Ngoại giao và Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp tổ chức với sự tham dự của Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, 12 Đại sứ và đại diện Đại sứ quán châu Âu tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao; Chủ tịch EuroCham và các doanh nghiệp thành viên; lãnh đạo VCCI và 10 hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất chủ chốt như dệt may, da giầy, thủy sản, điện tử, nhựa tái sinh, giấy, gỗ và lâm sản, thực phẩm và đồ uống.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – EU bởi lẽ EU là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư. Thứ trưởng Thường trực chia sẻ, Việt Nam và EU có chung mục tiêu cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, bền vững… Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh, chỉ đạo triển khai quyết liệt ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển nguồn nhân lực. Mặc dù các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi các quy định mới của EU, nhưng Việt Nam coi những yêu cầu đó là cơ hội để chuyển đổi toàn diện sang một nền kinh tế minh bạch, có trách nhiệm, xanh và bền vững. Do đó, Thứ trưởng Thường trực đánh giá cao việc tổ chức Tọa đàm nhằm thiết lập một kênh trao đổi hiệu quả, trực tiếp về các quy định mới của EU giữa các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam với Đại sứ các nước EU.
Đại sứ – Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti và ông Gabor Fluit Chủ tịch Eurocham cùng Đại sứ các nước châu Âu cho biết chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng và thực hiện các quy định mới.
Các đại biểu đã tích cực trao đổi về các quy định mới của châu Âu trong thương mại và đầu tư về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững như thẩm định doanh nghiệp, chuỗi cung ứng phòng chống phá rừng, cơ chế điều chỉnh các-bon qua biên giới CBAM cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp Việt Nam và kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội doanh nghiệp. Các đại biểu đánh giá cao sáng kiến tổ chức Tọa đàm nhằm hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với chính phủ và doanh nghiệp châu Âu, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa châu Âu và Việt Nam.
Tọa đàm thuộc chuỗi các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm tăng cường hỗ trợ các ngành sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai toàn diện và hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15/CT-TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
(Vụ Tổng hợp Kinh tế – Bộ Ngoại giao)