Tọa đàm khởi động xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam

0
129
Ảnh: DKL.
Ảnh: DKL.

Sáng ngày 26/2/2019 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đối tác nước ngoài như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm Khởi động xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR). Mục đích xây dựng MDCR là để góp phần tư vấn cho Việt Nam trong việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Tham dự buổi toạ đàm có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, Giám đốc Chương trình đánh giá quốc gia đa chiều của OECD Jan Rielaender, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Đại sứ Bruno Angelet, Giám đốc Ngân hàng Thế giới Ousmane Dione, cùng với đông đảo đại diện các bộ, ngành và các học giả của nước ta.

Khái quát về OECD và MDCR

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, viết tắt OECD, là một tổ chức liên chính phủ được thành lập theo một hiệp định ký tại Paris vào ngày 14 tháng 12 năm 1960 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của các nước thành viên và thế giới, tăng cường thương mại quốc tế. OECD hiện có 36 thành viên, phần lớn là các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới với tổng GDP đạt hơn 49 nghìn tỷ đô-la Mỹ (USD), tương đương với 62% GDP toàn cầu (2017). OECD có 27 thành viên là các quốc gia đến từ châu Âu, 4 thành viên từ châu Mỹ, 5 thành viên từ châu Á và châu Úc, và có trụ sở chính đặt tại Paris (Pháp).

Đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) là chương trình được OECD khởi động từ năm 2013, nhằm cung cấp thông tin, cơ sở phục vụ quá trình hoạch định, triển khai chiến lược phát triển của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, thông qua đánh giá thực trạng tình hình phát triển trên nhiều lĩnh vực (đa chiều). Trên cơ sở nhận diện các điểm mạnh, điểm yếu của các nền kinh tế, OECD sẽ đề xuất các chính sách, biện pháp khắc phục nhằm duy trì động lực phát triển kinh tế – xã hội cũng như xây dựng các chiến lược hiệu quả hướng tới tăng trưởng bền vững. Phát triển ở đây được định nghĩa không chỉ là tăng trưởng đơn thuần về mặt số lượng mà còn về chất lượng, là phát triển bao trùm, xoá đói giảm nghèo, phát triển an sinh xã hội…

Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình này, OECD đã hỗ trợ hơn 10 quốc gia trên thế giới xác định các ưu tiên phát triển và đề ra các hướng đi phù hợp. Giám đốc MDCR Jans Rielaender cho biết, thông qua MDCR, Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội để tìm ra hướng đi cho mình, đồng thời đề ra các ưu tiên hàng đầu trong công cuộc phát triển và xác định các chính sách cần triển khai. Ngược lại, đây cũng là cơ hội để OECD có thể hiểu rõ hơn về mô hình phát triển và kinh nghiệm của Việt Nam trong thời gian qua. Rất nhiều quốc gia thành viên OECD biết đến Việt Nam như một quốc gia đã thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất lợi và mong muốn học hỏi kinh nghiệm. Trong nhiều lĩnh vực, như kinh tế – xã hội, Việt Nam đã đạt những phát triển vượt bậc, từ điện tử, chế biến thực phẩm cho đến đào tạo nghề, là những kinh nghiệm cần thiết cho các quốc gia đang phát triển và thậm chí các nước phát triển. Ông khẳng định: “nhiều thành viên OECD biết rằng Việt Nam có những thành tích vượt trội hơn hầu hết các nước chất lượng giáo dục căn bản (hay còn gọi là PISA). Bản thân OECD cũng rất muốn tìm hiểu xem làm sao các bạn làm được điều đó”.

Ảnh: DKL.

Thực trạng phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo Toạ đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Quy mô của nền kinh tế Việt Nam đã vươn lên vị trí 40 trên thế giới tính theo GDP danh nghĩa, và vị trí 34 trên thế giới nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP); GDP đầu người năm 2018 tính theo sức mua là 7.650 USD, theo giá trị danh nghĩa là 2.600 USD. Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2018 đã đạt trên 480 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 245 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành một trong những công xưởng của thế giới về cung ứng hàng điện tử, dệt may, da giầy, điện thoại di động với khoảng 50% điện thoại thông minh Samsung tiêu thụ trên toàn cầu là sản xuất từ Việt Nam. Hiện nay, gần 26 nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD đến từ gần 130 quốc gia và đối tác.

Các tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài đều ghi nhận các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được. Theo Báo cáo công bố tháng 9 năm 2018 của tập đoàn McKinsey, Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế đang nổi có thành tích phát triển “vượt trội” trong 50 năm qua. Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở Châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới trong nhiều năm qua. Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2018 theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới đứng vị trí 77/140 quốc gia, xếp hạng môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới đứng thứ 69/190 nền kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đứng thứ 45/127 nước…

Bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội và thụ hưởng các thành quả của phát triển. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và đang tích cực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) bằng nhiều chương trình quốc gia về giáo dục, y tế, lao động, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Theo Báo cáo năm 2018 của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng liên tục trong 27 năm qua với điểm số tiệm cận nhóm nước có chỉ số phát triển con người cao. Tuổi thọ kỳ vọng của Việt Nam là 76,5 năm, đứng thứ hai ở châu Á – Thái Bình Dương, sau Hàn Quốc. Số năm đi học trung bình của Việt Nam là 8,2 năm, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Nhận định về các thành tựu đã đạt được, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ông Ousmane Dione chia sẻ quan điểm quốc tế là Việt Nam đã và đang là câu chuyện phát triển thành công. Từ sau Đổi mới, Việt Nam đã có sự phát triển nhanh và bao trùm. GDP đầu người tính theo PPP đã vượt mức 5 nghìn USD và có thể đạt mức 25 nghìn USD trong vòng 20 năm tới. Ông cho biết, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm, đến 2034 Việt Nam có thể đạt mức GDP đầu người mà Hàn Quốc đạt được năm 2001. Nhưng vấn đề trong thời gian tới là ưu tiên những yếu tố nào để có thể đạt được và duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững cao như vậy trong bối cảnh tình hình thế giới biến động rất nhanh.

Khó khăn và thách thức

Nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam ý thức sâu sắc rằng nền kinh tế phát triển còn chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới… Khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài còn hạn chế, các thách thức về xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Mô hình tăng trưởng đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ mục tiêu tăng trưởng, và còn sử dụng nhiều tài nguyên và nguồn vốn đầu tư. Năng suất lao động đã được cải thiện nhưng tốc độ cải thiện còn chậm trong khi thị trường lao động chưa được phân bổ hợp lý. Cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư – kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện pháp luật đã có nhiều tiến bộ trong năm 2018 nhưng cần làm tốt hơn trong các năm tiếp theo.

Báo cáo Việt Nam 2030 của World Bank đã chỉ rõ, ba yếu tố hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng nhanh trong thời gian qua là dân số, đầu tư và năng suất lao động đều gặp một số thách thức trong tương lai. Dân số Việt Nam sẽ già hoá khiến tiêu dùng giảm, tích trữ tài sản tăng, khiến các đóng góp cho tăng trưởng GDP giảm dần. Năng suất lao động đã được cải thiện, hiện tương đương với Thái Lan, nhưng cần phải cải thiện hơn nữa nếu muốn tạo đột phá và tránh bẫy thu nhập trung bình. Hiệu quả đầu tư cũng cần được nâng cao, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên cho phát triển bền vững trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trên thế giới có chiều hướng suy giảm.

Bên cạnh các thách thức nội tại, tình hình thế giới cũng thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, mở ra những cơ hội phát triển mới, nhưng cũng đặt ra các thách thức đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực nhiều hơn để không rơi vào tụt hậu. Chủ nghĩa dân tuý, bảo hộ mậu dịch, suy thoái kinh tế đang đặt ra nhiều thách thức cho các mô hình tăng trưởng trong tương lai. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là những thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, cho thấy rõ hơn các mô hình tăng trưởng truyền thống không còn phù hợp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Tương lai và triển vọng phát triển chưa hẳn đã là tiếp tục các thành công của quá khứ vì nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo phá hủy đã loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, mô hình cũ”. Ông cho rằng, có cách tiếp cận riêng và tầm nhìn khác biệt, đồng thời biết khai thác tốt cơ hội của thời đại và lợi thế của riêng mình là vô cùng quan trọng để đưa Việt Nam tiếp tục tiến lên phía trước.

Ảnh: DKL.

Một số gợi ý cho Báo cáo MDCR

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã biểu dương Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã sớm phối hợp với OECD khởi động quá trình xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam. Ông khẳng định, đây là báo cáo quan trọng được xây dựng với phương pháp đánh giá khách quan, độc lập, đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực về các chính sách phát triển của Việt Nam, từ đó đưa ra các tư vấn, khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam để xây dựng Chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan soạn thảo báo cáo cần đánh giá kỹ lưỡng tình hình trong nước, và đặt trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, công tác dự báo phải mang tính dài hạn, hướng tới các cột mốc lịch sử là năm 2045 khi nước ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước và năm 2050 nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông cũng chỉ ra một số điểm mang tính gợi mở mà các cơ quan cần trao đổi, lưu ý khi soạn thảo báo cáo.  Một là, báo cáo MDCR cần chỉ rõ đâu là những điểm “tắc nghẽn” và rào cản đối với phát triển trong các chiến lược, chính sách Việt Nam đang triển khai hiện nay. Hai là, báo cáo cần chia sẻ với Việt Nam những xu hướng phát triển mới đang nổi lên trong một thế thế giới đang biến đổi nhanh và sâu sắc hiện nay; những thực tiễn tốt trên thế giới về xử lý các vấn đề phát triển. Ba là, cần đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, nhất là các khuyến nghị chính sách xử lý các “tắc nghẽn”, rào cản đối với phát triển cũng như các chính sách khơi thông, tạo và giải phóng các động lực tăng trưởng mới. Bốn là, báo cáo cần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, thể chế gắn kết các chính sách phát triển của các ngành, lĩnh vực trong một tổng thể chiến lược, đồng thời xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá việc thực hiện các chính sách theo phương pháp, tiêu chuẩn khoa học và hiện đại của OECD.

Phát biểu tại Toạ đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS.TS. Bùi Tất Thắng cho rằng, Báo cáo cần chú ý đến các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng. “Lâu nay, trong các Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đều đề cập đến các yếu tố văn hoá, xã hội nhưng vẫn thiếu các số liệu để đề ra các mục tiêu và đưa ra các đánh giá thực chất. Trên cơ sở đó, cần xác định các tiêu chí cụ thể, trong bối cảnh yếu tố văn hoá, xã hội và môi trường nổi lên như một khía cạnh hết sức quan trọng trong đời sống của người dân” – ông nói. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) TS. Cấn Văn Lực thì cho rằng, báo cáo cần tập trung làm rõ yếu tố chất lượng trong tăng trưởng, thế nào là phát triển bao trùm và đâu là tiêu chí để xác định chất lượng tăng trưởng. Trên cơ sở đó, báo cáo cũng cần khuyến nghị Chính phủ Việt Nam lựa chọn mô hình nào cho tăng trưởng, ví dụ tăng trưởng kinh tế xanh hay kinh tế số, tăng trưởng bao trùm hay tăng trưởng nhanh.

Ảnh: DKL.

Lộ trình thực hiện Báo cáo MDCR

Phát biểu kết luận Toạ đàm, ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ghi nhận ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và ý kiến đóng góp của các diễn giả tham gia Toạ đàm. Ông cho biết, sau Toạ đàm sẽ có nhiều hoạt động cụ thể về trao đổi, phối hợp nghiên cứu giữa Việt Nam và OECD trong nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội và đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp và hợp tác chặt chẽ với OECD trong quá trình xây dựng Báo cáo MDCR.

Về phần mình, Giám đốc MDCR cũng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Việt Nam với OECD trong thời gian qua. Ông bày tỏ hi vọng đây sẽ là bước khởi đầu quan trọng, đưa các nội dung hợp tác giữa OECD và Việt Nam đi vào chiều sâu và mang tính nghiên cứu chiến lược, góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển của quốc gia quan trọng hàng đầu ở khu vực như Việt Nam. Dự kiến OECD sẽ xây dựng Báo cáo MDCR trong vòng một năm, trải qua ba giai đoạn là đánh giá sơ bộ, đánh giá chuyên sâu và khuyến nghị kế hoạch hành động. Trong thời gian soạn thảo, OECD sẽ tiến hành nhiều cuộc trao đổi cụ thể với các bộ, ngành Việt Nam và báo cáo cuối cùng sẽ được công bố vào đầu tháng 3 năm 2020.

Bên lề Toạ đàm, sáng ngày 26 tháng 2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã tiếp riêng ông Jan Rielaender và các cộng sự. Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và mong muốn xác định được tầm nhìn cho đất nước xa hơn đích 10 năm tới. Phó Thủ tướng khẳng định: “Chiến lược của Việt Nam sắp tới là đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hay là một quốc gia phát triển và chúng tôi muốn biết cách nhìn nhận của thế giới đối với vấn đề này như thế nào. Đây là mấu chốt để đi tới xác định các nội hàm cho Chiến lược quốc gia”./.

Ban Quản trị Trang Ngoại giao Kinh tế.

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here