Tỉnh Quảng Trị đang tăng cường hoạt động ngăn chặn các hành vi vi phạm ở vùng biển gần bờ, để góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tỉnh Quảng Trị có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt thủy sản khi có 75 km đường bờ biển, ngư trường rộng trên 8.400 km2, có trữ lượng thủy hải sản khoảng 60.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 5 huyện với 16 xã, thị trấn ven biển, trên 15.934 lao động hoạt động thủy sản, trong đó có trên 7.000 lao động trên biển, có kinh nghiệm, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển.
Thời gian gần đây, nghề khai thác thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn như: Giá dầu diesel diễn biến bất thường và ở mức cao, giá thủy sản không ổn định, thời tiết diễn biến không thuận lợi cho vươn khơi. Khắc phục những khó khăn này, ngư dân Quảng Trị vẫn đưa tàu vươn khơi bám biển thường xuyên.
Năm 2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND thực hiện Quyết định số 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Kế hoạch nhằm mục tiêu phát triển khai thác thủy sản bền vững trên cơ sở tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển, cơ cấu lại đội tàu, cơ cấu nghề khai thác hợp lý phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản theo từng ngư trường; tăng cường quản lý hoạt động của tàu cá trên biển; đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.
Theo đó, đến năm 2025, duy trì ổn định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định lại hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2024-2029; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả; Thiết lập mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nghề cá ven biển, đảo Cồn cỏ; 100% sản lượng thủy sản khai thác của tàu cá cập cảng được giám sát; 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định…
Đến năm 2030, sắp xếp cơ cấu đội tàu, nghề khai thác phù hợp với Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của ngành và định hướng phát triển ngành thủy sản và kết cấu hạ tầng ngành thủy sản tỉnh Quảng Trị tích hợp trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị khai thác thủy sản bình quân đạt 1,5%/năm, thu nhập trung bình của lao động khai thác thủy sản tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020; Chấm dứt nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng môi trường sinh thái biển; 100% thuyền trưởng tàu cá vùng khơi được tập huấn, cập nhật các quy định trong nước và quốc tế về khai thác thủy sản; 60% lao động khai thác thủy sản được hướng dẫn các kỹ năng, quy trình kỹ thuật khai thác, đảm bảo an toàn trên biển…
Từ đầu tháng 8 đến ngày 20/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị triển khai đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm phạm vào Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Toàn bộ vùng biển của khu bảo tồn này có quy mô 4.532 ha và vùng đệm bên ngoài từ 300 – 500 m. Đảo Cồn Cỏ cách đất liền khoảng 17 hải lý.
Mục đích triển khai đợt cao điểm này là đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra kiểm soát, phòng ngừa ngăn chặn phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó chấn chỉnh tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định về chống khai thác IUU.
Trong thời gian này lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm gồm tàng trữ sử dụng chất cấm, chất nổ, điện để khai thác thuỷ sản, quy định về vùng biển và giấy phép khai thác thủy sản ở Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ; trong đó, tập trung vào khu vực trọng điểm là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 534 ha được tính từ mép nước chân đảo Cồn Cỏ ra phía ngoài từ 400 – 700 m và phân khu phục hồi sinh thái được tính từ mép đường ranh giới của phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ra phía ngoài khoảng từ 1.000 – 1.700 m có diện tích 1.392 ha.
Việc khai thác thủy sản gần bờ của nhóm tàu cá cỡ nhỏ có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m cũng còn tồn tại. Cụ thể là một số thuyền trưởng tàu cá chưa tuân thủ quy định về cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ sản phẩm thủy sản và ghi nộp nhật ký báo cáo khai thác thủy sản, do ở xa các cảng cá. Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các địa phương ven biển, hướng dẫn và có giải pháp cụ thể để tàu cá cỡ nhỏ hoạt động ven bờ, tuân thủ quy định cập cảng cá bốc dỡ sản phẩm khai thác; ghi, nộp nhật ký báo cáo khai thác thủy sản cho các cảng cá đầy đủ, đúng quy định để giám sát sản lượng thủy sản khai thác.
Ngoài ra tỉnh cũng tập trung khắc phục 378 tàu cá cỡ nhỏ có chiều dài từ 6 m đến dưới 15 m hoạt động ở vùng biển gần bờ không đăng ký, không đăng kiểm và không có giấy phép khai thác thủy sản (thường gọi là tàu cá “3 không”).
Theo đó tỉnh đã ra quyết định công bố 378 tàu cá “3 không” trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương ven biển triển khai hướng dẫn trực tiếp chủ 378 tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 15 m chuẩn bị hồ sơ để đăng ký; không để phát sinh các tàu cá đóng mới, cải hoán và mua bán ở các tỉnh khác về khi chưa có văn bản chấp thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo không phát sinh thêm tàu cá “3 không”, ngoài danh sách tàu cá “3 không” đã được tỉnh công bố.