Tình hình, triển vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu

0
40
Singapore dẫn đầu trong các quốc gia ở Đông Nam Á đầu tư vào Việt Nam với 248 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,78 tỷ USD. (Nguồn: BizLive)

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có sự phục hồi khả quan trong năm 2021 sau tác động của đại dịch Covid-19 song gặp nhiều thách thức FDI trong năm 2022 do sự gia tăng các rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới, đặc biệt là xung đột Nga – Ukraine, việc các nền kinh tế lớn tăng lãi suất và tâm lý tiêu cực trên thị trường tài chính. Trong bối cảnh mới, Chuỗi cung ứng toàn cầu bước vào giai đoạn tái cấu trúc theo hướng đa dạng hóa về nguồn cung và đối tác, gia tăng khả năng chống chịu và hấp thụ tác động của các cú sốc của thị trường và căng thẳng địa chính trị; các nước lớn xác định tầm quan trọng của việc đình hình lại chuỗi cung ứng đối với các mục tiêu kinh tế và chiến lược, gia tăng các quy tắc quản trị toàn cầu.

1. Tình hình và triển vọng dòng vốn FDI toàn cầu

Theo đánh giá của UNCTAD, tổng giá trị FDI toàn cầu năm 2021 đạt khoảng 1,58 nghìn tỷ USD, tăng 64% so với năm 2020 và phục hồi tương đương giai đoạn trước Covid-19. Các nguyên nhân thúc đẩy sự phục hồi bao gồm: sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp số[1]; sự gia tăng các dự án đầu tư mới dưới tác động của các gói kích thích kinh tế, mở cửa đi lại và khuyến khích kinh doanh tại nhiều quốc gia.

Các nền kinh tế phát triển dẫn đầu tiếp nhận vốn FDI với lượng vốn tăng 134% so với năm 2020, chủ yếu đến từ các thương vụ M&A xuyên biên giới trong các ngành, lĩnh vực như công nghiệp, sản xuất – lắp ráp, công nghệ thông tin, thương mại, logistics, tài chính – bảo hiểm, kinh tế xanh. Các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển thu hút 837 tỷ USD năm 2021, cao nhất từ trước đến nay.

Các nền kinh tế đang nổi tại châu Á thu hút lượng vốn kỷ lục 619 tỷ USD, trong đó FDI vào Trung Quốc tăng 21% so với năm 2020 và FDI vào ASEAN đạt 175 tỷ USD tăng 44% so với năm 2020[2]. Trên toàn cầu, 10 nền kinh tế dẫn đầu về thu hút vốn FDI năm 2021 là Mỹ, Trung Quốc, Hồng Công, Singapore, Canada, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Nga và Mexico.

Về đầu tư ra bên ngoài, vốn đầu tư từ các nước phát triển tăng gần ba lần so với năm 2020, đạt khoảng 1,3 nghìn tỷ USD, chiếm ¾ dòng vốn đầu tư trên toàn cầu[3]. Vốn FDI từ các nước đang phát triển tăng 18%, đạt 438 tỷ USD, trong đó các nước đang phát triển tại châu Á chiếm gần 90% lượng vốn.

Triển vọng FDI toàn cầu năm 2022 gặp nhiều thách thức do sự gia tăng các rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới, đặc biệt là xung đột Nga – Ukraine, khả năng các nền kinh tế lớn tăng lãi suất[4] và tâm lý tiêu cực trên thị trường tài chính. Dự báo dòng vốn FDI toàn cầu 2022 nhiều khả năng giảm hoặc trong kịch bản khả quan nhất là đi ngang so với năm 2021. Theo các số liệu thống kê sơ bộ, giá trị các dự án đầu tư mới trên toàn cầu giảm 21% trong quý I/2022; hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) xuyên biên giới giảm trên 30% về số lượng (giảm còn 25.000 vụ), tổng giá trị giao dịch (giảm còn 2.000 tỷ USD) và số lượng giao dịch có quy mô lớn (giá trị trên 5 tỷ USD/vụ) trong nửa đầu năm 2022[5].

Dòng vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển năm 2022 được dự báo sẽ chịu tác động từ xu hướng điều chỉnh vốn FDI toàn cầu. Tuy nhiên, một số đánh giá quốc tế cho rằng các nước ASEAN vẫn có cơ hội đẩy mạnh thu hút FDI nhờ các lợi thế về: (i) Khả năng duy trì ổn định vĩ mô, duy trì chính sách tiền tệ theo hướng “thân thiện” với hoạt động đầu tư[6]; (ii) Kinh tế có độ mở lớn, mức độ hội nhập sâu rộng và bước vào triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); (iii) Các biện pháp điều chỉnh hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút FDI.[7]

Trong ngắn hạn, các quốc gia phục hồi tăng trưởng khả quan sau đại dịch và duy trì môi trường chính trị – xã hội ổn định có nhiều cơ hội thu hút vốn FDI. Trong trung và dài hạn, các nước cần bảo đảm sự hài hòa giữa các chính sách, biện pháp thu hút với các xu hướng điều chỉnh dòng vốn FDI trên thế giới. Trong đó, các thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới, bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn mới về quản trị toàn cầu (áp thuế tối thiểu, định giá các-bon, kỹ năng số, năng lực phát triển kinh tế xanh…) được đặt lên trên các yếu tố lợi thế truyền thống (lao động rẻ, ưu đãi về đất đai, thuế suất thấp…) sẽ tác động lớn đến khả năng thu hút FDI của các nước, nhất là các nền kinh tế đang phát triển.

2. Xu hướng điều chỉnh các chuỗi cung ứng

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (GSC) khiến tăng trưởng toàn cầu năm 2021 giảm 0,5% – 1,0% và lạm phát cơ bản tăng thêm 1%[8]. Dưới tác động của các yếu tố địa chính trị – kinh tế toàn cầu (cạnh tranh chiến lược nước lớn, xung đột Nga – Ukraine, dịch bệnh, điều chỉnh chính sách của các nước…), GSC đang có một số điều chỉnh theo hướng:

– GSC bước vào giai đoạn tái cấu trúc, nổi lên xu hướng thiết kế lại chuỗi cung ứng theo hướng “linh hoạt” và rút ngắn hơn, đa dạng hóa về nguồn cung và đối tác; điều chỉnh kế hoạch sản xuất và bố trí nguồn lực, chuyển dịch chuỗi cung sang các nước đối tác gần gũi hoặc đồng minh (friend-shoring và ally-shoring); gia tăng khả năng chống chịu và hấp thụ tác động của các cú sốc của thị trường và căng thẳng địa chính trị; chú trọng khả năng thích ứng của GSC với tình hình mới thay vì khôi phục các chuỗi cung ứng cũ. Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá các chính sách của các nước nhằm đáp ứng các mục tiêu về khí hậu sẽ tác động lớn đến việc định hình GSC trong trung và dài hạn[9].

– Các nước lớn xác định GSC có vai trò quan trọng đối với các mục tiêu kinh tế và chiến lược. Một số nước có ý định “công cụ hóa”, biến GSC thành “tài sản chiến lược quốc gia”, trong đó Mỹ tăng cường sản xuất chip điện tử nội địa; Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát một số vật liệu, khoáng sản chiến lược như đất hiếm[10] và tận dụng lợi thế thị trường để hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia “không thân thiện”. Thay đổi của Mỹ và Trung Quốc về nắm giữ chiến lược đối với các nguồn khoáng sản phục vụ công nghệ cao cũng góp phần thúc đẩy các quốc gia khác điều chỉnh chiến lược về GSC.

Về dịch chuyển chuỗi cung và địa bàn đầu tư tại Đông Á, một số nghiên cứu của các tổ chức và báo chí phương Tây nhận định nhiều nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang một số khu vực khác[11]. Tuy nhiên, nhìn chung các đánh giá cho rằng ít khả năng xảy ra làn sóng dịch chuyển đầu tư quy mô lớn ra khỏi Trung Quốc[12] do vai trò khó thay thế của Trung Quốc trong tổng thể GSC[13]; việc dịch chuyển ở quy mô đáng kể chỉ diễn ra trong một số lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện tử ô tô và một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia có cơ hội tranh thủ
xu hướng này.

3. Xu hướng đầu tư vào các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) và tài chính xanh:

Giá trị vốn đầu tư vào các lĩnh vực, dự án liên quan đến SDG (bao gồm vốn FDI và các nguồn tài chính khác) đã tăng 70% trong năm 2021, tập trung vào ngành năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (giá trị trung bình của các dự án tăng hơn 3 lần so với mức trước đại dịch). Ngày càng nhiều nước chú trọng các biện pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng bền vững, cụ thể UNCTAD ước tính giá trị của các sản phẩm đầu tư trong lĩnh vực phát triển bền vững và tài chính xanh đạt 5,2 nghìn tỷ USD vào năm 2021, tăng 63% so với năm 2020, trong đó bao gồm: quỹ bền vững (2,7 nghìn tỷ USD), trái phiếu xanh (hơn 1,5 nghìn tỷ USD đang lưu hành), trái phiếu xã hội (418 tỷ USD), trái phiếu bền vững hỗn hợp (408 tỷ USD) và trái phiếu liên kết bền vững (105 tỷ USD).

4. Áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Trong Khuôn khổ bao trùm G20/OECD về Chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS)[14], đã có hơn 130 quốc gia thống nhất áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia có thu nhập từ 750 triệu Euro[15] trở lên (khoảng 870 triệu USD), qua đó bảo đảm các công ty đa quốc gia đóng thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại từng quốc gia có hoạt động, hạn chế việc chuyển lợi nhuận sang các quốc gia/vùng lãnh thổ có thuế suất thấp.

Về cách thức thu/nộp thuế, các thành phần thuộc hệ thống của công ty đa quốc gia[16] sẽ thực hiện nộp thuế cho các quốc gia liên quan[17] với tổng số thuế tối thiểu 15% các khoản thu nhập chịu thuế. Số thuế phải nộp được tính toán và phân bổ theo 03 nguyên tắc, áp dụng theo trình tự gồm: (i) Nguyên tắc đánh thuế của nước nguồn (STTR)[18]; (ii) Nguyên tắc gộp thu nhập (IIR)[19]; (iii) Nguyên tắc đánh thuế bổ sung đối với các khoản thu nhập chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR)[20].

Về thời điểm áp dụng, theo báo cáo của OECD tại Hội nghị Bộ trưởng Tài  chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 (Indonesia, 7/2022), nhiều quốc gia có kế hoạch áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 (so với kế hoạch ban đầu là năm 2023) do cần thêm thời gian để chuẩn bị[21]. Tuy nhiều khả năng phải lùi thời điểm, song OECD đánh giá việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là không thể đảo ngược và mốc thời gian 2024 là đủ để các nước hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách, pháp luật liên quan.

Về phản ứng của các nước, đến nay toàn bộ các nước G7, các nước EU, một số nước thành viên G20 và nhiều quốc gia đã có kế hoạch sửa đổi nội luật để áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, trong đó một số nước dự kiến sẽ
áp dụng chính sách đánh thuế bổ sung thay cho các biện pháp ưu đãi thuế và
miễn trừ hiện nay. Một số nước châu Á như Malaysia, Indonesia, Philippines… đang trong quá trình rà soát nội luật; Thái Lan đang đàm phán với các đối tác
liên quan về lộ trình triển khai thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

Về đánh giá tác động, theo nhận định của UNCTAD và một số cơ quan tư vấn quốc tế, việc áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ có tác động quan trọng đối với môi trường và chính sách đầu tư quốc tế. Trong đó, một số lợi ích đối với các quốc gia bao gồm: (i) Khả năng tăng nguồn thu thuế của các nước tiếp nhận đầu tư thông qua khoản thuế thu thêm từ các tập đoàn, nhà đầu tư (dự báo mức tăng thu nhập từ thuế mà các công ty đa quốc gia trả cho các nước tiếp nhận đầu tư là khoảng 15%); (ii) Đem lại khoản thu cho nước có doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nhờ cơ chế thu thuế bổ sung từ các công ty đa quốc gia[22]; (iii) Bảo đảm tính minh bạch và hài hòa trong chính sách thu hút FDI của các nước và hoạt động đầu tư nước ngoài của các công ty đa quốc gia.

Mức thuế mới dự kiến cũng đem lại một số thách thức đối với hoạt động đầu tư nước ngoài bao gồm: (i) Một số ngành, lĩnh vực đầu tư có thể chịu tác động tiêu cực, trong đó UNCTAD dự báo đầu tư xuyên biên giới vào tài sản sản xuất có thể giảm 2% trong thời gian tới; (ii) Thách thức đối với các nước đang phát triển trong việc cải cách, điều chỉnh các chính sách thuế do hạn chế về năng lực kỹ thuật và các cam kết quốc tế có thể cản trở các chính sách tài khóa hiệu quả; (iii) Không loại trừ khả năng diễn ra sự điều chỉnh, phân bổ lại các hoạt động đầu tư nước ngoài, một số nước đang phát triển không thể tiếp tục sử dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp để thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, UNCTAD khuyến nghị tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển để thực hiện các cải cách tài khóa phù hợp; nghiên cứu cơ chế hoàn trả các khoản lợi nhuận tăng thêm mà các nước chủ nhà phát triển thu được cho các nước chủ nhà đang phát triển.

5. Một số tác động đối với Việt Nam

Biến động của dòng vốn FDI toàn cầu và xu hướng điều chỉnh chính sách đầu tư của các nước và các tập đoàn, công ty đa quốc gia đã và đang tác động đến kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2022 và thời gian tới. Sự gia tăng cạnh tranh của các nước trong khu vực nhằm thu hút FDI, nhất là nguồn FDI chất lượng cao nhằm phục vụ tái cơ cấu kinh tế cũng đang đặt ra những thách thức đối với thu hút FDI của nước ta.

Mặt khác, ta có những lợi thế quan trọng trong thu hút nguồn FDI chất lượng cao như: (i) vị trí địa lý đặc thù, cầu nối giữa các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và Đông Nam Á, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư chuyển dịch sản xuất, kinh doanh; (ii) mạng lưới đối tác FTA sâu rộng, bao gồm một số FTA “thế hệ mới” có sự tham gia của nhiều quốc gia cung cấp FDI chất lượng cao (như các nước EU, Nhật Bản, Canada…)[23]. Đây là những lợi thế đặc thù ta có thể tận dụng, bên cạnh các yếu tố về tiềm năng tăng trưởng, môi trường chính trị – xã hội ổn định, các chính sách và biện pháp ưu đãi đầu tư…

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và với các xu hướng FDI trên thế giới, trong thời gian tới ta cần tiếp tục tận dụng các cơ hội nhằm thu hút nguồn FDI chất lượng cao và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Kinh nghiệm của một số nước bao gồm nghiên cứu điều chỉnh chính sách đầu tư tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh (thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý đầu tư); đẩy mạnh thu hút FDI gắn kết với các mục tiêu phát triển bền vững; tiếp tục nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, bao gồm các hoạt động thu hút, vận động đầu tư của các nước đối tác FTA và các tập đoàn đa quốc gia.

Theo đánh giá của một số cơ quan tư vấn quốc tế, bên cạnh các tác động chung như với các quốc gia khác, việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức với Việt Nam với tư cách vừa là nước tiếp nhận đầu tư, vừa đang đẩy mạnh đầu tư ra bên ngoài.

Một số cơ hội bao gồm: (i) Tăng nguồn thu ngân sách từ tăng thu thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam[24], đồng thời thu thêm thuế từ các công ty Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở đánh thuế chênh lệch giữa thuế suất hiệu quả mà công ty Việt Nam phải nộp ở nước ngoài và mức tối thiểu 15%; (ii) Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, giảm thiểu khoảng cách về quy định nội luật và quốc tế, trong đó bao gồm đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia về đầu tư, cơ chế lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực, phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Một số thách thức bao gồm: (i) Tác động đến các biện pháp ưu đãi thuế và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài[25], cũng như ảnh hưởng tới quyết định mở rộng đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu mang tính dẫn dắt ngành; (ii) Thách thức về chuyển đổi mô hình kinh tế, phát triển công nghiệp quốc gia; tăng rủi ro vĩ mô trong lĩnh vực xuất khẩu, dự trữ ngoại hối…[26]; (iii) Thách thức kỹ thuật trong triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhất là khâu thu thập thông tin, phối hợp với quốc gia có trụ sở của công ty mẹ trong việc tính phần thu nhập chịu thuế, áp dụng các tiêu chí kỹ thuật (tính mức thuế suất hiệu quả, mức thuế suất bổ sung,…); thể chế hóa các quy định bảo đảm vừa tuân thủ các cam kết quốc tế, vừa hài hòa, phù hợp với luật pháp của Việt Nam./.

(Phương Thúy)

[1] Tổng giá trị M&A xuyên biên giới đạt 728 tỷ USD năm 2021, tăng 53% so với năm 2020. Giá trị M&A trong lĩnh vực dịch vụ đạt 461 tỷ USD và công nghiệp số đạt mốc kỷ lục 136 tỷ USD, tăng 69% so với năm 2020.

[2] Singapore đi đầu về thu hút FDI trong khu vực trong năm 2021, chiếm hơn 56% tổng lượng FDI tiếp nhận thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ cao và dự án sản xuất chip bán dẫn.

[3] Một số nước có lượng vốn FDI ra bên ngoài tăng trên 50% như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

[4] Từ đầu năm 2022 tới nay đã có 56 nước thực hiện nâng lãi suất, trong đó 43 nước nâng lãi suất với biên độ từ 0,25% tới 1%; 13 nước nâng biên độ từ 1% trở lên. Chỉ 8 nước điều chỉnh giảm lãi suất, trong đó có Nga.

[5] Báo cáo của Tập đoàn kiểm toán Pwc (2022).

[6] Tính đến tháng 5/2022, có 9/11 nước ASEAN tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất. Hai nước Malaysia và Philippines tiến hành nâng lãi suất thêm 0,25% so với giai đoạn trước đó.

[7] Với trọng tâm thu hút FDI gắn với chuyển đổi số, các nước ASEAN được dự báo có khả năng thu hút khoảng 14 tỷ USD vốn FDI/năm trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông từ nay đến năm 2025.

[8] Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF, tháng 1/2022.

[9] Báo cáo định hình chuỗi giá trị toàn cầu dưới tác động của Covid-19 của WB (2022).

[10] Tháng 12/2021, Trung Quốc thành lập Tập đoàn đất hiếm Trung Quốc (CREG) trên cơ sở hợp nhất các đơn vị thuộc China Minmetals Corp., Aluminum Corp. of China và Ganzhou Rere Earth Group Co. CREG sản xuất khoảng 40% lượng đất hiếm của Trung Quốc.

[11] Khảo sát của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc (4/2022) cho thấy gần một phần tư số công ty Châu Âu (23%) đang có ý định thoái vốn đầu tư khỏi Trung Quốc do chịu ảnh hưởng từ các biện pháp phòng chống dịch. Các khu vực có thể chuyển vốn thay thế Trung Quốc là Châu Âu (19%), Châu Á – Thái Bình Dương (18%), Đông Nam Á (16%); Bắc Mỹ và Nam Á chỉ tương ứng 12% và 11%.

[12] Trên thực tế, FDI vào Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng lên 74,47 tỷ USD (tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó vốn đầu tư từ Mỹ tăng trên 50%, từ Đức tăng trên 80%.

[13] Đánh giá của S&P Global Ratings.

[14] Khuôn khổ này được thiết lập vào năm 2016 nhằm tạo cơ chế để các bên tham gia thảo luận, đóng góp việc xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận. Đến nay, đã có hơn 135 thành viên, bao gồm các nước và các tổ chức quốc tế, tham gia Khuôn khổ.

[15] Ngưỡng doanh thu tại báo cáo tài chính hợp nhất, đã tính tới các trường hợp sáp nhập và chia tách.

[16] Bao gồm công ty mẹ, các công ty thứ cấp mà công ty mẹ có vốn cổ phần, các công ty con tại các nước tiếp nhận đầu tư.

[17] Bao gồm quốc gia đặt trụ sở công ty mẹ và  các quốc gia đặt trụ sở các công ty con.

[18] STTR cho phép nước nguồn phát sinh thu nhập (thường là nước tiếp nhận đầu tư) được quyền đánh thuế ở mức tối thiểu 9% đối với các khoản thanh toán cho bên liên kết đang chịu thuế dưới 9%.

[19] IIR cho phép nước đặt trụ sở công ty mẹ (hoặc các công ty con nắm vốn thứ cấp) thu thuế bổ sung đối với các khoản thu nhập chưa chịu thuế theo STTR lên tới đủ 15%. Số thuế bổ sung tại từng quốc gia liên quan được tính căn cứ trên Thuế suất hiệu quả (ETR), Mức thu nhập của các công ty con thứ cấp, Số thuế bổ sung của kỳ trước vào kỳ thuế hiện hành, Thuế bổ sung nội địa theo nội luật.

[20] UTPR là nguyên tắc bổ sung cho IIR, chỉ áp dụng trong trường hợp IIR không được áp dụng/ không được áp dụng toàn bộ. UTPR nhằm rà soát, bảo đảm các khoản thu nhập chịu thuế còn lại của các công ty trong hệ thống (chưa được áp dụng theo STTR và IIR) phải bị đánh thuế đủ 15%.

[21] Ví dụ các nước EU vừa qua chưa đạt đồng thuận về văn bản pháp luật liên quan đến mức thuế này.

[22] Tính thuế bổ sung (top-up tax) theo nguyên tắc UTPR.

[23] Trong các nước Đông Nam Á, chỉ Việt Nam và Singapore đã ký FTA có các điều khoản “thế hệ mới” với EU.

[24] Trong trường hợp này, Việt Nam là nước có trụ sở công ty mẹ.

[25] Thuế suất phổ thông tại Việt Nam hiện là 20%; tuy nhiên đối với những nhà đầu tư (công ty con) đang được hưởng ưu đãi thuế 0%, 5%, 7,5%, 10%,… hoặc hưởng mức thuế hiệu quả dưới 15% thì công ty mẹ sẽ phải nộp phần thuế bổ sung tại nước đặt trụ sở chính, gián tiếp giảm tác dụng của các ưu đãi tại Việt Nam.

[26] Đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp nước ngoài đóng góp đáng kể trong chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực trong nước, xây dựng các hệ sinh thái về ngành, kết nối và đưa doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu và dự trữ ngoại hối,…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here