Tình hình quản lý và sử dụng vốn ODA tại Việt Nam

0
134

 

1. Trong suốt hơn hai thập kỷ qua, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã là một trong những nguồn lực góp phần phát triển kinh tế Việt Nam. Mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn, khoảng 3-4% GDP của Việt Nam, song ODA là nguồn vốn bổ sung cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ và là chất xúc tác cho các nguồn vốn đầu tư khác như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư của khu vực tư nhân, và hỗ trợ tích cực việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. ODA đã đóng góp 12-15% tổng vốn đầu tư  phát triển để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế  trên các lĩnh vực giao thông, năng lượng điện, thủy lợi, bưu chính viễn thông và cơ sở hạ tầng xã hội hội như y tế, giáo dục và đào tạo, xóa đói giảm nghèo, phát triển thể chế và đào tạo nguồn nhân lực.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các công trình, dự án quan trọng sử dụng vốn vay ODA thời gian qua thì việc giải ngân đã có những cải thiện nhất định. Tính đến cuối năm 2012, tổng vốn ODA giải ngân đạt 37,59 tỷ USD, chiếm trên 66,92% tổng vốn ODA ký kết. Tổng vốn ODA ký kết từ năm 1993 đến 2012 đạt trên 56,05 tỷ USD, chiếm 71,69% tổng vốn ODA cam kết. Trong đó, vốn ODA vay ưu đãi đạt 51,607 tỷ USD và chiếm khoảng 88,4%, vốn ODA không hoàn lại đạt 6,76 tỷ USD và chiếm khoảng 11,6%.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cam kết vốn của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam trong năm 2012 vẫn đạt mức 7,386 tỷ USD. Trong năm 2012 đã có 143 điều ước quốc tế về ODA được ký kết với tổng giá trị 5,8 tỷ USD, bao gồm 5,452 tỷ USD vốn vay và 347 triệu USD viện trợ không hoàn lại. Tổng vốn ODA giải ngân trong năm 2012 đạt 4,183 tỷ USD (vốn vay: 3,192 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại: 270 triệu USD). Trong 6 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã giải ngân được 2,2 tỷ USD vốn ODA, tăng 10% so với cùng kỳ 2012. Giải ngân vốn ODA liên tục tăng cao nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cấp, các ngành.

Các nhà tài trợ chính của Việt Nam: hiện có 51 nhà tài trợ, bao gồm 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương đang hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Trong giai đoạn 1993-2013, Ngân hàng Thế giới là nhà tài trợ đa phương lớn nhất cho Việt Nam với 20,102 tỷ USD ODA cam kết, tiếp theo là Ngân hàng Phát triển châu Á (14,239 tỷ USD). Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam. Năm 2013, Nhật Bản cam kết tài trợ cho Việt Nam  1,395 tỷ USD ODA.

2. Các giải pháp tăng cường sử dụng nguồn vốn ODA

Trên cơ sở các giải pháp vĩ mô tăng cường hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, để bảo đảm thực hiện thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi của các nhà tài trợ, trong đó có sự hỗ trợ quan trọng của nguốn vốn WB trong thời kỳ 2011-2015 và sau 2015 thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và  tái cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam chủ trương thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau đây:

Hoàn thiện thể chế và cải thiện quy trình, thủ tục hành chính: Hoàn thiện khung khổ thế chế và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện khung khổ thể chế quản lý và sử dụng nguồn vốn tài trợ phát triển, bao gồm: Ban hành Luật Đầu tư công để đảm bảo quản l‎ý đồng bộ, thống nhất và hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; Ban hành Nghị định mới của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA; Rà soát và cải thiện thủ tục hành chính, quản lý tài chính đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt là các quy trình, thủ tục liên quan tới giải ngân, thanh quyết toán, kiểm toán, chuyển giao công trình,…

Phát huy vai trò làm chủ của phía Việt Nam: Phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ lựa chọn các chương trình, dự án, thiết kế nội dung các chương trình và dự án tài trợ, cũng như việc tổ chức thực hiện phù hợp với  nhu cầu, thực tế và những chính sách,  quy định của Việt Nam và nhà tài trợ.

Minh bạch hóa và hài hòa hóa các quy trình và thủ tục tài trợ:Phối hợp với các nhà tài trợ công khai hóa và có những hướng dẫn cần thiết về quy trình và thủ tục, điều kiện cung cấp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; hài hòa hóa và giải quyết những sự khác biệt giữa các quy trình và thủ tục của nhà tài trợ và những quy định quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan tới quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và  vốn vay ưu đãi  của nhà tài trợ.

Thúc đẩy giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các chương trình và dự án: Phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ trên cơ sở song phương hoặc nhóm các nhà tài trợ tổ chức kiểm điểm định kỳ tình hình thực hiện chương trình và dự án, phát hiện và cùng với nhà tài trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc để đẩy nhanh công tác chuẩn bị, thực hiện chương trình, dự án và thúc đẩy giải ngân vốn tài trợ; hoàn thiện và nâng cao vai trò và hiệu quả trong công tác điều phối tài trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về ODA ở các cấp.

Tăng cường năng lực quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi  của các nhà tài trợ: Xây dựng và thực hiện kế hoạch trung hạn về tăng cường năng lực thiết kế nội dung các chương trình và dự án tài trợ, công tác thẩm định và quản lý thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi  ở các cấp; tăng cường năng lực quản lý dự án cho các cán bộ liên quan tới quản lý dự án tài trợ ở các cấp và các ban quản lý dự án.

Tăng cường công tác giám sát và đánh giá, trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ: phối hợp với nhà tài trợ giám sát và đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án và nguồn vốn tài trợ; tăng cường minh bạch hóa thông tin quản lý, thực hiện và sử dụng nguồn vốn này./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here