Kinh tế Phần Lan tiếp tục đà tăng trưởng 2,4% trong tháng 2 và 3/2018, lạm phát được giữ khá ổn định ở mức 0,6-0,7 %, tỷ lệ thất nghiệp 8%, xuất khẩu tăng khoảng 5% và được dự báo sẽ giữ mức tăng này trong cả năm 2018- 2019.
Theo khảo sát gần đây nhất của OECD, GDP bình quân đầu người của Phần Lan đã vượt khá xa so với mức trung bình của OECD, nhưng thấp hơn đáng kể so với ở Đan Mạch, Đức và Thụy Điển. Điều này phản ánh sự khác biệt về năng suất và sử dụng lao động. Dân số già đi nhanh chóng làm giảm nguồn cung nhân lực và gây áp lực lên tài chính công. Do đó, tăng trưởng trong tương lai và phúc lợi sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ việc làm cao hơn và tăng năng suất, cả trong khu vực tư nhân và công cộng.
Chính phủ Phần Lan đã và đang áp dụng nhiều biện pháp cải cách liên quan đến thị trường lao động như áp dụng Luật về cạnh tranh, phân cấp trên thị trường lao động, giảm thời gian trợ cấp thất nghiệp gắn với lộ trình tìm kiếm việc làm, mở rộng các chương trình đào tạo nghề và kỹ năng cho người thất nghiệp.
Kinh tế toàn cầu và khu vực đồng Euro gần đây phát triển thuận lợi. Trong khu vực đồng Euro, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp giảm, lạm phát ổn định ở mức thấp. Theo một số nhà nghiên cứu kinh tế Phần Lan, yếu tố bất ổn là chính sách kinh tế không rõ ràng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể tác động không thuận đến đà tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Một yếu tố gây lo ngại là Euro đã tăng khoảng 15% so với đô la Mỹ và gần 10% trên cơ sở thương mại trong 12 tháng qua. Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ đã giảm 10% buộc Mỹ phải thực hiện cắt giảm thuế và cải cách. Điều này dẫn đến việc hàng hóa sản xuất trong khu vực Eurozone kém cạnh tranh hơn một năm trước, trong khi các nhà xuất khẩu ở Mỹ, một đối thủ cạnh tranh chính của Eurozone, được hưởng lợi từ việc giảm giá tiền tệ và từ việc giảm thuế cạnh tranh. Có khả năng các nước EU sẽ phối hợp áp dụng một số biện pháp nhằm điều chỉnh tỷ giá Euro-USD để hạn chế các tác động từ việc điều chỉnh chính sách thương mại của Mỹ.
(ĐSQVN tại Phần Lan)