– Ngày 07/01, Ngân hàng Trung ương Israel (BOI) đã giữ nguyên lãi suất ở mức 4,5% lần thứ tám liên tiếp. Lý do được viện dẫn là sự cải thiện về tình hình an ninh và khả năng ngân sách năm 2025 được thông qua đã giúp giảm thiểu các khoản phí bảo hiểm rủi ro. BOI cũng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 sẽ tăng lên mức 4%, và lạm phát giảm nhẹ xuống 2,6% với sự tăng giá của đồng Shekel. Thâm hụt ngân sách chính phủ trong năm 2025 cũng được dự báo giảm từ 4,9% xuống 4,7% GDP.
– Ngày 13/01, Bộ Tài chính Israel báo cáo thâm hụt ngân sách của Chính phủ Israel đã lên tới 136,2 tỷ NIS (khoảng 37 tỷ USD), tương đương 6,9% GDP. Dù mức thâm hụt 3 tháng cuối năm đã giảm và thấp hơn mức trần đã sửa đổi là 7,7% được Knesset phê duyệt vào cuối tháng 11, song đây vẫn là mức thâm hụt cao nhất trong 1 năm kể từ sau đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Trong suốt năm 2024, thâm hụt tăng lên mỗi tháng và đạt đỉnh là 8,6% vào tháng 9. Tuy nhiên sau đó, thâm hụt ngân sách đã dần thu hẹp, nguyên nhân là do mức thu từ thuế đã tăng và thay đổi cách tính thâm hụt của nhà nước.
– Ngày 14/01, chuyên gia ngân hàng Hapoalim cho biết việc đồng Shekel của Israel mạnh lên gần đây liên quan đến những tiến triển của thỏa thuận con tin và ngừng bắn ở Gaza. Tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng Shekel (NIS) đã giảm 1,07% xuống còn 3,6328 NIS/S, tổng cộng giảm 3,5% trong ba tháng qua. Dù vậy, mức phí bảo hiểm vẫn ở mức cao, với trái phiếu chính phủ Israel được định giá tương tự như trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín dụng ở mức khá (BBB).
– Ngày 25/12, báo cáo từ Bộ Tài chính Israel cho biết dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Israel trong nửa đầu năm 2024 đạt 11,8 tỷ USD, tăng mạnh so với 7,2 tỷ USD cùng kỳ năm 2023 (không tính khoản đầu tư đặc biệt 15 tỷ USD của Intel). Năm 2023, dòng vốn chịu ảnh hưởng từ bất ổn chính trị do kế hoạch cải cách tư pháp, cùng với chiến tranh kéo dài từ tháng 10/2023, gây thiệt hại kinh tế và làm giảm 29% đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù vậy, tổng vốn đầu tư năm 2023 vẫn đạt 32,9 tỷ USD, tăng 40% so với 2022 nhờ giao dịch lớn từ Intel. Trong đó, 48% vốn tập trung vào ngành bán dẫn, 31% vào công nghệ thông tin, và 6% vào khoa học đời sống. Mỹ dẫn đầu với 24 tỷ USD đầu tư, tiếp theo là Pháp, Ấn Độ và Anh. Dù đối mặt với nhiều thách thức, Bộ Tài chính kỳ vọng môi trường an ninh, chính trị cải thiện sẽ thúc đẩy tăng trưởng đầu tư trong tương lai.