1. Tình hình và chính sách tài chính, tiền tệ
Trong tháng qua, đồng Rupee ghi nhận mức giá thấp nhất 74,27 rupee đổi 1 USD (ngày 22/12/2020). Ngày 14/01/2021, đồng Rupee đạt mức cao nhất 73,08 rupee đổi 1 USD. Đồng Rupee tăng giá do một số nguyên nhân: kỳ vọng từ việc chính phủ cấp phép khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid19; các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ tiền vào thị trường chứng khoán và thị trường nợ trong nước; sự suy yếu tương đối của đồng USD trong bối cảnh lo ngại về đà phục hồi tăng trưởng toàn cầu do gia tăng ca nhiễm.
Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ tiếp tục tăng, trong tuần kết thúc vào ngày 15/01/2021, mức cao kỷ lục 586,1 tỷ USD đã được ghi nhận. Việc dự trữ ngoại hối của Ấn Độ liên tục tăng trong những tháng gần đây được giải thích do nhập khẩu giảm giúp cán cân vãng lai thặng dư, giúp tiết kiệm được nguồn ngoại hối. Nhập khẩu giảm chủ yếu bởi: (1) nhập khẩu dầu thô giảm mạnh do mặt hàng nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu của Ấn Độ nhưng các nhu cầu và giá dầu thô đều ở mức thấp; (2) nhập khẩu hàng điện tử vào Ấn Độ cũng giảm; (3) tác động của chính sách thay thế nhập khẩu của chính phủ Aatmanirbar Bharat Abhiyan (Sáng kiến Ấn Độ tự lực). Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng manh, cả dưới hình thức đầu tư trực tiếp lẫn danh mục đầu tư. Tập đoàn công nghệ lớn của thế giới, bao gồm Google và Facebook, đã mua lại cổ phần của một số công ty Ấn Độ gần đây.
Thị trường chứng khoán Ấn Độ tiếp tục đà tăng. Ấn Độ tăng hai bậc vào năm 2020 để chiếm vị trí thứ tám trong số các thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới khi cổ phiếu chứng khoán bùng nổ với hy vọng kinh tế phục hồi nhanh chóng. Thị trường Ấn Độ vượt mốc vốn hóa thị trưởng 2,5 nghìn tỷ USD lần đầu tiên vào ngày 28/12/2020.
Về GDP, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ sẽ chịu mức suy giảm 9,6% trong năm tài khóa 2020-2021 và sau đó có khả năng tăng trưởng 5,4% trong năm 2021, 2022.
2. Tình hình xuất nhập khẩu của Ấn Độ
Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, từ tháng 4 đến tháng 12 năm tài khóa 2020-2021, Ấn Độ dự kiến có thặng dư thương mại ở mức 5,22 tỷ USD với mức xuất khẩu 348,49 tỷ USD (giảm 12,65% so với cùng kỳ) và nhập khẩu 343,27 tỷ USD (giảm 25,86% so với cùng kỳ).
Ba nhóm hàng hóa xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ là các sản phẩm dầu mỏ (15,36 tỷ USD), thuốc và chế phẩm sinh học (12,42 tỷ), đá quý trang sức (9,63 tỷ). Về nhập khẩu, dầu thô đứng đầu ở mức 31,21 tỷ, tiếp theo là chế phẩm dầu mỏ và vàng, lần lượt ở mức 12,06 và 12,30 tỷ USD. Trung Quốc, Mỹ, UAE và Hongkong tiếp tục nằm trong nhóm đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ.
3. Quan hệ kinh tế Ấn Độ với Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 12/2020, Việt Nam xuất sang Ấn Độ trị giá 473,3 triệu USD, chủ yếu là máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện; nhập từ Ấn Độ trị giá 420,25 triệu USD, chủ yếu là sắt thép các loại, linh kiện phụ tùng ô tô và máy móc thiết bị dụng cụ. Tính cả năm, Việt Nam xuất trị giá 5,24 tỷ USD và nhập từ Ấn Độ 4,44 tỷ USD, tổng kim ngạch là 9,7 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Thương mại Án Độ, tháng 10/2020, Án Độ xuất 381,7 triệu USD, giảm 24,56% so với cùng kỳ; tính từ thăng 4-10/2020, con số này là 2,6 tỷ USD, giảm 14,31%. Ấn Độ nhập 624,3 triệu USD, tăng 3,93% so với cùng kỳ; tính cộng dồn từ đầu năm tài khóa (năm tài khóa của Ấn Độ tính từ 1/4/2020-31/3/2021), con số này là 3,1 tỷ USD, giảm 36,76%.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)