Tình hình và chính sách tài chính – tiền tệ
Trong tháng vừa qua, đồng Rupee ghi nhận mức giá cao nhất là 70,9 rupee đổi 1 USD vào ngày 13/9 và mức thấp nhất là 72,3 rupee đổi 1 USD vào ngày 3/9. Các nhà phân tích cho biết đồng Rupee trong năm nay đã giảm hơn 2% so với đồng USD và sẽ tiếp tục trong tình trạng không ổn định thời gian tới, đặc biệt từ sau cuộc tấn công nhằm vào nhà máy sản xuất dầu của Ả-rập Xê-út ngày 14/9 khiến giá dầu tăng cao nhất trong vòng 4 tháng qua. Đối với Ấn Độ, một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, việc giá dầu tăng tới 20% trong ngày 16/9 (mức tăng cao nhât kê từ Chiên tranh vùng Vịnh năm 1991) làm tăng thâm hụt thương mại của Ấn Độ lên khoảng 1,5 tỷ USD mỗi tháng và đẩy lạm phát giá tiêu dùng tăng 0,3%.
Ngày 30/8, Ấn Độ đã công bố tốc độ tăng trưởng 5% trong quý I năm tài khoá 2019-2020, thấp hơn mức dự đoán 5,7% được đưa ra trước đó. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 6 năm qua của quốc gia này. Các ngành sản xuất, tài chính, bảo hiểm và bất động sản đã trải qua mức tăng trưởng thấp. Vào ngày 12/9, trước thông tin này, người phát ngôn của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF Gerry Rice đã cho rằng tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với dự báo chủ yếu là do tính lỏng lẻo trong các quy định về doanh nghiệp và môi trường cũng như hoạt động yếu kém của một số công ty tài chính phi ngân hàng.
Trước tình hình đó, cũng trong ngày 30/8, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Sitharaman đã tuyên bố sáp nhập 10 ngân hàng công Ấn Độ thành 4 ngân hàng với mong muốn tạo ra những ngân hàng có quy mô lớn, tăng khả năng cho vay, tạo động lực cho phát triển doanh nghiệp. Đây là lần sáp nhập ngân hàng công thứ 3 liên tiếp của Ấn Độ kể từ năm 2017.
Ngày 14/9, Chính phủ Ấn Độ ban hành một gói tín dụng trị giá 10 tỷ USD chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu và bất động sản. Để khuyến khích xuất khẩu, Bộ trưởng Tài chính Sitharaman công bố chương trình hoàn thuế mới với tên gọi “huỷ bỏ nghĩa vụ thuế đối với hàng xuất khẩu” (RoDTEP) trị giá khoảng 7 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cũng cung cấp một gói tín dụng thường niên trị giá 236 triệu USD để Công ty bảo lãnh tín dụng xuất khẩu (ECGC) cung cấp bảo hiểm cao hơn cho các ngân hàng cho vay vốn lưu động phục vụ xuất khẩu. Các biện pháp khác hỗ trợ xuất khẩu gồm hoàn trả tín dụng thuế đầu vào, kế hoạch hành động để giảm thời gian xuất khẩu và chương trình làm việc với các nhà xuất khẩu để sử dụng thuế suất ưu đãi ứong các FTA mà Ấn Độ đã ký. Trong lĩnh vực bất động sản, một quỹ hỗ trợ trị giá 2,8 tỷ USD được thành lập để cung cấp vốn cho các dự án nhà ở có đủ điều kiện hoặc đang bị toà án xem xét việc phá sản. Bà Sitharaman hy vọng quỹ này sẽ hỗ trợ cho 350 nghìn người có nhu cầu về nhà ở.
Ngày 20/9, nằm trong các biện pháp nhằm cải thiện kinh tế Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Sitharaman công bố cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 30% xuống 22%, thuế suất hiệu lực sau khi bao gồm các loại thuế khác là 25,2%, truy tính từ ngày 1/4/2019. Với các doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 01/10, mức thuế áp dụng là 15%, thuế suất hiệu lực là 17.01%. Với mức thuế mới, Ấn Độ sẽ có thuế doanh nghiệp tương đương với một số nước trong khu vực châu Á như Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc (25%).
Tình hình xuất nhập khẩu của Ấn Độ
Xuất khẩu hàng hoá của Ấn Độ vào tháng 8 giảm 6,05%, đạt mức 26,13 tỷ USD chủ yếu do sự sụt giảm trong những lĩnh vực quan trọng như dầu mỏ, da, đá quý và trang sức. Đây là lần giảm xuất khẩu thứ 2 trong năm tài khoá 2019- 2021. Xuất khẩu Ấn Độ đã giảm tổng cộng 1,53% trong 5 tháng đàu tiên của năm tài khoá này xuống còn 133,54 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập khẩu cũng giảm tháng thứ ba liên tiếp, xuống mức mức 39,58 tỷ (giảm 13,45%). Tổng nhập khẩu trong 5 tháng giảm 5,68% xuống còn 206,39 tỷ USD. Thâm hụt thương mại trong tháng 8 thu hẹp ở mức 13,45 tỷ USD.
Theo dữ liệu của Chính phủ, tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Ẩn Độ chỉ đạt mức 4,3% trong tháng 7/2019. Xuất khẩu đá quý và đồ trang sức tiếp tục giảm, chỉ còn 2,84 tỷ USD – giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia đá quý và đồ trang sức lý giải sự sụt giảm này là do Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu đối với kim cương cắt và đánh bóng từ 2,5% lên 7,5%. Xuất khẩu dầu từ các loại hạt giảm 73% trong tháng 8, chỉ còn 98,8 nghìn tấn. Tổng xuất khẩu dầu hạt từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2019 giảm xuống còn 1,01 triệu tấn so với 1,32 triệu tấn cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 8, nhập khẩu dầu giảm 8,9% xuống còn 10,88 tỷ USD và nhập khẩu phi dầu mỏ giảm 15%, xuống còn 28,71 tỷ USD. Mặc dù mùa lễ hội đang đến gần nhưng nhập khẩu vàng đã giảm 62,48% xuống còn 1,36 tỷ USD trong bối cảnh thuế nhập khẩu vàng tăng từ 10% lên 12,5%. Thêm vào đó, giá vàng tăng cao khiến nhập khẩu vàng trong tháng 8 giảm 73%, chỉ còn 30 tấn Đây cũng là mức nhập khẩu vàng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Quan hệ kinh tế Việt Nam-Ấn Độ
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 8/2019, giá trị hàng Việt Nam xuât khẩu sáng Ấn Độ trị giá 675,9 triệu USD, chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và các loại linh kiện điện tử. Nhập khẩu trị giá 373,1 triệu USD, chủ yếu là đá quý, kim loại quý, máy móc, thiết bị, và các thiết bị phụ tùng khác. Trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch song phương đạt 7,55 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 4,74 tỷ USD giá trị hàng hoá sang Ấn Độ và nhập khẩu 2,81 tỷ USD giá trị hàng hoá từ quốc gia này.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2019, xuất khẩu của Ẩn Độ sang Việt Nam trị giá 1,58 tỷ USD, chủ yếu là các mặt hàng thịt, cá và sắt thép; nhập khẩu 2,9 tỷ USD, chủ yếu là máy móc thiết bị, đồng và các vật dụng từ đồng.
Ngày 31/8, Bộ Công thương Ấn Độ thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang từ nhập khẩu thông thường sang hạn chế nhập khẩu. Quy định được áp dụng ngay từ ngày ký nhưng không kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cấp phép. Theo đó, việc nhập khẩu phải xin cấp phép với Uỷ ban liên Bộ Ấn Độ theo từng lô hàng. Thông báo này của Ấn Độ ngay lập tức làm đình trệ toàn bộ hoạt động sản xuất hương nhang phục vụ xuất khẩu Ấn Độ của Việt Nam với hơn 100 doanh nghiệp và khoảng 25.000 lao động chuyên cung cấp nguyên liệu hoặc trực tiếp sản xuất gia công mặt hàng này.
(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)