Tỉnh Bình Định tiếp tục bứt phá hậu dịch Covid-19

0
1016
TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Bình Định hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ chính sách thu hút đầu tư minh bạch và một hạ tầng kết nối giao thông hoàn chỉnh.

TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Bình Định có quỹ đất lớn, có lợi thế cảng biển quốc tế, có hạ tầng giao thông khá hoàn thiện, thuận lợi cho việc đi lại vận chuyển hàng hóa, là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. Được quy hoạch là trung tâm phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó TP. Quy Nhơn đóng vai trò liên kết đô thị hạt nhân, với chủ trương giao thông đi trước một bước. Bình Định sở hữu đầy đủ các yếu tố thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời là chìa khóa giúp tỉnh bứt phá.

11 tháng Covid-19 và 114 dự án

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định, mặc dù bị ảnh hưởng chung bởi đại dịch Covid-19 nhưng kết quả thu hút đầu tư 11 tháng vào địa phương đạt 114 dự án (bao gồm 111 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 19.453 tỷ đồng và 03 dự án đầu tư nước ngoài có tổn vốn 8,93 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bình Định hiện có 82 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 975,34 triệu USD.

Không giống như các năm trước, trong 11 tháng của năm 2020, do ảnh hưởng của Dịch Covid-19 nên ít hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn tích cực triển khai các hoạt động trọng tâm, như Hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc tại Hà Nội; Phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Trung tổ chức Hội nghị giao ban FDI khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2020; tham gia tập huấn kiến thức đầu tư nước ngoài cho Khu vực miền Trung – Tây Nguyên 2020; phối hợp với KOCHAM cập nhật thông tin về các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam;…

Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, Bình Định đã kịp thời triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Bởi vậy, cùng với kết quả kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong nước vẫn diễn ra tương đối thuận lợi. Bình Định vẫn thu hút các dự án nổi bật và mang tính động lực cao như Dự án công trình khách sạn cao cấp Ngô Mây có tổng vốn đầu tư 1.815,64 tỷ đồng; Khu trung tâm dịch vụ kho bãi Cảng Thị Nại và khu chế biến thủy sản có tổng vốn đầu tư 887 tỷ đồng; Nhà máy chăn nuôi, sản xuất và xuất khẩu thịt, giống gia cầm công nghệ cao 4.0 có tổng vốn đầu tư 537 tỷ đồng; Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp NhơnTân có tổng vốn đầu tư 104,54 tỷ đồng…

Và chỉ riêng 4 tháng gần đây, sự có mặt của các doanh nghiệp lớn nước ngoài đến tìm hiểu và mong muốn rót vốn vào tỉnh như Mitsubishi (Nhật Bản), PNE (Đức), Cammsys (Hàn Quốc)… hứa hẹn tạo nên những “cú hích” mới cho bức tranh thu hút vốn đầu tư vào Bình Định.

Thời điểm chín muồi để thu hút đầu tư

Sự đột phá của hạ tầng đã kéo theo làn sóng đầu tư, trong đó đáng chú ý là sự có mặt của nhiều đại gia địa ốc, họ không ngừng rót hàng ngàn tỷ đồng vào đầu tư các dự án lớn tại vùng đất này. Tiên phong trong làn sóng đầu tư vào du lịch là FLC, khởi đầu bằng dự án FLC Quy Nhơn. Sự có mặt của Tập đoàn Hưng Thịnh với “đại bản doanh” hơn 1.000 ha qua hình thức mua bán – sáp nhập (M&A). Tiếp theo, mảnh đất này cũng được chứng kiến hàng loạt nhà đầu tư tên tuổi mạnh tay đầu tư vào các dự án tiềm năng như: Phát Đạt, TNG, Capital House, Xuân Cầu…

Những dự án hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư, đã góp phần thay đổi diện mạo Quy Nhơn – Bình Định như Khu đô thị Nhơn Hội New City, Khu đô thị Green Complex City, Khu đô thị Quy Nhơn New City… Đặc biệt, việc Tập đoàn Becamex đã quyết định đầu tư Khu công nghiệp – đô thị Becamex tại Nhơn Hội với quy mô gần 1.500 ha chính là cú huých lớn về lĩnh vực hạ tầng hướng Tây, giúp Bình Định hoàn thiện hạ tầng đẳng cấp như hiện nay.

Kế hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển và kinh tế biển. Quy Nhơn nói chung, Khu kinh tế Nhơn Hội nói riêng được định hướng trở thành trung tâm kinh tế của vùng và quốc gia trên tuyến Hành lang kinh tế xuyên Á, Đông – Tây và Bắc – Nam với hạ tầng giao thông kết nối Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19 và tuyến cao tốc Bắc – Nam.

Hạ tầng đồng bộ và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng đã tác động rất lớn đến sự phát triển của Bình Định, dòng tiền đổ vào lĩnh vực du lịch, trung tâm giải trí tăng mạnh, hiện đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Thực tế đã có nhiều dự án khủng từ các doanh nghiệp dẫn đầu trong và ngoài nước tập trung về Bình Định như FLC, TMS Group, Hưng Thịnh, Phát Đạt và một số tập đoàn đa quốc gia… Hiện Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Định đã thu hút 325 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 91.000 tỷ đồng, trong đó có 33 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 500 triệu USD; tạo việc làm cho hơn 17.000 lao động và nộp ngân sách hàng năm hơn 1.000 tỷ đồng.

Với việc Chính phủ quyết định nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát, tạo cơ hội cho địa phương rộng cửa đón các nhà đầu tư. Có thể nói, Bình Định đang ở trong thời điểm chín muồi để thu hút đầu tư khi hội đủ các yếu tố giúp thị trường phát triển bền vững.

Cú hích từ những dự án động lực

Sự kiện khởi công đại dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định tại tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh vào cuối tháng 9 vừa qua của Công ty Becamex Bình Định và sự kiện khai trương Công viên Sáng tạo TMA tại Khu Đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa được xem là bước ngoặt quan trọng mở ra triển vọng lớn trong việc tạo động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh Bình Định phát triển.

Công nghiệp – Xây dựng vẫn là lĩnh vực được các nhà đầu tư ưu tiên đầu tư,chiếm tỷ trọng cao nhất với 50% so với các lĩnh vực đầu tư khác; lĩnh vực Nông – Lâm – Thủy là lĩnh vực đặc thù của tỉnh do đó tỷ trọng đầu tưđạt 34%; do tác động của dịch bệnh nên lĩnh vực Du lịch – Thương mại chịu nhiều tác động nhất, chỉ chiếm 16%.

Về đầu tư nước ngoài, trong 82 dự án FDI tại địa phương, nhiều dự án đi vào hoạt động đã góp phần không nhỏ phát triển kinh tế-xã hội, mang hình ảnh, con người Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng ra thế giới. Bình Ðịnh ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, tập trung mời gọi các nhà đầu tư lớn có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các dự án phụ trợ; chú trọng nhóm nhà đầu tư có công nghệ sạch và công nghệ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, châu Âu và các quốc gia phát triển để đảm bảo môi trường bền vững.

Năm 2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các nhà quản lý của Bình Định cho rằng, đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp tự làm mới mình, các đối tác của Bình Định cần tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp nhạy bén sẽ chuyển trạng thái từ “đóng băng” sang nắm bắt ngay những thời cơ mới để phát triển, thúc đẩy việc nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững hơn của địa phương.

Bình Định đang trở thành điểm sáng về sự minh bạch đối với các nhà đầu tư. Xây dựng cách thức thu hút đầu tư mới được coi là “mũi giáp công” hữu hiệu để Bình Định đón đầu khi dòng vốn FDI dịch chuyển đến Việt Nam hậu Covid-19.

Thùy Dương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here