1. Trung Quốc đồng ý để Venezuela hoãn thanh toán nợ trong năm 2020: Chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro mới đây đã nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc về việc ân hạn các khoản nợ bằng dầu thô trong năm 2020. Ước tính trong 7 tháng đầu năm, Venezuela đã thiệt hại gần 3 tỷ USD (tính theo giá dầu quốc tế) vì không bán được dầu thô.
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Venezuela khi đã cung cấp tới hơn 50 tỷ USD hạn mức tín dụng, khoản vay cuối cùng từ năm 2012 dưới thời cố Tổng thống Hugo Chávez, do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc bảo lãnh. Đến năm 2018, Trung Quốc đã tạm ngừng tính lãi cho Venezuela, tuy nhiên tổng số tiền nợ Venezuela phải trả cho Trung Quốc vẫn còn khoảng 19 tỷ USD và sẽ được trả dần bằng dầu thô. Kể từ đầu năm 2019, Venezuela đã không còn có thể đáp ứng các nghĩa vụ đối với các khoản vay, chủ yếu do các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela và xử phạt các đối tác mua và vận chuyển dầu thô Venezuela, trong đó Công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc CNPC đã phải ngừng mua dầu thô trực tiếp từ PDVSA. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn là một trong những nhà nhập khẩu chính của dầu thô Venezuela, chủ yếu bằng phương thức chuyển hàng từ tàu sang tàu dưới vỏ bọc nguồn gốc dầu thô từ Malaysia.
Đầu tháng 8/2020, Trung Quốc một lần nữa cho phép Venezuela có sự linh hoạt trong thanh toán nợ, đây là kết quả của giai đoạn đàm phán bắt đầu vào tháng 3/2020 do nhu cầu cấp bách của Caracas để tìm kiếm cứu trợ tài chính giữa cuộc khủng hoảng dầu mỏ nghiêm trọng, ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Mỹ và mối đe dọa của đại dịch Covid-19. Thời gian ân hạn sẽ có hiệu lực cho đến tháng 12/2020, sau đó hai bên sẽ đánh giá lại tình hình thực tế tại thời điểm đó. Nếu không được ân hạn, Venezuela sẽ phải thanh toán cho Trung Quốc 3 tỷ USD trong năm 2020 (tương đương 25% giá trị xuất khẩu dầu thô của năm 2019). Thời gian ân hạn này sẽ ngăn Venezuela khỏi cảnh vỡ nợ đối với các thỏa thuận hiện tại trong bối cảnh khủng hoảng doanh thu từ dầu mỏ. Ước tính doanh thu xuất khẩu dầu thô của Venezuela năm 2020 sẽ chỉ đạt tối đã khoảng 4 tỷ USD.
Cũng trong thời điểm này, Chính phủ Ecuador cho biết họ đã được Trung Quốc đồng ý ân hạn các khoản vay với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, cho phép quốc gia Mỹ La tinh này được hoãn thanh toán 417 triệu USD trong vòng một năm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc và Venezuela có lịch sử hợp tác thiết thực lâu dài. Trung Quốc kiên quyết ủng hộ chính phủ Venezuela trong nỗ lực duy trì ổn định quốc gia, phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân.
2. Venezuela mất quyền kiểm soát ba tàu chở dầu vào tay đối tác Trung Quốc: Một liên doanh vận tải biển giữa Venezuela và Trung Quốc đã tan rã sau các lệnh trừng phạt của Mỹ, dẫn đến việc quốc gia Nam Mỹ mất quyền kiểm soát ba tàu chở dầu vào thời điểm họ cần các tầu chở dầu này để vận chuyển dầu thô cho các khách hàng theo thỏa thuận mới là bên bán có trách nhiệm giao hàng.
PetroChina Co Ltd, đối tác của liên doanh giữa PDVSA và CV Shipping Pte Ltd (Singapore) đã nắm quyền kiểm soát 3/4 tàu chở dầu loại lớn của Venezuela với trọng tải 2 triệu thùng/tàu là: Junin, Boyaca và Carabobo. Việc này diễn ra do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với PDVSA khiến các tàu không có bảo hiểm và gây tổn thất hàng triệu USD cho CV Shipping và buộc PetroChina phải phá sản. PDVSA hiện đang cố gắng nỗ lực để giữ lại con tàu thứ 4 là Ayacucho. Tuy nhiên một doanh nghiệp thủy tinh của Mỹ đang đệ đơn lên tòa án Singapore nhằm đạt được một phán quyết trọng tài trị giá 500 triệu USD về tàu chở dầu Ayacucho, lý do là Chính phủ Venezuela đã tịch thu 2 nhà máy sản xuất của họ ở Venezuela vào năm 2010.
Liên doanh vận tải biển nói trên được thành lập vào năm 2008 trong bối cảnh Trung Quốc khan hiếm dầu trầm trọng và nỗ lực đẩy mạnh mối quan hệ với Venezuela dưới thời cựu Tổng thống Hugo Chavez. Mục đích ban đầu của liên doanh là nhằm vận chuyển dầu của Venezuela tới Trung Quốc và một số điểm xuất khẩu khác của họ tại Châu Á.
3 Venezuela gia hạn lệnh cấm bay đến ngày 12/9/2020: Viện Hàng không Dân dụng Quốc gia Venezuela (INAC) mới đây đã thông báo tiếp tục gia hạn lệnh cấm các hoạt động hàng không thêm 01 tháng đến hết ngày 12/9/2020, lệnh cấm này đã phá vỡ kỳ vọng của các hãng hàng không nội địa đang chờ đợi việc Chính phủ sẽ dỡ bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế bay.
INAC tuyên bố mọi hoạt động hàng không đều phải được sự cho phép của các cơ quan Venezuela có thẩm quyền. Tuy nhiên các chuyến bay khẩn cấp, chở hàng và thư tín, các chuyến bay nhân đạo, hồi hương, hạ cánh kỹ thuật hoặc các chuyến bay do LHQ ủy quyền được miễn quy định. Các hành khách tham gia những hoạt động bay nói trên phải tuân thủ quy tắc kiểm dịch dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Chính phủ và phải thực hiện các xét nghiệm y tế.
Hiện nay vẫn có hàng trăm công dân Venezuela đang mắc kẹt tại các sân bay quốc tế khác nhau như Madrid, Santo Domingo,… quan điểm của Chính phủ là hạn chế nghiêm ngặt việc di chuyển bằng đường hàng không nhằm tránh sự lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng tại nước này. Đã có một số chuyến bay nhân đạo đi và đến châu Âu từ Caracas do EU điều phối nhưng không dành cho người dân Venezuela. Các nhà chức trách đã không có bất cứ sự linh hoạt nào trong việc giải quyết đưa công dân Venezuela bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)