1. Số hóa nền kinh tế là điều bất khả thi đối với Venezuela
Trong thông điệp năm mới 2021, Tổng thống Nicolas Maduro hứa hẹn thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số nhằm mục đích phân phối lượng tiền mặt Bolivar (Bs) khan hiếm còn lưu hành trong nước và cho phép các ngân hàng mở tài khoản bằng ngoại tệ, tuy nhiên nhấn mạnh việc thanh toán hoặc rút tiền phải được thực hiện thông qua thẻ ghi nợ (debit card) bằng đồng Bs. Đối với các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện chủ trương này là viển vông trong bối cảnh Venezuela là quốc gia được ghi nhận có tốc độ kết nối Internet chậm nhất thế giới (xếp thứ 175 trên tổng số 176 quốc gia do Speedtest Global Index đánh giá).
Thông điệp của Tổng thống Maduro được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng bị suy giảm năng lực đến mức thấp nhất, bị bóp nghẹt bởi tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên đến 93% do Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) áp đặt. Tình trạng này khiến các tổ chức tài chính không thể cấp các khoản vay cho doanh nghiệp, do đó không có khả năng thu lợi nhuận qua kênh cho vay.
Giám đốc công ty Capital Market Finance, Jesús Casique cho rằng việc triển khai số hóa phương tiện thanh toán không thể phát triển nếu vấn đề cơ bản của siêu lạm phát chưa được kiềm chế. Thực tế cho thấy, quốc gia Nam Mỹ khép lại năm 2020 với siêu lạm phát ở mức 3.713%, ghi nhận 38 tháng lạm phát phi mã và sắp “phá kỷ lục thế giới” của Hy Lạp (với 44 tháng liên tiếp siêu lạm phát).
Theo BCV, lượng tiền mặt trong lưu thông chỉ chiếm 2,5% tổng các giao dịch, đây là mức thấp nhất trong lịch sử nước này. Đồng Bs hiện nay chỉ được sử dụng cho các dịch vụ thu phí giao thông công cộng. Trước thực tế này, Giám đốc điều hành Econométrica, Alejandro Castro chỉ rõ việc số hóa tất cả các khoản thanh toán để người dân không phải sử dụng tiền mặt rất phức tạp, đặt ra bài toán là tất cả các doanh nghiệp đều phải đăng ký máy thanh toán (POS) và ngân hàng phải mở rộng chi nhánh trên toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân, thậm chí ở những nơi xa xôi nhất.
Trong khi đó, Nhà kinh tế học Luis Oliveros lập luận “Kể từ tháng 12/2016, Venezuela đã đối mặt với tình trạng khan hiếm tiền mặt. Mặc dù các giao dịch thanh toán trong nước đã được số hóa khá nhiều, xét trên thực tế, nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng, khiến tiêu dùng giảm mạnh” và kết luận rằng Venezuela không cần thiết triển khai một nền tảng công nghệ lớn khi tốc độ băng thông Internet vẫn còn hạn chế.
2. Đối mặt siêu lạm phát, Venezuela đứng trước nguy cơ đổi tiền
Chủ tịch Học viện Khoa học Kinh tế Quốc gia (ANCE), bà Sary Levy nhận định với tốc độ siêu lạm phát hàng năm, Venezuela có khả năng bỏ 5 số 0 để điều chỉnh mệnh giá đồng nội tệ Bolivar (Bs) nhằm ứng phó với sự mất giá tiền tệ và chỉ rõ các hệ thống thanh toán không thể đáp ứng các giao dịch có nhiều số 0 như hiện nay. Ông Levy giải thích rằng để đô la hóa nền kinh tế, chính quyền Tổng thống Maduro phải đạt được thỏa thuận với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho phép Venezuela quản lý đồng USD. Tuy nhiên, tình hình đối thoại của Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) hiện đang rơi vào bế tắc.
Trong một diễn biến khác, Trung tâm Tài liệu và Phân tích Xã hội Venezuela (CENDAS) công bố giỏ thực phẩm gia đình của tháng 12/2020 đứng mức 323.523.329 Bs (tương đương 294 USD), tăng 30,8% so với tháng 11. Theo số liệu này, chi phí hàng ngày của một người dân gần 10 USD, vượt xa thu nhập tối thiểu hàng tháng của người lao động trong tháng 12 là 1,09 USD. CENDAS cũng chỉ rõ các mặt hàng trong giỏ thực phẩm gia đình ghi nhận mức tăng từ 2.000 – 4.000% so với cùng kỳ năm 2019.
3. Các công ty dầu mỏ mong muốn Chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden nối lại giao dịch dầu thô với Venezuela
Đại diện các nhà cung cấp xăng dầu cho Venezuela, các nhà nhập khẩu dầu thô và các nhóm viện trợ nhân đạo cho biết họ đang lên kế hoạch gây áp lực lên Chính quyền Joe Biden nhằm dỡ bỏ lệnh cấm trao đổi dầu thô của Venezuela lấy dầu diesel mà Tổng thống Donald Trump đã ban hành vào quý IV/2020. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống đắc cử Joe Biden không đưa bất kỳ bình luận nào. Trên thực tế, ông Biden đã gọi Tổng thống Maduro là “kẻ độc tài” và đội ngũ cố vấn tại Washington cho biết nhiều khả năng ông Biden sẽ tiếp tục duy trì một số biện pháp trừng phạt đối với Caracas và tìm kiếm sự đồng thuận cao hơn giữa các đồng minh của Mỹ về vấn đề này.
Các công ty tham gia thường xuyên vào các giao dịch trao đổi với Venezuela (được Mỹ cấp phép) gồm Reliance Industries Ltd. của Ấn Độ, Repsol SA của Tây Ban Nha và Eni SpA của Ý. Theo nguồn tin thân cận với Reliance Industries, công ty của Ấn Độ đã gửi cho các quan chức thân cận của chính quyền Biden tài liệu về những hậu quả nhân đạo tiềm ẩn của lệnh cấm trao đổi dầu thô lấy dầu diesel với hy vọng chính quyền mới sẽ đảo ngược phán quyết trên. Tuy nhiên, người phát ngôn của Reliance khẳng định “còn quá sớm để bình luận về thông tin này” và nhấn mạnh họ vẫn đang đối thoại liên tục với Venezuela và Mỹ nhằm đảm bảo Reliance tiếp tục tuân thủ các lệnh cấm.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)