Tin Kinh tế Trung Quốc

0
95
(Internet)
(Internet)

1. Sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) trong các giao dịch xuyên biên giới gia tăng

Phát biểu tại Thượng đỉnh tài chính Sáng kiến Kết nối Trung Quốc – Singapore 2020 đang diễn ra tại Trùng Khánh, các quan chức nhận định môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay làm cho đồng NDT trở nên hấp dẫn trong các giao dịch xuyên biên giới. Giám đốc chính sách bảo hiểm vĩ mô của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Huo Yingli cho biết việc sử dụng đồng NDT trong các giao dịch xuyên biên giới trong 3 quý đầu năm tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019 và phần lớn các giao dịch này là để hỗ trợ cho nền kinh tế thực; việc nắm giữ các tài sản trái phiếu và chứng khoán bằng đồng NDT của nhà đầu tư nước ngoài đều tăng; 50% của tổng giao dịch xuyên biên giới của đồng NDT là thông qua việc mua bán, trao đổi các tài sản chứng khoán. Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đang đi đầu trong phục hồi kinh tế hậu đại dịch và đây là lý do chính để chính phủ và các tổ chức tài chính của các nước này hy vọng tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa trong giai đoạn thách thức về kinh tế này và thậm chí ngay cả khi đại dịch tạo ra những thách thức cho các dòng vốn xuyên biên giới ở Châu Á.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy toàn cầu hóa đồng NDT. Một báo cáo gần đây của PBOC cho biết trong năm 2019 có thêm nhiều thanh toán và giao nhận được thực hiện bằng đồng NDT khi mà các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng sử dụng đồng NDT trong các giao dịch xuyên biên giới để tránh các rủi ro tỷ giá, giảm chi phí thanh toán quốc tế, và đơn giản hóa việc quản lý quỹ và các thủ tục kế toán. Giám đốc điều hành Sở giao dịch chứng khoán Hồng Công Ba Shusong nhận định hiện là thời điểm tốt để thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trên thị trường toàn cầu; cho rằng Nhật, Mỹ và Châu Âu hiện đang áp dụng lãi suất bằng 0 hoặc âm, làm giảm sức hoạt động của đồng tiền các nước này, trong khi sự phục hồi kinh tế nhanh của Trung Quốc làm cho đồng NDT trở nên hấp dẫn; cần thiết phải làm cho các nhà đầu tư nước ngoài tạo nhiều lợi nhuận hơn nữa khi sở hữu tài sản bằng đồng NDT trên thị trường tài sản bằng đồng NDT mở hơn. Ba Shusong nhân mạnh một vấn đề mấu chốt trong việc thúc đẩy sử dụng đồng NDT trong giao dịch ở khu vực là phải cho phép chuyển đổi tự do hơn đồng NDT sang nhiều đồng tiền khác của các nước thành viên ASEAN mà không cần phải đổi sang đồng đô la Mỹ trước nhằm giúp giảm chi phí giao dịch sử dụng đồng NDT.

  1. Giám đốc điều hành IMF: Trung Quốc sẽ bảo đảm phục hồi kinh tế nhờ kết hợp đúng đắn các giải pháp chính sách

Ngày 23/11/2020, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng Trung Quốc tiếp tục phục hồi nhanh là nhờ thực hiện các biện pháp quyết liệt trong phòng chống đại dịch, làm giảm tác động của đại dịch và hỗ trợ tăng trưởng; nhấn mạnh với sự kết hợp đúng đắn của các chính sách hỗ trợ vĩ mô tập trung củng cố mạng lưới an sinh xã hội và mở rộng hơn nữa các đổi mới chủ chốt, Trung Quốc sẽ bảo đảm phục hồi và đạt tăng trưởng chất lượng cao và cân đối, và điều này có lợi không chỉ đối với Trung Quốc mà với cả thế giới. Trong bối cảnh phục hồi không đồng đều trên toàn cầu trong 01 năm đại dịch, trong khi Trung Quốc tiếp tục phục hồi, các nền kinh tế khác có thể đang mất đà tăng trưởng vì phải đối mặt với các làn sóng dịch tiếp theo. Để có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay trong thời gian nhanh nhất, không có con đường nào khác ngoài việc phải hợp tác cùng nhau, đầu tiên và trước hết phải bảo đảm các liệu pháp điều trị và vác-xin hiệu quả có thể được cung cấp cho tất cả mọi người. Kristalina Georgieva cũng nêu bật chính sách giãn trả nợ dành cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và xử lý vấn đề biến đổi khí hậu và hoan nghênh các nỗ lực của Trung Quốc trong các vấn đề này.

Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria nhận định Trung Quốc dự kiến sẽ đạt tăng trưởng kinh tế khoảng 8% trong năm 2021 và sau đó kinh tế Trung Quốc sẽ quay trở về chiều hướng phát triển trước đại dịch với mức tăng trưởng khoảng 5%; Trung Quốc phải tiếp tục tái cần bằng từ đầu tư sang tiêu dùng để bảo đảm sự phục hồi bền vững và bao trùm hơn; bảo toàn an sinh xã hội mạnh mẽ hơn, phân phối dịch vụ công chất lượng cao đồng đều hơn sẽ thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, từ đó thúc đẩy nhanh tiêu dùng; theo tính toán của OECD, trong trung hạn, tiêu dùng của Trung Quốc dự báo sẽ tăng trung bình hàng năm là 8%.

  1. Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc: phần lớn công ty Mỹ tại Trung Quốc lạc quan trong kinh doanh với chính quyền Biden

Theo một báo cáo khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham) tiến hành với 124 công ty thành viên từ ngày 11-15/11/2020, 54,8% cho biết có thái độ “lạc quan hơn” về khả năng có sự thay đổi trong cách tiếp cận về Trung Quốc của chính quyền Biden trong khi 8,1% khẳng định rất lạc quan.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, Chủ tịch AmCham Thượng Hải Ker Gibbs cho rằng phần lớn phản hồi của các doanh nghiệp được khảo sát đều có thái độ tích cực về tương lai, cá nhân cảm nhận chính quyền Biden sẽ đóng vai trò tích cực vào sự ổn định của môi trường và quan hệ kinh doanh. Chỉ 5,6% doanh nghiệp tin rằng sẽ có thêm thuế giữa hai nước. Tuy nhiên, quan hệ Trung – Mỹ không nhất thiết quay trở lại như giai đoạn trước khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại. Thay vào đó, 70,2% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát dự đoán lãnh đạo mới ở Mỹ sẽ tăng cương phối hợp với các nước khác gây áp lực lên quan hệ thương mại với Trung Quốc, thay vì áp dụng cách tiếp cận đơn phương như dưới thời chính quyền Trump.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh từ đại dịch, gần một nửa số doanh nghiệp khảo sát (47,6%) cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ vượt năm 2019, tăng từ mức 32,5% trong cuộc khảo sát tháng 7/2020; phần lớn doanh nghiệp sẽ duy trì hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong vòng 3 năm tới, trong khi chỉ 03 doanh nghiệp cho biết sẽ chuyển 30% hoạt động chế tạo ra khỏi Trung Quốc, cho thấy sức dẻo dai của chuỗi cung của Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù triển vọng là khá ổn định nhưng các doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa quyết định về việc tăng đầu tư ở Trung Quốc với chỉ 13,7% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ làm như vậy. Theo Kerr Gibbs, rạn nứt thương mại không thể biến mất, vẫn tồn tại những vấn đề mang tính cấu trúc cần phải được xử lý.

  1. Đầu tư ra nước ngoài phi tài chính của Trung Quốc giảm 3,2% trong 10 tháng đầu năm 2020

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phi tài chính (ODI) của Trung Quốc từ tháng 01-10/2020 giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 ở mức 602 tỷ Nhân dân tệ (NDT) (86,38 tỷ USD). Trong đó, ODI của Trung Quốc tại các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường đạt 14,1 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 16,3% tổng số ODI 10 tháng đầu năm. Số dự án xây dựng công nghiệp lớn ở nước ngoài tăng, với tổng giá trị các dự án được ký kết mới đạt 1.160 tỷ NDT, giảm 4,4% so với 10 tháng đầu năm 2019. Số dự án ký mới với giá trị hợp đồng trên 50 triệu USD là 590 trong đó 331 dự án có giá trị hợp đồng trên 100 triệu USD.

Ngoài ra, số liệu cho thấy đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp địa phương gia tăng. Trong giai đoạn từ tháng 01-10/2020, ODI từ các doanh nghiệp địa phương đạt 62,75 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019. Một số lĩnh vực ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng tính theo giá trị hợp đồng của dự án. Tổng giá trị các hợp đồng ký mới của các dự án xây dựng cơ bản đạt 40,48 tỷ USD, tăng 36,8% trong khi giá trị các hợp đồng mới của các dự án năng lượng điện tăng 10,8% đạt 39,24 tỷ USD.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here