Tin Kinh tế Trung Quốc

0
80
(Internet)
(Internet)

1. Thị trường tiêu dùng Trung Quốc tăng mạnh

Đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong tháng 10/2020 đúng dịp nghỉ Quốc khánh và Tết Trung Thu, tổng kim ngạch bán lẻ tiêu dùng xã hội của Trung Quốc tăng mạnh, cho thấy tiềm lực to lớn của thị trường trong nước, cụ thể biểu hiện 5 đặc điểm sau:

(i) Mức tiêu dùng tăng nhanh: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tháng 9/2020 là 1,0 điểm phần trăm, là mức tăng nhanh nhất kể từ đầu năm đến nay và duy trì mức tăng trong 3 tháng liên tiếp.

(ii) Tiêu thụ các mặt hàng khác tăng mạnh, nhất là ô tô: Tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng đạt 3,4 nghìn tỷ NDT, tăng 4,8%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với tháng 9/2020. Trong đó thị trường tiêu thụ ô tô tăng mạnh (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019), liên tục trong 4 tháng tăng trưởng 2 con số, lượng tiêu thụ xe ô tô sử dụng năng lượng mới tăng gấp đôi.

(iii) Ngành dịch vụ phục hồi nhanh: Doanh thu ngành ăn uống tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 3,7% so với tháng 9/2020.

(iv) Tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh: Trong 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch bán lẻ trực tuyến toàn quốc đạt 9,1 nghìn tỷ NDT (khoảng 1,33 nghìn tỷ USD), tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019.

(v) Giá tiêu dùng giảm đáng kể: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10/2020 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 1,2 điểm phần trăm so với 9 tháng đầu năm 2020. Đây cũng là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 4/2017.

2. Trung Quốc hoàn thành xóa bỏ nghèo tuyệt đối 01 tháng trước thời hạn đặt ra vào cuối năm 2020

Trung Quốc hoàn thành xóa bỏ nghèo tuyệt đối 01 tháng trước thời hạn đặt ra vào cuối năm 2020 sau khi 09 huyện nghèo cuối cùng thuộc tỉnh Quý Châu được đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo vào ngày 23/11/2020. Từ tuần trước, chính quyền các tỉnh và khu tự trị có các huyện nghèo đã lần lượt tuyên bố không còn các khu vực dân cư nghèo tuyệt đối sau khi tiến hành kiểm tra toàn diện, bao gồm Khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ, Khu tự trị Ninh Hạ, Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên và Cam Túc. Quý Châu là khu vực cấp tỉnh cuối cùng tuyên bố chiến thắng đói nghèo tuyệt đối. Ngưỡng xác định đói nghèo của Trung Quốc là 2.300 Nhân dân tệ (NDT)/01 năm tính theo giá cả năm 2010, tương đương với mức gần 01 đô la Mỹ /01 ngày. Vào năm 2013, cứ 03 huyện ở Trung Quốc thì có 01 huyện được xác định là nghèo; có 832 huyện nghèo cùng cực với tổng số dân trên 80 triệu người; chỉ có 09 khu vực có quy mô cấp tỉnh không có huyện nghèo bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Liêu Ninh, Sơn Đông, Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tô và Chiết Giang. Khu tự trị Tây Tạng là khu vực nghèo đói nhất ở Trung Quốc với 74 huyện được xác định là nghèo. Trong 07 năm qua, tại Trung Quốc, trung bình mỗi năm 10 triệu người thoát khỏi nghèo đói. Số người sống trong tình cảnh nghèo tuyệt đối giảm từ 98,99 triệu người vào cuối năm 2012 xuống 5,51 triệu người vào cuối năm 2019; số huyện nghèo giảm từ 832 xuống còn 52.

Một số người cho rằng, chuẩn nghèo tuyệt đối của Trung Quốc là quá thấp so với chuẩn nghèo 1,90 USD/1 ngày của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, cần phải tính đến yếu tố ngang bằng sức mua và chuẩn nghèo của Trung Quốc không phải là con số cố định mà được điều chỉnh hàng năm phản ánh áp lực lạm phát mà người dân nông thôn phải đối mặt trên cơ sở lấy năm 2010 làm năm cơ sở xác định. Một điều quan trọng khác là Trung Quốc và WB đặt chuẩn nghèo bằng việc sử dụng giá cả của các năm khác nhau, lần lượt là năm 2010 và 2011. Tính theo ngang bằng sức mua năm 2011, đồng USD ngang bằng với 3,04 NDT, đồng nghĩa với ngưỡng xác định nghèo của Trung Quốc tương đương với mức thu nhập xấp xỉ 2,30 USD/ngày, cao hơn 20% so với chuẩn toàn cầu là 1,9 USD/ngày.

Năm 2001, Trung Quốc công bố Định hướng giảm nghèo và phát triển khu vực nông thôn Trung Quốc giai đoạn 2001-2010; xác định các huyện nghèo và các khu vực nghèo cùng cực lân cận, thiết lập hệ thống xóa nghèo 04 cấp, hình thành cơ chế phối hợp trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, bảo tồn nước, giao thông, năng lượng và truyền thông. Ở cấp độ quốc gia, chiến lược thúc đẩy, hoạch định và tổ chức các hoạt động xóa đói nghèo trên quy mô lớn. Từ Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm 2012, Trung Quốc bám sát chủ trương xóa đói nghèo mang tính hướng đích trong giai đoạn mới, theo đó xác định các nhu cầu cụ thể của các khu vực đói nghèo khác nhau, thiết kế các chương trình giảm nghèo riêng biệt tính đến đặc thù của mỗi vùng địa phương khác nhau. Cách tiếp cận này cũng bảo đảm mỗi gia đình nghèo nhận được sự trợ giúp kịp thời, mỗi địa phương đều có một nhóm cán bộ phụ trách toàn thời gian, bí thư đảng ở các cấp điều phối các nhiệm vụ khác nhau để trợ giúp những người nghèo. Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính chính xác và đúng đắn của các dự án xóa đói nghèo, việc đánh giá giám sát của bên thứ ba được tiến hành định kỳ và ngẫu nhiên. Trong khuôn khổ tiếp cận này, nhiều biện pháp xóa đói nghèo đã được áp dụng bao gồm việc phát triển các ngành công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; tái xắp xếp người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa; tạo thuận lợi tiếp cận giáo dục và đào tạo; an sinh xã hội, trợ cấp y tế và tiền trợ cấp trực tiếp được cung cấp cho những người không thể lao động.

Trong bối cảnh đại dịch, một số biện pháp khác khai thác lợi thế của tiêu dùng và thương mại điện tử cũng được áp dụng để thực hiện công tác xóa đói nghèo. Trong quý đầu năm 2020, bán hàng theo hình thức phát trực tiếp qua mạng phát triển mạnh do các lệnh phong tỏa. Các cán bộ huyện, thành phố đã phát huy hình thức bán hàng phát trực tiếp qua mạng để thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp ở các khu vực nghèo như là một hình thức mới trong công tác xóa đói nghèo. Và khi dịch bệnh được kiểm soát từ tháng 4/2020, các hoạt động kinh tế được phục hồi, giúp tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực xóa đói nghèo ở Trung Quốc.

3. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự Tọa đàm “1+6” lần thứ 5

Ngày 24/11/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự trực tuyến Tọa đàm “1+6” lần thứ 5 với chủ đề “Thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19”. Cùng tham dự tọa đàm có Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Alan Wolff, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder, Tổng thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria và Chủ tịch Ủy ban Ổn định Tài chính Randal Quarles. Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một thỏa thuận thương mại bao trùm và mở, không giới hạn trong 15 quốc gia tham gia mà mời gọi thêm và hoan nghênh các quốc gia khác tham gia; các nguyên tắc của RCEP gắn kết với các quy định trong WTO, bổ sung và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do khu vực khác cũng như các cơ chế thương mại đa phương; việc ký kết thỏa thuận đưa ra thông điệp rõ ràng về việc duy trì chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, giúp thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và tự do hóa thương mại; khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác làm việc với các đối tác quốc tế để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cùng nhau xây dựng một nền kinh tế thế giới mở.

Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, sự phục hồi ổn định của kinh tế Trung Quốc là nhờ việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các thực thể thị trường, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đại dịch lần này khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trước đây vì tác động trực tiếp đến phía người tiêu dùng, làm sụt giảm hoạt động của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cũng như các hoạt động kinh doanh các thể, từ đó ảnh hưởng đến nhóm có thu nhập thấp và sinh kế của người dân. Trung Quốc ưu tiên sử dụng các biện pháp hướng đến thị trường, tập trung nguồn lực chính sách trực tiếp đến những người tham gia thị trường nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các loại hình kinh doanh cá thể. Trung Quốc dự kiến cắt giảm hơn 2500 tỷ Nhân dân tệ tiền thuế và phí cho các doanh nghiệp; phát hành 2000 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu để phòng chống tác động của đại dịch, thiết lập cơ chế có thể tương tác trực tiếp tới các huyện, thành phố ở cơ sở, tăng cường tính kịp thời của chính sách vĩ mô. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường điều chỉnh chính sách tiền tệ phản chu kỳ, thực hiện nhiều biện pháp tăng cường hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế thực, củng cố toàn diện chính sách ưu tiên việc làm để bình ổn và mở rộng việc làm trên tinh thần hướng đến thị trường.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here