Tin Kinh tế Trung Quốc

0
55
(Internet)
(Internet)

1. Trung Quốc tăng cường chống độc quyền đối với các công ty Internet

Ngày 11/11, các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong ngày thứ 2 liên tiếp sau khi Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) ban hành dự thảo các quy định chống độc quyền của các công ty công nghệ. Cổ phiếu của Alibaba – tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc giảm hơn 8% tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc). Một tuần trước đó, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã cho dừng kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu tiên (IPO) của chi nhánh tài chính Ant Group của tập đoàn này. Các tập đoàn công nghệ khác có cổ phiếu sụt giảm tại thị trường chứng khoán Hong Kong gồm tập đoàn công nghệ Tencent, nền tảng mua sắm trực tuyến JD.com, hãng chế tạo điện thoại thông minh Xiaomi và công ty giao nhận thức ăn Mietuan.

Các quy định công bố ngày 10/11 của SAMR nhằm ngăn chặn hành vi độc quyền của các công ty Internet, bao gồm việc “lạm dụng vị thế chi phối thị trường” để chèn ép các đối thủ nhỏ hơn, định giá không đúng, hạn chế các giao dịch không có lý do chính đáng, hoặc đưa ra giá cả và điều kiện khác nhau đối với khách hàng dựa trên thói quen mua hàng của họ. Động thái này cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của cơ quan quản lý Trung Quốc đối với vấn đề độc quyền. Trước đó, các doanh nghiệp Internet Trung Quốc được hoạt động tương đối tự do tại thị trường nội địa.

2. Trung Quốc bế mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần 3

Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) lần thứ 3 tổ chức tại Thượng Hải đã bế mạc ngày 10/11 sau 6 ngày diễn ra Hội chợ (5-10/11).

Phó Cục trưởng Cục Triển lãm Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc Tôn Thành Hải cho biết, cho dù dịch Covid-19 hiện vẫn đang lây lan trên toàn cầu, nhưng mong muốn hợp tác giữa các bên tham gia Hội chợ lần này vẫn không hề giảm sút. Hơn 2.000 công ty tham gia triển lãm và khách hàng đã đạt được 861 ý định hợp tác, cam kết giao dịch lũy kế đạt 72,62 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2019.

Ông Tôn Thành Hải cho biết, Hội chợ lần này giới thiệu 411 sản phẩm mới, công nghệ mới, dịch vụ mới, tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp top 500 thế giới và các doanh nghiệp hàng đầu đạt gần 80%. Đến nay, đã có hàng trăm công ty đăng ký tham gia CIIE lần thứ 4.

Theo đánh giá của Trung Quốc, đây là sự kiện kinh tế thương mại quốc tế có quy mô lớn nhất, số lượng quốc gia tham gia đông nhất, được tiến hành bằng hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến thể hiện quyết tâm cải cách và chủ động mở cửa thị trường ra quốc tế của Trung Quốc, trong khi vẫn bảo đảm tối đa nhiệm vụ về phòng chống dịch bệnh.

3. Trung Quốc đặt mục tiêu nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản lên tới trên 50% vào năm 2025

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến ​​về việc đẩy nhanh phát triển cơ giới hóa nuôi trồng thủy sản” (Ý kiến) nhằm giải quyết tình trạng ngành nuôi trồng thủy sản phát triển mất cân đối hiện nay tại Trung Quốc, hướng dẫn các địa phương khắc phục những tồn tại, đẩy mạnh cơ giới hóa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng chất lượng và hiệu quả.

Các ý kiến ​​đề xuất đến năm 2025, mức độ ứng dụng cơ giới hóa ngành nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc sẽ đạt trên 50%, cơ giới hóa các khâu như chọn giống, làm ao, bơm nước, cho ăn, phòng chống dịch bệnh, thu hoạch, cơ bản hình thành hệ thống sản xuất cơ giới hóa ngành chăn nuôi xanh, mang lại hiệu quả cao.

Các ý kiến ​​nêu 5 nhiệm vụ chính sau: (i) Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới khoa học, công nghệ, hiện đại hóa máy móc, thiết bị nuôi thủy sản, tận dụng các ưu thế, thúc đẩy kết hợp giữa sản xuất, học tập, nghiên cứu khoa học, vận dụng thực tiễn, đẩy nhanh khắc phục những hạn chế về kỹ thuật; (ii) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cơ giới hóa toàn ngành chăn nuôi thủy sản xanh, tổng kết các giải pháp cơ giới hóa nuôi thủy sản hiệu quả để đẩy nhanh ứng dụng rộng rãi; (iii) Tích cực thúc đẩy kết hợp cơ giới hóa và thông tin hóa chăn nuôi thủy sản, thúc đẩy kết nối thông minh, tạo sự chính xác trong quản lý sản xuất và kinh doanh hiệu quả; (iv) Đẩy nhanh việc cải thiện các dịch vụ xã hội hóa trong ngành nuôi xanh, phát triển các mô hình mới và hình thức dịch vụ xã hội hóa như vận hành theo đơn đặt hàng, ủy thác sản xuất; (v) Tập trung đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa các ao nuôi thủy sản để đáp ứng nhu cầu ứng dụng thiết bị và vận hành máy móc.

4. Chỉ số phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc tăng nhẹ

Theo số liệu công bố ngày 10/11 của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc (CASME), Chỉ số phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDI) của Trung Quốc trong tháng 10/2020 đạt 87,0 điểm, tăng 0,1 điểm so với tháng 9/2020, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay (2/2020).

Số liệu cho thấy, 96,75% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã khôi phục sản xuất và kinh doanh. Trong đó ngành vận tải, bưu chính và kho bãi dẫn đầu với tỷ lệ 99%, ngành dịch vụ ăn uống và khách sạn có tốc độ phục hồi thấp nhất với tỷ lệ 94,21%.

Theo CASME, các chỉ số cảm nhận kinh tế vĩ mô, vốn, nguồn lao động đều nằm trên mức trung tính (100 điểm), phản ánh kỳ vọng đầu tư tăng trở lại, tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên, tình trạng khó khăn về vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giảm bớt.

Chỉ số phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc (SMEDI: Small and Medium Enterprises Development Index) được thực hiện bởi Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc thông qua khảo sát 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 8 ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế quốc dân, là chỉ số tổng hợp phản ánh tình trạng hoạt động kinh tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phạm vi giá trị của SMEDI từ 0-200 điểm. Trong đó, 100 điểm là mức trung tính, cho thấy tình trạng kinh tế không thay đổi; 100-200 điểm thuộc phạm vi khởi sắc, cho thấy tình hình kinh tế có xu hướng tăng hoặc cải thiện; 0-100 điểm thuộc phạm vi suy giảm, cho thấy tình hình kinh tế có xu hướng giảm hoặc xấu đi.

5. Thương mại điện tử xuyên biên giới Trung – Nga hưởng lợi từ tự do hóa thương mại

Thương mại xuyên biên giới ở khu thương mại tự do Hắc Hà thuộc Khu thương mại tự do thí điểm Trung Quốc (Hắc Long Giang) (FTZ) giáp với khu vực Blagoveshchensk của Nga phát triển ổn định trong năm nay. Bất chấp đại dịch, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử là động lực thúc đẩy chính của kinh tế địa phương.

Theo Giám đốc Văn phòng thương mại điện tử xuyên biên giới khu vực Hắc Hà của FTZ Hắc Long Giang Zhong Huanyu, trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng dung lượng thương mại điện tử đạt 1 tỷ Nhân dân tệ, mức tăng nhỏ hơn mức 1,4 tỷ Nhân dân tệ cùng kỳ năm 2019 do tác động của đại dịch, nhưng vững chắc. Kể từ khi FTZ được thành lập năm 2019, Hắc Hà ngày càng trở thành trung tâm giao lưu quan trọng; cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh mở cửa nền kinh tế, ngày càng nhiều sản phẩm nước ngoài thâm nhập vào thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây, trong đó hàng nghìn sản phẩm của Nga từ rau quả giầm đến rượu vodka đổ dồn về các trung tâm logistics hàng ngày và chờ để được phân phối trên khắp thị trường Trung Quốc. Zhong Huanyu cho rằng việc mở rộng các hoạt động bán hàng trực tuyến và sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo thuận lợi cho sự trao đổi hợp tác tốt hơn thanh niên hai nước Trung – Nga thông qua nền tảng internet.

Khu thương mại tự do Hắc Hải nằm trong FTZ thí điểm Trung Quốc (Hắc Long Giang) thu hút trên 120 doanh nghiệp thương mại điện tử với các chính sách ưu đãi như giá thuê địa điểm bằng 0, chi phí vận chuyển giao hàng thấp. Lãnh đạo FTZ cho biết, bước đi tiếp theo sẽ là xây dựng thêm nhiều trung tâm lưu giữ hàng hóa trên toàn Trung Quốc để tăng cường hiệu quả của thương mại điện tử để ngày càng có thêm nhiều khách hàng được hưởng lợi.

6. Quan hệ thương mại Trung Quốc – Australia

Trong lúc đang diễn ra bất đồng thương mại và căng thẳng đang gia tăng trong quan hệ Trung Quốc – Australia, ngày 11/11/2020, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chengganga phát biểu rằng mọi người đều biết hai bên cần phải vượt qua và thúc đẩy thiết lập quan hệ lành mạnh giữa Trung Quốc và Australia; với thái độ và cách cư xử của Australia, Australia nên biết rõ hơn phía Trung Quốc về việc cần phải làm gì để cải thiện quan hệ hai nước. Trung Quốc có quan điểm thực tế trong việc tích cực theo đuổi các quan hệ kinh tế và thương mại với tất cả các đối tác.

Trung Quốc và Australia thời gian qua đã bị lôi kéo vào một số bất đồng liên quan đến thương mại và cả phi thương mại như Covid-19 và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Từ ngày 13/11/2020, Bắc Kinh có thể áp đặt những hạn chế mới đối với việc nhập khẩu của một loạt mặt hàng từ Australia bao gồm lúa mạch, đường, rượu vang, gỗ khúc, than đá, tôm hùm, đồng quặng và đồng tinh chế.

Trả lời tại họp báo gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân yêu cầu Canberra học hỏi cách nước này đã từng xử lý quan hệ thương mại với Trung Quốc trong quá khứ khi được hỏi về việc liệu Trung Quốc có dừng nhập khẩu 7 mặt hàng này của Australia. Quan hệ thương mại hai chiều Trung Quốc – Australia vào khoảng 240 tỷ đô la Australia (171 tỷ USD) trong đó Trung Quốc nhập khẩu 39% toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Australia. Quan hệ hai bên diễn biến xấu đi sau khi Australia thúc đẩy điều tra nguồn gốc virus Covid-19 mà không tham vấn Bắc Kinh, làm mở rộng sự rạn nứt vốn đã mở rộng trong quan hệ hai nước sau khi Canberra cấm Tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng lưới 5G ở nước này 2 năm trước.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here