1. Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng 1,9% trong năm 2020
Ngày 13/10/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm 4,4% trong năm 2020, cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6/2020. Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất trong các nền kinh tế lớn trên thế giới duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, dự kiến sẽ tăng 1,9% trong năm 2020 và sẽ tăng 8,2% trong năm 2021.
Ngoài ra, theo một khảo sát được hãng Tin tức tài chính Caixin thực hiện với 16 tổ chức kinh tế trong và ngoài Trung Quốc, công bố ngày 13/10 cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý 3/2020 sẽ tăng 5,5%, cao hơn mức tăng 3,2% của quý 2; phạm vi tăng trưởng được dự báo trong khoảng từ 4,8% đến 6,2%. Các nhà kinh tế được khảo sát đều có chung nhận định ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc giảm dần, nền kinh tế tiếp tục phục hồi; GDP của Trung Quốc trong năm 2020 sẽ tăng trưởng dương.
Trước đó, trong Báo cáo triển vọng kinh tế Trung Quốc quý 3/2020 được công bố mới đây, Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc nhận định, với các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thúc đẩy khôi phục sản xuất, dự kiến GDP của Trung Quốc trong quý 3/2020 tăng 5,2% và cả năm 2020 sẽ tăng khoảng 2,5%.
Báo cáo cho rằng, trong những tháng cuối năm 2020, Trung Quốc sẽ thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt hơn với biên độ vừa phải; tập trung hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vượt qua khó khăn, tăng các khoản vay tín dụng, vay bổ sung. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, dần hình thành mô hình phát triển mới thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn kép (trong và ngoài nước), trong đó tuần hoàn trong nước là chính, tạo lợi thế mới trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế.
– Cũng theo báo cáo của IMF, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác được IMF dự đoán tăng trưởng -5,7% trong năm 2020 trước khi phục hồi ở mức 5% trong năm 2021, vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trước khi xảy ra đại dịch. Đại dịch làm đảo ngược những tiến bộ đạt được từ những năm 1990 trong việc xóa đói nghèo toàn cầu và làm gia tăng bất bình đẳng, với khoảng 90 triệu người có thể rơi vào nhóm có thu nhập thấp hơn ngưỡng đói nghèo cùng cực là 1,90 USD/ngày.
Báo cáo của IMF cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng –4,3% trong năm 2020 và 3,1% năm 2021; kinh tế khu vực đồng Euro tăng trưởng –8,3% và 5,2% lần lượt trong các năm 2020 và 2021. Dự đoán của IMF đưa ra dựa trên các giả định giãn cách xã hội sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 và giảm dần trong các năm tiếp theo khi vác-xin được áp dụng mở rộng và các biện pháp điều trị sẽ ngày càng được cải thiện; lây nhiễm trong cộng đồng được giả định sẽ được kiềm chế ở mức thấp ở hầu hết các nơi trên thế giới cho đến cuối năm 2022. Sau khi phục hồi vào năm 2021 (5,2%), kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong trung hạn, ở mức 3,5%.
2. Nông sản Mỹ La tinh tràn vào thị trường Trung Quốc
Số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hàng nông sản giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh đạt 26,75 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 22,9% tổng kim ngạch thương mại hàng nông sản của Trung Quốc. Mặc dù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, giao lưu người dân giảm mạnh, nhưng xuất khẩu hàng nông sản của Mỹ Latinh vào Trung Quốc vẫn tăng mạnh, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Brazil sang Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Brazil; 76% lượng thịt xuất khẩu của Argentina là xuất cho Trung Quốc, đạt mức cao kỷ lục, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Argentina. Trung Quốc tiếp tục duy trì là điểm đến xuất khẩu hàng đầu cho các sản phẩm nông nghiệp của Chile, kim ngạch thương mại song phương tăng 49% so với cùng kỳ năm 2019. Các sản phẩm nông nghiệp Mỹ Latinh tràn vào thị trường lớn Trung Quốc đã trở thành một nhân tố tích cực quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu cho các nước trong khu vực này và giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế do dịch Covid-19.
Gần đây, Trung Quốc và Dominica đã ký “Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu quả bơ tươi từ Dominica sang Trung Quốc”, đánh dấu việc Dominica trở thành nhà xuất khẩu bơ thứ 5 được Trung Quốc chấp thuận sau Mexico, Peru, Chile và Colombia. Mới đây, Brazil cũng xuất khẩu thành công lô hàng gồm 3,5 tấn dưa đầu tiên bằng đường hàng không sang Thượng Hải. Đây là lô hàng trái cây đầu tiên của Brazil được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, cam, quýt của Chile, chanh Argentina và các loại trái cây tươi khác của Mỹ Latinh cũng được tiếp cận thị trườngTrung Quốc.
Kim ngạch thương mại hàng nông sản giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đã tăng từ 21,24 tỷ USD năm 2010 lên 49,8 tỷ USD năm 2019, tăng lũy kế 134,5%. Năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 399 nghìn tấn thịt bò và 57,67 triệu tấn đậu nành từ Brazil, lần lượt chiếm 24,1% tổng lượng thịt bò nhập khẩu và 65,2% tổng lượng đậu tương nhập khẩu của Trung Quốc. Nhìn chung, năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ Brazil chiếm 19,6% tổng nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Châu Mỹ Latinh đã vượt Bắc Mỹ và Châu Á để trở thành nơi cung cấp nông sản lớn nhất của Trung Quốc.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại hàng hóa nông sản giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh cũng đã thúc đẩy hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch. Hiện hải quan Trung Quốc đã ký hơn 300 văn bản hợp tác kiểm nghiệm, kiểm dịch với 17 nước Mỹ Latinh và vùng Caribe; hơn 200 sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của khu vực này được tiếp cận thị trường Trung Quốc.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)