Tin kinh tế Trung Quốc

0
92
(Internet)

1. UNCTAD: kiểm soát dịch bệnh hiệu quả giúp kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 8,1% năm 2021

Trong báo cáo mới được Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố, GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 1,3% trong năm 2020 và phục hồi mạnh mẽ lên 8,1% trong năm 2021, đối ngược với sự sụt giảm tăng trưởng dự kiến ở mức – 4,3% của kinh tế thế giới trong năm 2020. Giám đốc Ban Chính sách phát triển và Toàn cầu hóa của UNCTAD Richard Kozul-Wright cho rằng Trung Quốc cho đến nay rõ ràng đã kiểm soát dịch bệnh tốt hơn các nền kinh tế khác, tạo không gian trong nước đủ lớn để có thể kiểm soát sự phục hồi mạnh mẽ và mở rộng nền kinh tế nội địa.

Dự báo lạc quan về Trung Quốc của UNCTAD cũng được ủng hộ bởi các tổ chức quốc tế chủ chốt khác. Ngân hàng Thế giới trước đó dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 7,9% trong năm 2021; OECD dự báo Trung Quốc tăng trưởng 8% trong báo cáo mới nhất. Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục chứng kiến sự hồi phục kinh tế ấn tượng trong những tháng còn lại của năm sau khi ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến trong tháng 8/2020. Theo UBS Securities, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhẹ; đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và lĩnh vực bán lẻ sẽ phục hồi vững chắc; dự kiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 3 và 4 lần lượt là 5,5% và 6%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc vẫn bị đe dọa bởi các rủi ro và bất ổn định ở môi trường bên ngoài vì đại dịch vẫn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt xã hội và các hoạt động kinh doanh bình thường của người dân ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo UNCTAD, tính đến cuối năm nay, sản lượng toàn cầu sẽ bị cắt giảm 6000 tỷ USD so với mức các nhà kinh tế kỳ vọng trước khi dịch bệnh lan rộng ra toàn thế giới, tương đương với sự mất mát hoàn toàn của ba nền kinh tế Brazil, Ấn Độ và Mexico. UNCTAD cũng cảnh báo, trong năm 2020, thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm 1/5, tổng các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 40% và khuyến nghị thế giới đứng trước đòi hỏi bức thiết phải phối hợp hành động để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi kinh tế nhằm đối mặt với sự suy thoái toàn cầu sâu.

2. Lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tăng trong tháng 8/2020 

Ngày 23/9, Bộ Tài chính Trung Quốc công bố số liệu cho thấy tình hình kinh tế-xã hội Trung Quốc duy trì ổn định, từng bước khắc phục tác động bất lợi do dịch bệnh gây ra. Trong tháng 8/2020, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tăng 23,2% so với cùng kỳ, doanh thu và lợi nhuận đạt mức tăng trưởng dương trong 3 tháng liên tiếp.

Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2020, lũy kế lợi nhuận đạt 1.816,98 tỷ NDT (khoảng 259,5 tỷ USD), giảm 24,2% so với cùng kỳ, thu hẹp 6,2 điểm phần trăm so với mức giảm 7 tháng đầu năm.

Trong tháng 8/2020, thu nhập hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (phi tài chính) tăng 6,0% so với cùng kỳ. Trong 8 tháng đầu năm 2020, lũy kế thu nhập từ hoạt động kinh doanh đạt 38.256,8 tỷ NDT (5.465 tỷ USD), giảm 2,1% so với cùng kỳ, thu hẹp 1,4 điểm phần trăm so với mức giảm 7 tháng đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương đạt 21.661,2 tỷ NDT, giảm 4,8%; doanh nghiệp nhà nước ở địa phương đạt 16.595,6 tỷ NDT, tăng 1,7%.

Trong tháng 8/2020, lũy kế chi phí hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong 8 tháng đầu năm 2020, lũy kế chi phí hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước là 37.341,34 tỷ NDT, giảm 0,6% so với cùng kỳ.

Về lợi nhuận ròng, trong tháng 8/2020, lợi nhuận sau thuế của khối doanh nghiệp nhà nước tăng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận ròng sau thuế là 1.308,64 tỷ NDT, giảm 27,3% so với cùng kỳ.

3. Trung Quốc thúc đẩy đầu tư các ngành nghề chiến lược mới 

Mới đây, Ủy ban Phát triển và Cải cách, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin và Bộ Tài chính Trung Quốc phối hợp ban hành “Ý kiến chỉ đạo về mở rộng đầu tư đối với các ngành nghề chiến lược mới, xây dựng điểm tăng trưởng, cực tăng trưởng mới” (Ý kiến), đề xuất 20 phương hướng trọng điểm và chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy phát triển chất lượng cao các ngành nghề chiến lược mới.

Về các lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm cần tập trung đầu tư, Ý kiến yêu cầu tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành công nghiệp thông tin thế hệ mới, đẩy mạnh đầu tư xây dựng và thương mại hóa 5G; đẩy nhanh phát triển và đổi mới ngành công nghiệp sinh học; nghiên cứu, phát triển ngành vật liệu mới, năng lượng mới…

Về phương diện xây dựng các cụm ngành nghề chiến lược mới, Ý kiến đề đặt ra mục tiêu xây dựng 10 trung tâm ngành nghề chiến lược mới có tầm ảnh hưởng toàn cầu, 100 cụm ngành nghề chiến lược mới có năng lực cạnh tranh quốc tế, định hướng 1.000 hệ sinh thái ngành nghề chiến lược mới đặc sắc, hình thành cục diện phát triển có sự phân công rõ ràng, kết nối lẫn nhau./.

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here