Tin kinh tế Trung Quốc

0
55

1. Trung Quốc là nước duy nhất trong G20 tăng trưởng dương 

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết đại dịch COVID-19 gây tổn thất nặng nề hơn gấp bốn lần so với những tổn thất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Đại dịch đã gây ảnh hưởng ở mức “chưa từng có tiền lệ” với sự phát triển kinh tế trong quý 2 của năm tài khóa 2020 tại hầu hết mọi quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia thuộc nhóm G20 (gồm 19 quốc gia và Liên minh Châu Âu, chiếm 80% hoạt động kinh tế toàn cầu) từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay đã giảm kỷ lục 6,9%. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức giảm 1,9% trong quý I/2009. Nguyên nhân chủ yếu do các chính sách phong tỏa, hạn chế để phòng ngừa dịch bệnh.

Trong số các nước G20, GDP quý II của Trung Quốc tăng 3,2% so với cùng kỳ và tăng 11,5% so với quý I. Trong khi đó, 19 quốc gia còn lại giảm trung bình 11,8% so với quý trước. Ấn Độ giảm mạnh nhất (25,2%), Anh giảm 20,4%, Mỹ giảm 9,1%, khối đồng tiền chung euro giảm gần 15%; có 8 quốc gia có mức giảm ở mức hai con số.

Báo cáo của OECD cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ còn tiếp tục suy thoái hơn nữa nếu làn sóng dịch bệnh thứ hai buộc nhiều chính phủ tái áp đặt các lệnh phong tỏa, cách ly diện rộng. Nếu không có thêm các lệnh phong tỏa mới, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm khoảng 6% trong năm nay. Tuy nhiên, Báo cáo cũng dự đoán làn sóng dịch bệnh lần hai kéo theo những đợt phong tỏa mới có thể gây tình trạng thất nghiệp nhiều gấp đôi và phải mất ít nhất một năm nữa mới có thể hồi phục.

2. Cơ sở hạ tầng kiểu mới thúc đẩy phát triển kinh tế số

Mới đây, Viện Nghiên cứu tài chính Trung Quốc đã công bố báo cáo “Cơ sở hạ tầng mới, động năng mới, hành trình mới”, xác định cơ sở hạ tầng kiểu mới là công cụ quan trọng của nền kinh tế số và có thể kỳ vọng hiệu ứng tăng trưởng kinh tế theo cấp số nhân.

Báo cáo chỉ ra rằng các công ty công nghệ là những “ngọn cờ tiên phong” đi đầu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kiểu mới của Trung Quốc, mở ra triển vọng phát triển kinh tế Trung Quốc. Báo cáo lựa chọn 10 công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc và chia các công ty này thành 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất là những gã khổng lồ công nghệ có thực lực hùng hậu: Huawei, Alibaba và Tencent. Cấp độ thứ hai là các công ty kỳ cựu nổi tiếng về công nghệ: Lenovo, BOE và Ziguang. Cấp độ thứ 3 là các công ty công nghệ tiên tiến như Ningde Times, HKUST iFlytek, Inovance Technologies và NavInfo. Trong số 10 công ty trên có tới 9 công ty (ngoại trừ Hoa Vi) đã niêm yết với  tổng giá trị vốn hóa thị trường là 10,1 nghìn tỷ NDT. Nếu Hoa Vi lên sàn, giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này sẽ không dưới 2,3 nghìn tỷ NDT.  Như vậy tổng giá trị thị trường của 10 công ty sẽ vượt 12,4 nghìn tỷ NDT (khoảng 1.771,4 tỷ USD), tương đương với tổng GDP năm 2019 của 4 thành phố lớn của Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến), bằng 12,5% GDP năm 2019 của Trung Quốc.

Ông Quản Thanh Hữu, Trưởng khoa và Nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Tài chính Trung Quốc, cho rằng chiến lược phát triển của Trung Quốc đã có những thay đổi lớn. Trung Quốc đang thúc đẩy việc thiết lập mô hình phát triển mới “tuần hoàn kép” với “đại tuần hoàn trong nước” là chủ đạo, tuần hoàn trong nước và quốc tế cùng phát triển; nhấn mạnh chuyển đổi và nâng cấp ngành nghề. Trong bối cảnh đó, cơ sở hạ tầng kiểu mới sẽ là công cụ quan trọng của nền kinh tế số và hoàn toàn có thể kỳ vọng sự phát triển theo cấp số nhân. Người ta ước tính rằng từ năm 2020-2025, cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc sẽ thúc đẩy đầu tư 11 nghìn tỷ NDT (khoảng 1.571 tỷ USD), với tốc độ tăng trưởng trung bình là 10%. Công nghệ thông tin thế hệ mới và các ứng dụng của nó phù hợp với hướng chuyển đổi và nâng cấp ngành nghề và phát triển chất lượng cao là những điểm tăng trưởng chính của nền kinh tế trong tương lai.

Ông Lý Hải Hạm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế số, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng bước sang thế kỷ 21, cuộc cách mạng công nghệ thông tin với động lực chính là internet đã tạo ra những thay đổi to lớn đối với kinh tế-xã hội.  Trong thời đại kinh tế số, tăng trưởng theo cấp số nhân, vừa tăng trưởng tốc độ cao vừa phát triển chất lượng cao; thay đổi về không gian, từ không gian thực sang không gian ảo với đặc điểm “3 không, 1 vô” (không thời gian, không khoảng cách, không chi phí và vô ranh giới). Rượt đuổi, vượt lên, phát triển nhanh và cạnh tranh xuyên biên giới, đặc biệt xây dựng kinh tế số, trở thành xu thế chung của các quốc gia./.

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here