Tin Kinh tế Trung Quốc

0
99
(internet)

1. Trung Quốc nhiều công ty “Fortune Global 500” hơn cả Mỹ

Ngày 10/8, Tạp chí Fortune của Mỹ đã công bố Bảng xếp hạng Top “500 công ty lớn nhất toàn cầu” (Fortune Global 500). Theo đó, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ, trở thành quốc gia có số doanh nghiệp góp mặt trong “Fortune Global 500” nhiều nhất thế giới. Trong “Fortune Global 500” năm nay, Trung Quốc có 124 công ty, trong khi Mỹ có 121 công ty.

Đây là năm thứ 7 liên tiếp, Wal-Mart, chuỗi siêu thị bán lẻ của Mỹ giữ vị trí “quán quân”; Sinopec – Tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc vẫn đứng thứ 2; Tập đoàn lưới điện Trung Quốc (State Grid) vươn lên thứ 3; Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (PetroChina) xếp thứ 4 và Shell Oil tụt xuống vị trí thứ 5.

Về lợi nhuận, Saudi Aramco vẫn đứng đầu danh sách với lợi nhuận 88,2 tỷ USD. Berkshire Hathaway đứng thứ 2 với lợi nhuận 81,4 tỷ USD và Apple xuống thứ 3. Ba ngân hàng lớn của Trung Quốc là Ngân hàng Công nghiệp, Nông nghiệp và Xây dựng tiếp tục đứng trong top 10 danh sách cao về lợi nhuận.

Số liệu cho thấy trong tổng số 124 doanh nghiệp của Trung Quốc có tên trong “Fortune Global 500” năm nay có 48 doanh nghiệp của Trung ương, 32 doanh nghiệp địa phương. Trong số 25 công ty mới và tái niêm yết trong bảng xếp hạng “Fortune Global 500” năm nay, Trung Quốc có 8 doanh nghiệp mới niêm yết, trong đó có doanh nghiệp Sắt thép Sơn Đông, Dược phẩm Thượng Hải, Đầu tư Quảng Tây, Công nghiệp hạt nhân Trung Quốc, năng lượng than Trung Quốc.

Kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa, quy mô và số lượng doanh nghiệp lớn của Trung Quốc không ngừng tăng lên. Năm 1997, hai năm sau khi Tạp chí Fortune lần đầu tiên công bố danh sách “Fortune Global 500”, Trung Quốc đại lục chỉ có 4 doanh nghiệp được xếp vào bảng xếp hạng này. Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có 12 doanh nghiệp được lọt vào danh  sách xếp hạng. Kể từ năm 2008, số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc trong bảng xếp hạng tăng nhanh. Trung Quốc lần lượt vượt Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản và năm nay vượt Mỹ, trở thành quốc gia có số doanh nghiệp lọt vào danh sách “Fortune Global 500” nhiều nhất thế giới.

2. Trung Quốc thông qua chương trình thí điểm sáng tạo về thương mại dịch vụ ở 28 tỉnh và thành phố

Ngày 11/8/2020, Quốc Vụ viện Trung Quốc thông qua chương trình thí điểm về phát triển sáng tạo toàn diện thương mại dịch vụ ở 28 tỉnh và thành phố để thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ trên toàn Trung Quốc.

Chương trình sẽ kéo dài 3 năm bắt đầu từ ngày 11/8/2020, bao gồm các tỉnh, thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Trùng Khánh, Hải Nam, Đại Liên, Hạ Môn, Thanh Đảo, Thâm Quyến, Thạch Gia Trang. Quốc Vụ viện cho biết chương trình thí điểm sẽ triển khai khái niệm phát triển mới; coi cải cách cấu trúc trọng cung là đường hướng chủ đạo; kiên trì cải cách, mở cửa; tạo cơ hội phát triển thương mại dịch vụ. Chương trình cũng sẽ tập trung bình ổn ngoại thương, thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp ngoại thương và phát triển chất lượng cao. Trong năm nay, thương mại dịch vụ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Trong 5 tháng đầu năm, thương mại dịch vụ đạt 1870 tỷ Nhân dân tệ (264,8 tỷ USD), giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 6/2020, thương mại dịch vụ của Trung Quốc bị thâm hụt 73,9 tỷ Nhân dân tệ. Trung Quốc không ngừng ủng hộ phát triển thương mại dịch vụ và luôn nâng cao cơ cấu của loại hình thương mại này.

Hội chợ Thương mại dịch vụ quốc tế Trung Quốc 2020 (CIFTIS) sẽ khai mạc vào đầu tháng 9. Hơn 100 tập đoàn kinh doanh, các cơ quan đại diện nước ngoài ở Trung Quốc và các tổ chức quốc tế dự kiến sẽ tham dự sự kiện này. Đối lập với thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ bao gồm việc mua bán và phân phối các sản phẩm phi vật thể như giao thông, du lịch, viễn thông, xây dựng, quảng cáo, điện toán./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here