Tin kinh tế Trung Quốc

0
61
(Getty Images)
(Getty Images)

1. Lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc giảm

Theo trang web của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, 2 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp lớn của Trung Quốc đạt 410,7 tỷ NDT (khoảng 58,6 tỷ USD), giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lợi nhuận của các công ty cổ phần nhà nước đạt 146,54 tỷ NDT, giảm 32,9%;

Trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng lợi nhuận của các công ty cổ phần đạt 315,88 tỷ NDT, giảm 33,6%; tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân đạt 120,83 tỷ NDT, giảm 36,6%; tổng lợi nhuận của ngành sản xuất đạt 300,57 tỷ NDT, giảm 42,7%; tổng lợi nhuận của ngành sản xuất điện, nhiệt, khí và nước đạt 54,82 tỷ NDT, giảm 23,2%; các doanh nghiệp FDI nói chung và FDI của Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan đạt lợi nhuận 79,63 tỷ NDT, giảm 53,6%.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, trong số 41 ngành công nghiệp, chỉ có 4 ngành công nghiệp tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2019, 37 ngành giảm: (1) 4 ngành công nghiệp có lợi nhuận tăng gồm: ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá tăng 31,5%, ngành luyện kim và kim loại màu (28,3%), công nghiệp khai thác dầu và khí tự nhiên (23,7%), công nghiệp chế biến thực phẩm và nông nghiệp (2,2%); (2) 37 ngành công nghiệp có lợi nhuận giảm, gồm: ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử giảm 87%, công nghiệp sản xuất ô tô (79,6%), công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị điện (68,2%), công nghiệp sản xuất hóa chất (66,4%), công nghiệp sản xuất ngành dệt may (59,3%).

Tính tới cuối tháng 2/2020, tổng tài sản của các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đạt 114,97 nghìn tỷ NDT (khoảng 16,42 nghìn tỷ USD), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng nợ phải trả là 67,74 nghìn tỷ NDT (khoảng 9,67 nghìn tỷ USD), tăng 5,3%.

2. Ngoại thương Trung Quốc lao dốc do nhiều đơn đặt hàng hủy

Ngày 28/3/2020, tờ “Thời báo Hoàn cầu” (Trung Quốc) có bài viết “Nhiều đơn đặt hàng hải ngoại sụt giảm tác động mạnh đến ngoại thương Trung Quốc”, nội dung chính như sau: Dịch bệnh lan rộng toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu. Nhiều nước nhập khẩu hàng đầu của Trung Quốc lần lượt rơi vào tình trạng khẩn cấp đối phó dịch bệnh. Việc các đơn đặt hàng sụt giảm đã gây nhiều áp lực đối với ngành ngoại thương Trung Quốc. Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Canton Fair 127-2020) dự kiến tổ chức tháng 4/2020 tại Quảng Châu – được coi là động lực thúc đẩy ngoại thương Trung Quốc buộc phải hoãn do dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, nếu tính bằng đồng USD, 2 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 591,99 tỷ USD, giảm 11%. Trong đó, xuất khẩu đạt 292,45 tỷ USD, giảm 17,2%; nhập khẩu đạt 299,54 tỷ USD, giảm 4%. Thâm hụt thương mại khoảng 7,09 tỷ USD.

Kinh tế đối ngoại giảm mạnh, nhất là sang EU, Mỹ, Nhật Bản: trong 2 tháng đầu năm 2020, ASEAN vượt lên là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, EU đứng thứ 2, Mỹ đứng thứ 3, Nhật Bản đứng thứ 4. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Trung Quốc-EU (trừ Anh) đạt 557,4 tỷ NDT, giảm 14,2%; với Mỹ đạt 422,5 tỷ NDT, giảm 19,6%; với Nhật Bản đạt 274,95 tỷ NDT, giảm 15,3%.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu các sản phẩm cơ khí và điện của Trung Quốc đạt 1,2 nghìn tỷ NDT, giảm 14,9%; xuất khẩu điện thoại di động đạt 100,3 tỷ NDT, giảm 14,2%; xuất khẩu hàng dệt may đạt 29,8 tỷ USD, giảm 20%; xuất khẩu 113 nghìn xe ô tô, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. “Tạp chí Phố Wall” mới đây đưa tin, các nhà bán lẻ đang hủy đơn đặt hàng ở châu Á khiến hàng triệu việc làm trên thế giới có nguy cơ mất việc. Các thương hiệu quần áo ở châu Âu và Mỹ đã tạm ngừng hoặc hủy lượng lớn đơn đặt hàng như thương hiệu quần áo H&M có hơn 1.400 nhà máy trên toàn thế giới, mà hầu hết tập trung tại Trung Quốc, Băng-la-đet.

Phát biểu tại cuộc họp báo của Cơ chế phòng chống dịch bệnh của Quốc Vụ viện Trung Quốc ngày 28/3, ông Lưu Trường Vu, thanh tra viên của Bộ thương mại Trung Quốc cho rằng dựa trên nghiên cứu và dự đoán về những thay đổi hiện tại về cung và cầu, chính sách thương mại hiện tại của Trung Quốc là tập trung ổn định ngoại thương. Dịch bệnh tác động đến ngoại thương Trung Quốc trên 3 phương diện: (i) Nhu cầu quốc tế giảm do các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc rơi vào tình trạng khẩn cấp chống dịch; (ii) Việc nhập khẩu các sản phẩm trung gian và nguyên liệu thô gặp khó khăn, ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện; (iii) Hợp tác giao lưu giữa các nước bị ngừng trệ, nhiều hội chợ bị hoãn hoặc hủy, nhiều đơn hàng bị hủy…

Ông Lưu Trường Vu cho biết Trung Quốc triển khai các giải pháp sau: tăng cường nghiên cứu và phân tích về tình hình dịch bệnh của các nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch bệnh; triển khai các chính sách và biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như cung cấp cho các doanh nghiệp các dịch vụ pháp lý và thông tin cần thiết, hướng dẫn doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro, nỗ lực giữ đơn hàng; hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực nhận đơn đặt hàng thông qua đàm phán trực tuyến và triển lãm trực tuyến; bảo đảm việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp quan trọng; tăng cường nhập khẩu nông sản và thực phẩm./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here