1. Các đơn hàng đối với các hàng hóa có giá trị suy giảm trong tháng 9 do hạn chế về nguồn cung
Ngày 27/10/2021, Bộ Thương mại cho biết trong tháng 9 các đơn đặt hàng mới cho các sản phẩm có độ bền ít nhất 3 năm, trong đó có thiết bị gia dụng, máy tính và ô tô, đã giảm 0,4% xuống mức 261,3 tỷ USD được điều chỉnh theo mùa so với tháng 8. Đây là lần sụt giảm đầu tiên của các mặt hàng này kể từ mùa xuân. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất tiếp tục phải đối mặt với chi phí vật liệu và phụ tùng cao hơn và tình trạng thiếu lao động. Các nhà kinh tế được The Wall Street Journal khảo sát đã dự báo mức giảm là 1%. Các đơn đặt hàng đã tăng 1,3% sau khi được điều chỉnh trong tháng 8 so với tháng 7, giảm so với ước tính trước đó là 1,8%.
Nhu cầu về hàng hóa sử dụng lâu dài đã tăng trong 15 (trên 17) tháng qua, kể từ thời điểm thấp nhất là tháng 4/2020. Hoạt động kinh doanh bùng nổ, hàng tồn kho bán lẻ, cộng với chi tiêu dùng mạnh mẽ dẫn đến nhu cầu cho các nhà sản xuất tăng lên. Tuy nhiên, các nút thắt trong chuỗi cung ứng tiếp tục hạn chế sản xuất và làm chậm trễ một số lô hàng. Trong tháng 9, các đơn đặt hàng mới cho tư liệu sản xuất không bao gồm máy bay đã tăng 0,8% so với tháng 8. Theo nhận xét của một số nhà kinh tế, nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất vẫn ổn định và đầu tư kinh doanh sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào năm 2022. Trong tháng 9, sự sụt giảm các lô hàng và đơn đặt hàng mới cho xe có động cơ và phụ tùng giảm tháng thứ hai liên tiếp cho thấy các vấn đề về chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô tiếp tục đè nặng lên sản xuất và bán hàng.
2. Khó khăn với ngành vận tải biển trong việc cắt giảm phát thải carbon
Các nhà khai thác vận tải biển đang chịu áp lực từ chính phủ và các khách hàng lớn trong việc loại bỏ khí thải carbon do tàu thuyền gây ra. Hiện các giải pháp thay thế khả thi cho nhiên liệu hóa thạch mới đang trong giai đoạn hình thành. Các nguồn cung cấp metanol và amoniac, hai lựa chọn có thể thay thế cho dầu mỏ, rất hạn chế để cung cấp năng lượng cho 60.000 tàu trên thế giới và các nhiên liệu này đắt gấp nhiều lần dầu mỏ.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế đưa ra thời hạn cuối cùng cho các công ty vận tải biển để cắt giảm mạnh lượng carbon dioxide do các tàu thải ra là năm 2050 trong khi đó một số khách hàng lớn như Amazon, IKEA, Unilever … lại yêu cầu thời hạn này là năm 2040. Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế, các tàu đóng góp khoảng 2,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, tương đương với lượng khí thải của một số nước lớn nhất thuộc Liên minh Châu Âu.
Vận tải biển là một trong những phân khúc của ngành vận tải toàn cầu đang chuẩn bị đầu tư lớn để đáp ứng các mục tiêu dài hạn về giảm phát thải khí nhà kính. Theo đánh giá của Clarkson Research Services Ltd., một nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển lớn, ngành vận tải biển có thể cần khoảng 3 nghìn tỷ USD để chuyển sang các giải pháp năng lượng mới. Hiện nhiều hãng vận tải biển vẫn đang đứng trước các lựa chọn khó khăn trong việc đặt hàng các con tàu mới do chưa có đầy đủ thông tin về nhiên liệu thay thế và nguồn cung nhiên liệu. Trước mắt, các nhóm hàng hải kêu gọi các tàu tiết kiệm hơn 40% nhiên liệu trong thập kỷ tới đồng thời cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2050, so với mức năm 2008 và cho biết sẽ có thể áp dụng thời hạn sớm hơn và cắt giảm khí thải nhiều hơn khi xem xét lại chiến lược vào năm 2023.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)