Tin Kinh tế Mỹ

0
87
(minh hoạ)
(minh hoạ)

1. Hơn 25 nhóm doanh nghiệp ủng hộ Luật cải cách Mục 232

Hơn 25 nhóm doanh nghiệp thuộc Liên minh cải cách thuế quan đã gửi thư cho các Thượng nghị sỹ Mỹ, thúc giục Quốc hội thông qua đạo luật mới được ban hành gần đây là Đạo luật của Cơ quan Thương mại Quốc hội Lưỡng viện (BCTA) năm 2021 nhằm cải cách việc sử dụng lý do an ninh quốc gia cho việc áp đặt thuế quan. Các nhóm này đại diện cho nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu, bán lẻ, sản xuất nông sản và thực phẩm của Mỹ và các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bất lợi do thuế quan Mục 232 và hạn ngạch đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu, trong đó có Hội đồng Ngoại thương Quốc gia, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, Hiệp hội Các nhà tinh chế ngô, Hội đồng Hóa học Mỹ và Hiệp hội Đồ uống Hoa Kỳ…

Đạo luật được ban hành ngày 5/10/2021 này được cho là rất quan trọng để đảm bảo tất cả lợi ích quốc gia đều được xem xét trước khi áp đặt thuế quan hoặc hạn ngạch. Luật sẽ yêu cầu Quốc hội xem xét và phê duyệt đối với bất kỳ mức thuế nào được áp dụng vì lý do an ninh quốc gia. Các nhà tài trợ cho biết dự luật là cần thiết để ngăn chặn sự lạm dụng của cơ quan hành pháp và trả lại quyền giám sát thuế quan cho Quốc hội.

2. Khủng hoảng chuỗi cung ứng đang thúc đẩy sự thụt lùi của toàn cầu hóa

Theo Wall Street Journal, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng năm 2021 đang thúc đẩy sự thoái lui của toàn cầu hóa, đe dọa chấm dứt thời kỳ hàng hóa có giá rẻ và sẵn có. Ba yếu tố chính dẫn đến cuộc khủng hoảng này là dịch Covid-19, khí hậu và địa chính trị. Các yếu tố này cũng là một phần nguyên nhân của việc thiếu hụt chất bán dẫn, làm tê liệt một số ngành sản xuất trên toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng là kết quả của việc kết nối sản xuất toàn cầu, các doanh nghiệp áp dụng hình thức thuê ngoài, gia công sản phẩm và các công ty, chính phủ hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở xa, thiếu các liên kết quan trọng, từ vận tải đường biển đến truyền tải điện. Covid-19 là cú sốc lớn nhất đối với hệ thống này do phải đóng cửa sản xuất, đóng cửa biên giới và buộc công nhân ra khỏi lực lượng lao động. Ngoài ra, các yếu tố rủi ro khí hậu đang gia tăng do thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn cùng quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng gió và mặt trời phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và chủ nghĩa bảo hộ tấn công chuỗi cung ứng cũng góp phần phá vỡ nền sản xuất tích hợp toàn cầu. Trên thực tế, Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều đã đang theo đuổi khả năng tự cung tự cấp trong các lĩnh vực chính như chất bán dẫn và pin.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện nay có thể sẽ dẫn đến việc mạng lưới sản xuất có khả năng tự cường tốt hơn nhưng sẽ không làm hài lòng người tiêu dùng về đa dạng hóa sản phẩm và chi phí thấp.

3. Tăng trưởng của Mỹ chậm lại trong những tháng gần đây

Báo cáo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ ngày 20/10 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại trong những tháng mùa thu khi các công ty vẫn phải đối đầu với các vấn đề về chuỗi cung ứng, thiếu lao động và mối lo ngại về biến thể Delta. Các doanh nghiệp bị gánh nặng với mức giá cao đáng kể do các chi phí cao hơn cho nguyên liệu thô và vận chuyển. Báo cáo cho biết về tổng thể, triển vọng cho các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn vẫn tích cực, nhưng một số nơi có sự tăng trưởng không chắc chắn và sự lạc quan thận trọng hơn so với những tháng trước. Một điểm sáng trong báo cáo là sự tiếp tục gia tăng trong chi tiêu của người tiêu dùng ở hầu hết các khu vực của Mỹ. Hoạt động sản xuất tăng lên và chi tiêu cho bất động sản ổn định. Hầu hết các lĩnh vực có tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ. Một số công ty bán lẻ, khách sạn và sản xuất phải giảm giờ làm do thiếu lao động. Một số thách thức đối với thách thức đối với sự thiếu hụt lao động là: việc phải chăm sóc trẻ em, các quy định về vắc xin ngừa Covid-19, và tình trạng nghỉ hưu sớm.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here