Tin Kinh tế Mỹ

0
60
(minh hoạ)
(minh hoạ)

1. Bà Katherine Tai: Trung Quốc không có ý định cải cách thực sự trước những quan ngại của phía Mỹ

Ngày 04/10/2021, Trade Insider đăng phát biểu của Trưởng đại diện Cơ quan Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho rằng Trung Quốc không có ý định cải cách thực sự trước những quan ngại của phía Mỹ. Phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ngày 4/10/2021, bà Tai cho rằng Trung Quốc đã dồn tất cả cho cơ chế tập trung kinh tế của mình và ngày càng thể hiện rõ họ không có ý định thay đổi trước những mối quan ngại chung của Mỹ và các nước khác.

Bà lưu ý là Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đạt được dưới thời chính quyền Trump có một số cam kết ổn định luồng thương mại Mỹ – Trung nhưng lại chưa xử lý được những quan ngại chính của Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc cũng như các tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Do vậy, bà cho rằng thỏa thuận này không có tác dụng ngăn cản Bắc Kinh tiếp tục đổ 4 tỷ USD vào các ngành công nghiệp trọng điểm như thép, pin mặt trời, công nghiệp bán dẫn; và xây dựng nền kinh tế theo định hướng của nhà nước, gây phương hại đến lợi ích của người lao động Mỹ và toàn thế giới.

 Bà nhấn mạnh Mỹ cần phải có cách tiếp cận mới, thực tế và toàn diện hơn trong quan hệ với Trung Quốc thì mới đạt được các mục tiêu kinh tế chiến lược cả trong ngắn và dài hạn. Dù không khẳng định việc USTR có thể khởi kiện theo mục 301, bà Tai cho rằng USTR sẽ dùng mọi công cụ có thể để khẳng định và bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ.

Bà Tai cũng cho rằng tiếp cận thị trường Trung Quốc không còn là mục tiêu thực tế của chính sách thương mại. Mỹ cần có một chính sách thương mại thông minh và bền vững hơn. Bà cũng nhấn mạnh cần phải hành động để ứng phó với các chính sách phát triển công nghiệp cũng như sự tăng lên rất nhanh của quy mô nền kinh tế Trung Quốc. Mục tiêu là vẫn duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc trong khi vẫn giữ được vị trí thống lĩnh của Mỹ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

2. “Thảm họa” chuỗi cung ứng khiến hàng hóa Giáng sinh chịu rủi ro

Ngày 04/10/2021, Bloomberg đăng bài lo ngại về thảm họa chuỗi cung ứng dẫn tới những rủi ro nguồn cung hàng Giáng sinh. Giá bán lẻ hàng hóa đang ở mức gần như cao nhất trong khi thương mại toàn cầu xáo trộn và mùa cao điểm của vận tải hàng hóa mới chỉ bắt đầu.

Tháng 10 hàng năm thường được coi là cao điểm tiêu thụ hàng hóa nhưng năm nay, các ngành đều ở trạng thái lo sợ thiếu hàng do các nút thắt của chuỗi cung ứng toàn cầu từ năm 2020 vẫn chưa được tháo gỡ, thậm chí còn trở nên tồi tệ.

Trên toàn Châu Âu, các nhà bán lẻ may mặc thuộc H&M không đáp ứng được nhu cầu do các đơn hàng bị chậm. Tại Mỹ, Nike cắt giảm doanh số do các nhà máy tại Việt Nam phải đóng cửa vì Covid-19, mấy tháng không có sản phẩm. Dịch Covid cũng ảnh hưởng tới vận tải đường biển, các công-ten-nơ không đủ kiến giá tăng lên hơn 10 lần so với năm 2020. Lao động thì thiếu hụt nghiêm trọng ngay cả khi UPS và Walmart chưa tuyển lao động thời vụ cho mùa cao điểm.

Tình hình chỉ có thể khả quan hơn trong Quý IV nếu các nhà bán lẻ chịu giảm lợi nhuận và chi mạnh hơn cho vận chuyển hàng không hoặc thuê riêng tàu. Tuy nhiên, đầu tư nhiều hơn vào vận chuyển và chuỗi cung ứng là chưa đủ. Hãng giày Steve Madden đã chuyển nửa đơn hàng của họ sang Brazil và Mexico để tránh rủi ro từ thị trường Châu Á, như Việt Nam. Sản xuất hàng hóa gần Mỹ hơn sẽ giúp giảm một nửa thời gian vận chuyển so với các đối thủ cạnh tranh.

 Một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho rằng với sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử và kỳ vọng của người tiêu dùng vào các chương trình khuyến mại lớn trong mùa Giáng sinh, việc đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng gần như là không thể và đây là cách chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here