1. Niềm tin vào nền kinh tế Mỹ đang tiệm cận với mức trước đại dịch
Triển vọng tiêu dùng trong nền kinh tế Mỹ đã tăng trong 4 tháng liên tiếp khi tổng số người tiêm vắc xin tăng và các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 4 khi ngày càng nhiều người được tiêm chủng hơn, hộ gia đình nhận được các khoản hỗ trợ kích thích và nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động hơn. Theo Conference Board, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã tăng từ mức 109,0 trong tháng 3 lên 121,7 vào tháng 4. Những cải thiện gần đây đã đưa chỉ số này lên mức cao nhất trong hơn một năm qua, gần bằng mức trước đại dịch là 132,6 vào tháng 2 năm 2020. Thị trường lao động gần đây có dấu hiệu tăng tốc. Các công ty đã tuyển thêm hơn 900.000 việc làm mới trong tháng 3 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 6%. Hồ sơ công nhân xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp trong những tuần gần đây. Chỉ số tình hình hiện tại phản ánh đánh giá của người tiêu dùng về các điều kiện kinh doanh và thị trường lao động hiện tại, đã tăng từ 110,1 trong tháng 3 lên 139,6 vào tháng 4. Chỉ số kỳ vọng phản ánh đánh giá triển vọng ngắn hạn về điều kiện thu nhập, kinh doanh và thị trường lao động cũng tăng lên, dù có thấp hơn, từ mức 108,3 của tháng trước lên 109,8 vào tháng 4. Ông Jonathan giám đốc điều hành Affinity Solutions, công ty chuyên thu thập dữ liệu chi tiêu từ các giao dịch thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cho biết, đã thấy sự gia tăng chi tiêu từ các hộ gia đình có thu nhập cao sau nhiều tháng giảm mặc dù những người có thu nhập cao nhất không đủ điều kiện được nhận hỗ trợ kích thích mới nhất. Đến tháng 3, việc tăng chi tiêu chủ yếu đến từ người tiêu dùng có thu nhập thấp. Điều đó cho thấy khả năng gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ bền vững trong thời gian tới.
2. Kế hoạch Gia đình Mỹ đầu tư vào trẻ nhỏ và cải thiện giáo dục
Ngày 28/4/2021, Tổng thống Joe Biden công bố Kế hoạch Gia đình Mỹ, đề xuất cung cấp chương trình phổ cập giáo dục mầm non, đảm bảo không có hộ gia đình nào chi hơn 7% thu nhập cho việc chăm sóc trẻ em. Theo Nhà Trắng, trong kế hoạch trị giá 1,8 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm, Biden đề xuất xây dựng mối quan hệ đối tác với các bang để cung cấp “chương trình mầm non miễn phí, chất lượng cao, dễ tiếp cận và hòa nhập” cho tất cả trẻ em 3 – 4 tuổi. Chính quyền đang đề xuất Quốc hội chi khoảng 200 tỷ USD để thực hiện chương trình này, ước tính chương trình phổ cập giáo dục mầm non sẽ mang lại lợi ích cho 5 triệu trẻ em và tiết kiệm cho một gia đình trung bình 13.000 USD chi phí trọn đời. Kế hoạch cũng đề xuất phân bổ 225 tỷ USD để giúp các gia đình có trẻ em dưới 13 tuổi trả khoản tiền chăm sóc trẻ em. Theo kế hoạch, các gia đình có thu nhập thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập trung bình của tiểu bang sẽ không phải trả tiền trông trẻ và những người có thu nhập trên mức đó sẽ không trả quá 7% thu nhập cho việc này. Để giúp các gia đình có đủ khả năng chăm sóc trẻ, Tổng thống Biden kêu gọi mở rộng khoản tín dụng chăm sóc trẻ em và người phụ thuộc (CDCTC), cho phép các hộ gia đình nhận được khoản tín dụng thuế lên đến 4.000 USD cho một trẻ em hoặc 8.000 USD cho 2 hoặc nhiều trẻ em dưới 13 tuổi.
Ngoài việc phổ cập giáo dục mầm non và chi tiêu chăm sóc trẻ em, đề xuất của Tổng thống Biden cũng bao gồm các chương trình nghỉ phép có lương mới, gia hạn tín dụng thuế trẻ em 3.000 USD đến năm 2025, 2 năm đại học cộng đồng miễn phí cho mỗi học sinh và tài trợ để đào tạo và trả lương cho các nhà giáo dục.
Để tài trợ cho Kế hoạch Gia đình Mỹ, Biden đã đề xuất tăng một số mức thuế, trong đó có tăng thuế lợi tức đầu tư lên 39,6% đối với các hộ gia đình thu nhập hơn 1 triệu USD/năm.
3. Tổng thống Biden vẫn chưa quyết định từ bỏ TRIPS
Ngày 27/4/2021, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden chưa quyết định có nên ủng hộ đề xuất từ bỏ một số quy định về quyền sở hữu trí tuệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như một phần của ứng phó đại dịch toàn cầu hay không, và Trưởng Đại diện USTR Katherine Tai cũng chưa trình ông khuyến nghị này. Đề xuất được Ấn Độ và Nam Phi đưa ra hồi tháng 10 này sẽ áp dụng cho một số nghĩa vụ theo Hiệp định về các vấn đề liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả bằng sáng chế. Nó được giới chính trị rất quan tâm vì các đảng viên Dân chủ cấp tiến và các nhóm xã hội dân sự đang thúc giục chính quyền ủng hộ việc từ bỏ trong khi các công ty dược phẩm lại phản đối.
Việc từ bỏ TRIPS này được nhiều nước đang phát triển ủng hộ, trong khi những người hoài nghi chủ yếu là các nước phát triển có ngành công nghiệp dược phẩm tên tuổi. Ngày 30/4/2021, Hội đồng TRIPS sẽ họp tại Geneva, nhưng không có khả năng thúc đẩy việc miễn trừ này. Dự kiến trong cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng sẽ báo cáo Đại hội đồng rằng vấn đề vẫn còn bế tắc và các thành viên WTO sẽ tiếp tục thảo luận. Những người ủng hộ lập luận rằng cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng thế kỷ này cần phải có các giải pháp đặc biệt và việc miễn các bằng sáng chế cũng như các quyền sở hữu trí tuệ khác sẽ cho phép các quốc gia tăng cường sản xuất vắc xin trên khắp thế giới. Những người phản đối cho rằng sở hữu trí tuệ không phải là rào cản để tăng sản lượng và việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ có thể đe dọa sự an toàn của vắc xin.
USTR cho biết ngày 26/4 vừa qua, bà Tai đã gặp các lãnh đạo của Pfizer và AstraZeneca để thảo luận về việc từ bỏ bản quyền và tăng sản xuất vắc xin nhưng không tiết lộ các chi tiết quan trọng. Chính quyền Biden tuyên bố việc phòng chống đại dịch là ưu tiên hàng đầu. Nhà Trắng gần đây đã tuyên bố sẽ cung cấp 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca cho các quốc gia khác bằng cách trực tiếp và thông qua sáng kiến vắc xin COVAX. Dự kiến 10 triệu liều vắc xin sẽ được FDA gửi đi trong vài tuần tới.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)