1. The Hill: Nhà Trắng lo ngại lạm phát làm hỏng các kế hoạch phục hồi kinh tế
Ngày 16/5/2021, The Hill đưa tin việc giá cả gia tăng đang tạo ra sức ép ngày càng lớn đối với Tổng thống Biden và Cục Dự trữ liên bang (Fed) trong việc ngăn chặn lạm phát, bảo đảm sự phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch.
Các gói kích thích của chính phủ, tình hình vắc xin được cải thiện và việc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nhưng cũng đặt ra gánh nặng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà sản xuất và các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch đang cố gắng hồi phục sau một năm nền kinh tế bị đóng cửa. Điều này đã gây sự khan hiếm nguyên liệu đầu vào và việc giá cả gia tăng. Các nhân tố này đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,8% trong tháng 4/2021 và tăng 4.2% so với 12 tháng trước đây, tỷ lệ tăng hàng năm cao nhất kể từ 2008. Nếu không tính các giá cả dễ bị biến động như thực phẩm và năng lượng thì chỉ số này đã có mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1982.
Việc giá cả tăng lên đang đặt ra cho chính quyền Biden những nguy hiểm chính trí. Lạm phát không những có thể làm trệch hướng chương trình kinh tế của Biden mà còn gây thách thức cho đảng Dân chủ trong việc giữ đa số mỏng manh tại hai Viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Giá hàng hoá gia tăng là việc có thể dự đoán trước khi kinh tế Mỹ phục hồi sau suy thoái. Tuy nhiên, đảng Cộng hoà đã lợi dụng việc này để chỉ trích cách kiểm soát lạm phát của Nhà Trắng và Fed. TNS Rick Scott (Cộng hoà, bang Florida) chỉ trích rằng chưa bao giờ trong lịch sử mà chính quyền lại cung cấp một lượng tiền lớn vào thị trường trong khi nền kinh tế không có lạm phát. Mặc dù Đảng Cộng hoà đồng ý với các vấn đề chủ chốt trong kế hoạch xây dựng hạ tầng của Biden như việc xây đường, cầu và các tuyến đường thuỷ, nhưng chống lại cả kế hoạch của Biden với lý do nó sẽ gây ra lạm phát.
Nhà Trắng và Fed biện hộ rằng nước Mỹ cần phục hồi nhanh chóng, chứ không thể để tình trạng phải mất nhiều năm mới phục hồi như sau suy thoái giai đoạn 2007-2009. Nhiều nhà kinh tế cho rằng giá cả sẽ chỉ tăng trong vài tháng rồi sau đó sẽ ổn định. Rosner-Warburton, chuyên gia cao cấp của công ty Macropolicy Perspectives, cho rằng giá cả gia tăng là do 3 nguyên nhân ngắn hạn: (i) kinh tế năm qua đã giảm quá sâu nên giá chỉ tăng một lượng nhỏ cũng thể hiện tỷ lệ tăng lớn; (ii) việc thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn do dịch bệnh; và (iii) việc dỡ bỏ hạn chế đi lại. Giá cả gia tăng chủ yếu do sự tăng giá về giá thuê nhà, vé máy bay, các hoạt động giải trí, bảo hiểm ô tô, hàng tiêu dùng và dịch vụ. Đây là các lĩnh vực đã giảm giá sâu trong năm 2020.
2. The Wall Street Journal: Các ngân hàng Trung ương tham gia vào chính sách chống biến đổi khí hậu
Ngày 16/5/2021, The Wall Street Journal đưa tin các ngân hàng trung ương cũng muốn trở thành những người bảo vệ môi trường. Mạng lưới các Ngân hàng Trung ương và các cơ quan Kiểm soát vì sự Xanh hoá hệ thống tài chính dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp vào tháng tới để thảo luận biến đổi khí hậu. Mạng lưới được thành lập năm 2017, sau khi Mỹ rút khỏi Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu, và hiện có khoảng 90 ngân hàng trung ương thành viên, bao gồm các ngân hàng trung ương châu Âu, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.
Nhiều thành viên của Mạng lưới đang điều chỉnh chính sách dựa trên các cân nhắc về môi trường, bao gồm cả việc thu phí cao hơn đối với các công ty sử dụng năng lượng hoá thạch. Các ngân hàng trung ương cho rằng biến đổi khí hậu tạo ra các nguy hiểm về tài chính và kinh tế. Nước biển dân, cháy rừng và các thiên tai ngày càng lớn có thể gây ra nhiều thiếu hụt và thúc đẩy lạm phát. Một số thành viên của Mạng lưới đã có các quy định về môi trường bền vững và duy trì ổn định giá cả.
Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ tham dự cuộc họp của Mạng lưới vào tháng 6. Fed không buộc phải chấp thuận bất kỳ chính sách nào từ Mạng lưới và từ trước đến nay Powell cũng tránh xa các đề xuất của các ngân hàng khác.
Tuy nhiên, một số người lo rằng Mạng lưới này sẽ vượt quá phạm vi nhiệm vụ. HNS Frank Lucas (Cộng hoà, bang Oklahoma) cho rằng Fed đang hướng đến các quy định chính sách vì mục tiêu môi trường và điều này sẽ khiến ngân hàng không muốn làm việc với một số doanh nghiệp nhất định. Một số ý kiến cũng lo ngại rằng việc tập trung vào biến đổi khí hậu buộc các ngân hàng trung ương vượt ra khỏi các mô hình mà họ đã sử dụng từ lâu để điều hành thị trường và cung cấp tài chính.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)