1. Bất bình đẳng sẽ gia tăng nếu các chính sách của Mỹ thúc đẩy lạm phát liên tục
Ngày 16/5/2021, tờ Wall Street Journal cho rằng mặc dù các quan chức Cục Dự trữ Liên bang và chính quyền Biden nói rằng bất bình đẳng kinh tế gây tác động xấu và các chính sách của họ nhằm giảm thiểu việc này, nhưng những chính sách này thực ra đang làm gia tăng bất bình đẳng, ít nhất là trong ngắn hạn.
Trong những tháng gần đây, áp lực lạm phát đã khiến chi phí sinh hoạt tăng nhanh hơn so với tiền lương. Tuần trước, Bộ Lao động cho biết lạm phát giá tiêu dùng trong tháng 4 đã tăng 4,2% so với một năm trước đó, trong khi lương theo giờ cho công nhân sản xuất tăng 1,2%. Sau khi điều chỉnh lạm phát, lương của công nhân sản xuất và người không quản lý trong tháng 4 đã giảm 3,3% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ cú sốc lạm phát và suy thoái năm 1980. Nếu lạm phát vẫn tiếp diễn và được Fed hoặc các chính sách của chính quyền Biden thúc đẩy thì có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với chi phí và lợi ích của những chính sách đó đối với người lao động Mỹ.
Các nhà kinh tế cho rằng lạm phát là một loại thuế lũy thoái – nghĩa là nó tác động mạnh nhất vào những người lao động có thu nhập thấp. Karen Petrou, một nhà phân tích tài chính và là tác giả của cuốn sách “Engine of Inequality”, phê bình chính sách của Fed rằng một thập kỷ các chính sách lãi suất thấp của Fed đã giúp những người giàu bằng cách đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn. Trong khi đó, đa số người dân Mỹ còn lại sống chỉ đủ ăn. Theo dữ liệu của Fed, 10% hộ gia đình giàu có nhất ở Mỹ sở hữu 88,5% lượng cổ phiếu trên thị trường Mỹ.
Những nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế và tuyển dụng thông qua lãi suất thấp và các gói kích thích hàng nghìn tỷ đô la chi tiêu liên bang mới có thể làm gia tăng bất bình đẳng nếu các biện pháp này làm tăng chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng lạm phát chỉ là hiện tượng ngắn hạn. Nó sẽ là vấn đề kéo dài nếu các nhà cung cấp và người lao động đưa lạm phát và việc tăng giá vào các hợp đồng dài hạn. Mary Daly, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, cho rằng việc tăng giá tiêu dùng chỉ là tạm thời, một phần do sự so sánh “hiệu ứng cơ bản” kỳ lạ với năm ngoái và bởi những tắc nghẽn về nguồn cung tạm thời sẽ được giải quyết theo thời gian.
Nhiều nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng lạm phát đã ở mức quá thấp trong thời gian quá dài. Hầu hết các quan chức Fed coi lãi suất thấp là một cách thức để tăng lương mạnh hơn: Bằng cách giúp thúc đẩy nhu cầu và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, Fed cho rằng họ đang cho người lao động khả năng thương lượng với người sử dụng lao động để yêu cầu tăng lương bền vững vượt trên mức lạm phát.
2. Bộ trưởng Tài chính Yellen đề nghị đánh thuế cao hơn, xây dựng công đoàn mạnh hơn, năng lực cạnh tranh toàn cầu lớn hơn đối với Phòng Thương mại Mỹ
Ngày 18/5/2021, trong bài phát biểu tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đóng thuế cao hơn để hỗ trợ chương trình cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden, đồng thời ủng hộ các liên đoàn lao động mạnh hơn và hạ thấp các rào cản đối với cạnh tranh nước ngoài. Chính quyền cũng đang dự kiến xây dựng thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu để ngăn chặn các công ty di chuyển khỏi Mỹ nhằm tránh bị đánh thuế cao hơn ở trong nước. “Với mức thuế doanh nghiệp ở mức thấp lịch sử là một phần trăm GDP, chúng tôi tin rằng khu vực doanh nghiệp có thể hỗ trợ nỗ lực này bằng cách đóng góp phần xứng đáng của mình: chúng tôi đề xuất đơn giản là quay lại thuế doanh nghiệp theo các mức thuế đã có trong lịch sử”.
Yellen nói thêm rằng Kế hoạch Gia đình Hoa Kỳ của Tổng thống Joe Biden sẽ được trang trải một phần nhờ “một loạt các cải cách thuế nhằm đảm bảo rằng các cá nhân giàu có phải đóng góp công bằng.” Bà cho biết chính quyền cũng đang tìm cách ngăn chặn hành vi trốn thuế đã “kéo dài trong nhiều thập kỷ chống lại những người nộp thuế có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp”.
Ngoài ra, Yellen cho biết sự bất bình đẳng trong trả lương cho người lao động một phần bắt nguồn từ việc thiếu quyền lực của công đoàn. Đây là một điểm yếu tiềm năng mà chủ sử dụng lao động có thể khai thác trong bối cảnh hiện chỉ có hơn 10% người lao động tham gia các công đoàn.
Đồng thời, Yellen cho rằng các công ty nên chào đón sự cạnh tranh toàn cầu. bà kêu gọi “Hãy để mọi người đổi mới và thăng tiến. Hãy để chúng ta tìm cách tiến nhanh hơn và xa hơn. Chúng ta, cuối cùng, sẽ được hưởng lợi từ sự lan tỏa tích cực của đổi mới dù nó xảy ra ở bất cứ nơi nào.” “Như trong bất kỳ cuộc thi nào, nếu bạn thua một cuộc thi, bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn để giành chiến thắng trong cuộc thi tiếp theo. Cạnh tranh càng tốt, bạn sẽ càng mạnh mẽ hơn. Đó là cách của người Mỹ”.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)